Làn sóng tấn công người mắc chứng bạch tạng ở Tanzania

Thứ Năm, 27/12/2018, 14:01
Kulwa là một trong hàng trăm người mắc chứng bạch tạng bị tước đoạt một phần cơ thể của mình để đem lại “may mắn” cho người khác.


Lúc 15 tuổi, Kulwa Lusana bị nhóm 5 người đàn ông ở Tanzania chặt cánh tay phải ngay trong căn nhà ở miền tây bắc Tanzania. Kulwa là một trong hàng trăm người mắc chứng bạch tạng bị tước đoạt một phần cơ thể của mình để đem lại “may mắn” cho người khác. 

Hiện nay, Kulwa Lusana đang hy vọng khởi đầu một doanh nghiệp của riêng mình. Hơn 70 người bạch tạng bị giết chết trong 6 năm qua ở Tanzania, trong khi chỉ có 10 vụ bị kết án.

Nhóm người đàn ông chặt cánh tay của Kulwa Lusana bởi vì họ tin rằng da của người bạch tạng sẽ mang đến sự giàu sang và may mắn! Thậm chí, những bộ phận cơ thể của người bạch tạng được bọn pháp sư xử lý thành dạng hỗn hợp dành bán cho người giàu có và quyền lực. 

Ngay trong đêm kinh hoàng đó, Kulwa Lusana dùng chiếc áo choàng bọc lấy phần cánh tay còn lại đang chảy máu xối xả mà bỏ chạy khỏi căn nhà. Tuy nhiên, Kulwa vẫn còn may mắn giữ được mạng sống của mình. Trong 6 tháng đầu năm 2015, 15 người bạch tạng bị thương tật vĩnh viễn hay thậm chí mất mạng – trong đó bao gồm vài đứa bé mới biết đi bị bắt cóc khỏi căn nhà của chúng. 

Toàn bộ cơ thể của người bạch tạng có thể được bán với giá hơn 50.000 USD, với phần chân tay chỉ được vài ngàn. Số tiền quá hấp dẫn khiến cho người bạch tạng bị săn lùng và tấn công dã man. Trong khi đó, tỷ lệ những vụ truy tố tội phạm đối với hung thủ là cực kỳ thấp – nghĩa là những kẻ liên quan hiếm khi nào bị bắt giữ và xét xử trước pháp luật. 

Kulwa bị bọn người lạ mặt tấn công năm 2011, khi cô đang nằm ngủ trên giường trong nhà chứa đồ, còn đứa em song sinh và các thành viên còn lại của gia đình ngủ trong căn nhà gạch nằm cách đó không xa – họ an toàn đàng sau cánh cửa được khóa cẩn thận! 

Kulwa Lusana sống an toàn trong ngôi nhà của tổ chức từ thiện UTSS.

Không lâu sau vụ tấn công, Kulwa kể lại chi tiết vụ việc với tổ chức từ thiện “Under the Same Sun” (UTSS) khi đang hồi phục trong bệnh viện: “Tôi đã cố hết sức dùng chiếc áo khoác để bịt kín phần tay còn lại và la hét cầu cứu. Bọn chúng đuổi theo sau khi tôi gắng bỏ chạy về hướng căn nhà của cha tôi”. 

Sau khi bị chặt cánh tay phải, Kulwa được đưa đến một ngôi nhà an toàn do UTSS điều hành nhằm bảo vệ những người bạch tạng. Nhờ sự giúp đỡ từ UTSS, Kulwa bắt đầu được học văn hóa và học may để trở thành thợ chuyên nghiệp. Vicky Ntema, một thành viên của UTSS, cho rằng còn vài rào cản mà Kulwa phải vượt qua trước khi có thể thực hiện ước mơ của mình. 

Kulwa cần có cánh tay giả cũng như máy khâu và máy đan để khởi đầu doanh nghiệp hay làm việc với phụ nữ khác. Năm 2014, chính quyền Tanzania phát động chiến dịch gây quỹ xây dựng chương trình thuyết phục các cộng đồng từ bỏ quan niệm mê tín và chấm dứt tấn công người bạch tạng. Tuy nhiên, chương trình chỉ tập trung nơi các thành phố lớn, trong khi bỏ rơi những vùng nông thôn hẻo lánh vốn đối mặt với mối đe dọa lớn nhất! 

Ramadhani Khalfan, chủ tịch Hội người bạch tạng Ukerewe, bộc bạch: “Thật ra, chúng tôi không có khả năng tài chính để vươn tới các cộng đồng nhỏ như làng mạc. Chúng tôi chủ yếu chỉ dựa vào radio hay truyền hình để tuyên truyền”. 

Ở thành phố Sengerema, một tượng đài bằng kim loại với kích thước người thật được dựng lên ngay giữa trung tâm thành phố mô tả một người cha bình thường đang cõng đứa con trai bạch tạng trên vai trong khi người mẹ giơ cao chiếc nón rộng vành để bảo vệ đứa con khỏi ánh nắng mặt trời. 

Mashaka Benedict, đại diện Hội người bạch tạng Sengerema, nhấn mạnh thậm chí những người có học vấn cao cũng tin rằng những bộ phận cơ thể của người bạch tạng giúp mang lại sự giàu có! 

Mashaka Benedict lập luận rằng những người có vai vế trong xã hội thường dính líu đến những vụ sát hại người bạch tạng cho nên đó là nguyên do tại sao chỉ có vài người bị bắt giữ, buộc tội hay tống vào tù! Hội người bạch tạng Tanzania cho rằng mặc dù chỉ có 4.000 người bạch tạng được thống kê chính thức ở nước này, song trên thực tế con số có thể lên đến 173.000 người.

Theo tổ chức từ thiện Anh Standing Voice, Mặt trời là sát thủ ghê gớm nhất đối với người bạch tạng và những người này khó sống đến 40 tuổi do căn bệnh ung thư da ác nghiệt. Do thiếu sự bảo vệ của hắc tố cho nên da của người bạch tạng dễ bị tia tử ngoại gây ung thư. 

Standing Voice có chiến dịch tuyên truyền giáo dục về mối nguy hiểm của ánh sáng Mặt trời cho người bạch tạng và khuyên họ mặc quần áo đủ kín để bảo vệ da. Dân số người bạch tạng ở Tanzania đông hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới – ước tính có khoảng 1 trong 1.400 em bé chào đời ở nước này với chứng bạch tạng. 

Trong khi đó, ở châu Âu tỷ lệ này là 1 trong 20.000 em bé. Hiện nay, giới khoa học vẫn chưa biết rõ vì sao số người mắc chứng bạch tạng ở Tanzania lại cao khủng khiếp đến như vậy. Chứng bạch tạng không chỉ tác động đến da và tóc mà còn làm suy giảm thị lực. Rất nhiều người bạch tạng bị mù ở châu Âu và Mỹ. 

Di An
.
.
.