Lan rộng phong trào cực đoan mới ở châu Âu

Thứ Tư, 04/02/2015, 09:00
Mới chỉ xuất hiện tại Dresden, bang Sachsen (Đức) từ hồi tháng 10 năm ngoái, tới nay, phong trào cực đoan "Người châu Âu yêu nước phản đối Hồi giáo hóa phương Tây" đã vươn cái vòi bạch tuộc của mình tới Đan Mạch và Norway.
Nếu như hồi tháng 10 chỉ có 500 người tham gia Pegida thì nay con số này đã lên tới gần 50.000. Phong trào này từng chỉ trích đạo Hồi, bài xích người tị nạn, đồng thời cáo buộc chính giới Đức làm phai mờ nền văn hóa có nền tảng Cơ đốc giáo của Đức bằng chính sách đa văn hóa. Đây thực sự là một "quả bom cực đoan nổ chậm" ngay trong lòng châu Âu.

Hôm 19/1, khoảng 200 người ủng hộ Pegida đã đổ ra đường ở thủ đô Copenhagen, Đan Mạch, trong khi nhiều người khác cũng tuần hành ở Aarhus, thành phố lớn thứ hai đất nước Bắc Âu này và ở Esbjerg. Những người thuộc phong trào Pegida ở thủ đô Đan Mạch cho biết, họ không chống lại người Hồi giáo mà chỉ phản đối chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức các "cuộc đi bộ hòa bình" vào buổi tối mỗi tuần một lần.

Cùng với Pegida, nhóm Ngăn chặn Hồi giáo hóa Đan Mạch (SIAD) đã tổ chức tuần hành với hơn 100 người tham gia. Trong khi đó, khoảng 600 người ở quận Noerrebro (Copenhagen) và ở Aarhus cũng đã tổ chức tuần hành phản đối Pegida. Ngoại trưởng Đan Mạch Martin Lidegaard gọi các cuộc tuần hành của Pegida là "phản ứng sai lầm". Trong khi đó, tại thủ đô Oslo của Na Uy, Pegida cũng kêu gọi được lực lượng ủng hộ xuống đường tuần hành trong tối cùng ngày.

Phong trào Pegida tổ chức tuần hành ở nhiều thành phố của Đức. (Ảnh: DPA)

Trước đó, trong thông báo ngày 14/1, Pegida cho biết đã mở chi nhánh ở xứ sở bò tót và đã có 800 người theo dõi trên Twitter cùng 2.700 lược "like" trên Facebook. Tài khoản Twitter của nhóm cực đoan này đang theo dõi các tài khoản của một số nhóm cực hữu ở Tây Ban Nha, trong đó có Falange, đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa từng là nền tảng tư tưởng cho chế độ độc tài của trùm phát xít Francisco Franco từ năm 1939-1975.

Theo các chuyên gia, lí do Pegida đang nỗ lực vươn cái vòi bạch tuộc của mình ra các nước khác là tại Đức, phong trào này dường như không còn đất dụng võ. Cảnh sát thành phố Dresden đã ra lệnh cấm tổ chức Pegida tuần hành ngày 19/1 trong khi các hoạt động biểu tình chống Pegida tại thành phố này cũng bị cấm do lo ngại các đối tượng Hồi giáo cực đoan trà trộn tiến hành tấn công khủng bố. Giám đốc Cảnh sát Dresden, ông Dieter Kroll cho biết lệnh cấm biểu tình, tuần hành được đưa ra dựa trên nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố cụ thể nhằm vào một cá nhân tổ chức cuộc tuần hành của Pegida trong ngày 19/1.

Theo thông tin từ Cục Hình sự liên bang (BKA) và Cục Hình sự bang Sachsen, các đối tượng khủng bố đã kêu gọi lực lượng trà trộn vào những người biểu tình Pegida để tiến hành khủng bố sát hại một nhân vật thuộc ban tổ chức phong trào này. Lời kêu gọi được phát tán bằng tiếng Arab trên mạng xã hội Twitter, coi cuộc biểu tình Pegida là "kẻ thù của đạo Hồi".

Một trong những người đồng sáng lập phong trào Pegida tối 18/1 xác nhận trên kênh truyền hình Đức ARD rằng, nhân vật bị lực lượng khủng bố nhắm tới là thủ lĩnh phong trào Pegida, ông Lutz Bachmann. Mặc dù vậy, tối 19/1, phong trào chống Pegida tiếp tục tổ chức tuần hành tại nhiều thành phố ở Đức để lên án phong trào này. Ngoài thành phố Dresden bị cấm biểu tình dưới mọi hình thức do lo ngại nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố, các cuộc tuần hành nhằm bày tỏ tình đoàn kết với người nước ngoài và lên án phong trào Pegida đã diễn ra tại nhiều thành phố ở Đức.

Tại Munich, thủ phủ bang Bayern, có khoảng 11.000 người tuần hành chống lực lượng gồm khoảng 1.000 người ủng hộ Pegida. Tại thành phố Wiesbaden (bang Hessen) cũng có khoảng 10.000 người xuống đường lên án phong trào Pegida. Hoạt động chống Pegida cũng diễn ra rầm rộ với sự tham gia của hàng nghìn người tại các thành phố như Magdeburg, Braunschweig, Osnabrück, Düsseldorf...

Thủ tướng Đức Angela Merkel và dư luận xã hội Đức đã nhiều lần chỉ trích các nhà lãnh đạo Pegida có tư tưởng định kiến và hận thù sắc tộc. Phát biểu trước khi tham dự lễ cầu nguyện cho các nạn nhân trong các vụ tấn công khủng bố ở Paris, Thủ tướng Merkel khẳng định, nước Đức không chấp nhận chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa cực đoan hay chủ nghĩa bài ngoại. Trước đó, trong thông điệp Giáng sinh của mình, Thủ tướng Merkel đã khuyên các công dân Đức  không nên đi theo phong trào này. Đối với bà, phong trào đó chỉ là hận thù và bà cũng đề cập đến khẩu hiệu "Wir sind das Volk" (Chúng tôi là nhân dân) mà các thành viên phong trào Pegida hô vang.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.