Làng Cài - cuộc phá án 719 ngày

Thứ Hai, 31/08/2015, 15:00
Đã 10 ngày kể từ lúc Đặng Văn Hùng, tên sát nhân máu lạnh bị các lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái bắt giữ, nhưng người dân làng Cài vẫn chưa hết bàng hoàng bởi những gì đã xảy ra. Ở nơi này, những câu chuyện thảm thương được nhớ truyền đời. Và câu chuyện về một vụ án mạng khác trên đỉnh Núi Lở cách đây đã 12 năm vẫn được họ kể lại trong sự hãi hùng. Lần tìm chứng nhân của câu chuyện ấy, chúng tôi trở về với hành trình 719 ngày truy lùng thủ phạm giết hại cô gái Dao năm xưa.
Đại tá Bùi Duy Hiển (Trưởng phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Yên Bái), Thượng tá Lương Đại Định (Phó trưởng Công an huyện Văn Chấn) cùng những người trong tổ làm án ngày nào như sống lại thời khắc gian khổ truy tìm hung thủ. Ký ức về những trận đánh hào hùng thời ở Phòng Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Yên Bái chưa bao giờ nhạt phai trong họ, dẫu bụi thời gian đã phủ dầy hồ sơ các tử tù.

1. Trong những ngày ở lại thôn 16 Cầu Cài (thường gọi là làng Cài, xã Lâm Giang, Văn Yên, Yên Bái) theo bước chân trinh sát truy lùng tên Đặng Văn Hùng - thủ phạm gây ra vụ giết 4 người vào ngày 12-8, người dân đã kể cho chúng tôi nghe về một thảm án khác từng xảy ra tại đây, từ 12 năm về trước.

Vụ án ấy cho đến hôm nay vẫn còn ám ảnh. Người dân làng Cài chưa quên một chi tiết nào. Bởi đang sống quần tụ hiền hòa giữa chốn "thâm sơn cùng cốc" thì cái chết thảm thương của một thành viên nào đó luôn hằn sâu vào óc người còn sống một nỗi bàng hoàng, sợ hãi. Và cảm giác ấy thật khó tan trong một cộng đồng vốn sống gần như biệt lập với bên ngoài.

Người nhà chị Đặng Thị Tâm kể về cái chết thảm của em gái họ vẫn với giọng nghẹn ngào: "Buổi sáng 7/5/2003, em Tâm (30 tuổi, người Dao ở làng Cài - PV) đi phát cỏ nương trên đỉnh Núi Lở. Đêm xuống mà vẫn không thấy nó về, cả làng mình đỏ đuốc lên nương tìm kiếm nhưng không thấy. Tại nương ngô của nhà mình chỉ có đống cỏ tranh đã phát xong và chất đống, cùng chiếc cào cỏ nằm chỏng chơ.

Tưởng em nó nghe người ta rủ rê đi làm ăn xa, cả nhà mình đã chia nhau lặn lội đi các tỉnh để tìm mà vẫn không thấy. Khoảng 4 hôm sau, gió từ đỉnh Núi Lở thổi xuống làng cứ có mùi thối khăn khẳn, cả làng bảo nhau đi tìm xem mùi ở đâu. Đến hôm 12-5 thì lên nương nhà mình tìm một lần nữa. Càng lên gần đỉnh nương, mùi càng nặng. Mình bảo chắc có gì ở dưới lớp cỏ, mọi người xúm vào bới được một lúc thì thấy xác em mình đã bị chết thối, 2 tay bị trói ra đằng trước buộc dây vào cổ, trông tội nghiệp lắm.

Công an tỉnh Yên Bái khám nghiệm hiện trường vụ án mạng.

Đôi hoa tai vẫn đeo mọi khi đã bị mất. Sau đó, Công an tỉnh đã lên đây để điều tra. Ngày nào cũng thấy họ dẫn nhau leo lên đỉnh Núi Lở, giữa mùa nắng tháng 6 cháy cỏ. Cũng mất nhiều công lắm, sau rồi họ tìm ra thủ phạm là thằng Tiến "Đôn" ở thôn 1 Lâm Giang nhưng nó trốn mất rồi. Phải mấy năm sau thì Công an mới bắt được, trả lại cho nhà mình 1 cái hoa tai của em Tâm. Thằng Tiến bị xử bắn rồi".

2. Lần theo thông tin gia đình cung cấp, nhân buổi họp báo của Công an tỉnh Yên Bái công bố kết quả bắt giữ tên Đặng Văn Hùng, chúng tôi đã hỏi Thượng tá Nguyễn Chí Dân - Trưởng phòng PX15 - Công an tỉnh về những người phá án năm xưa giờ nơi đâu. Anh Dân giới thiệu ngay vị tổng chỉ huy cuộc điều tra thảm án năm ấy tại làng Cài là Đại tá Bùi Duy Hiển - nay là Trưởng phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, Công an tỉnh Yên Bái.

Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ là một vị Đại tá tuổi ngoài ngũ tuần, trông phúc hậu, hiền lành. Khi hỏi về cuộc điều tra vụ án làng Cài năm ấy, Đại tá Hiển chợt sôi nổi, có lẽ ký ức về những trận đánh hào hùng năm xưa ở Phòng CSĐT - Công an tỉnh Yên Bái, chưa khi nào phai mờ trong ông.

Đại tá Hiển nhớ lại: "Năm ấy tôi mới là Trung tá, Quyền trưởng phòng CSĐT. Thời điểm ấy, vì nhiều lý do mà cả Công an tỉnh Yên Bái chỉ có duy nhất tôi là Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT, nên chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động tố tụng của khối cơ quan điều tra (gồm điều tra, hình sự, kinh tế, ma túy). Công việc vô cùng bận rộn, đêm nào tôi cũng thật khuya mới được về nhà. Tuy nhiên, khi xảy ra vụ giết hại chị Tâm, do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án nên tôi đã trực tiếp chỉ huy lực lượng điều tra trọng án lên đóng bản doanh tại xã Lâm Giang để tổ chức truy xét thủ phạm. Khi tôi vắng mặt tại cơ quan, nếu đơn vị nào cần phát sinh tố tụng (như ký lệnh bắt, khám xét, khởi tố vụ án, bị can…), anh em đều phải lặn lội hơn 70km lên hiện trường để gặp tôi trình ký.

Hiện trường vụ án mạng nằm trên đỉnh Núi Lở, có độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển. Chính đặc điểm hiện trường này khiến tôi đi đến một nhận định rằng, kẻ thủ ác phải là người có lý do công việc tại hiện trường, như làm nương rẫy, đi săn bắn… và có thể loại trừ hoàn toàn yếu tố vãng lai.

Từ phán đoán này, tôi cho anh em tập trung rà soát các hộ dân có nương rẫy gần hiện trường và những người thường săn bẫy thú rừng. Còn nhớ lúc đó, sốt ruột vì công việc nên Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái) cũng nhiều lần cất công lên tận hiện trường vụ án, sục tay vào những chồng cỏ khô để tìm kiếm dấu vết vật chứng, rồi tranh luận nảy lửa với Ban chuyên án về các giả thuyết điều tra.

Đại tá Bùi Duy Hiển - nguyên Quyền trưởng phòng CSĐT - Công an tỉnh Yên Bái.

Qua soát xét sàng lọc, chúng tôi đặc biệt chú ý đến hộ bà Đỗ Thị Đôn (ở thôn 1 xã Lâm Giang). Bởi vì nhà bà này có nương tiếp giáp với nương nhà chị Tâm và có con trai là Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1984) tính tình khá ngỗ ngược. Điểm "khét" nhất để đưa Tiến vào tầm ngắm là y đã biến mất khỏi địa phương sau khi vụ án xảy ra. Tôi yêu cầu anh em phải chứng minh được hôm xảy ra vụ án, Tiến có mặt tại hiện trường, nhưng đó không phải là chuyện dễ dàng, vì bà Đôn luôn miệng khẳng định mấy hôm đó Tiến ốm nằm nhà. Để chứng minh điều ngược lại, chúng tôi đã tung quân chà sát hiện trường nhiều lần".

Đại úy Đinh Xuân Nghĩa - Đội phó Đội trọng án khi ấy, là người có công tìm ra  chiếc "chìa khóa" của vụ án. Anh nhớ lại: "Khi kiểm tra nương nhà bà Đôn, tôi chợt nhận ra tại đây cũng có những đống cỏ tranh đã phát. Dưới nắng hè chói chang, lớp cỏ trên bề mặt đã úa héo, nhưng bên dưới vẫn còn xanh. Tôi chợt liên tưởng đến độ héo của cỏ tranh trên nương nhà chị Tâm. Lập tức hai mẫu cỏ được đối chiếu với nhau nhiều lần, ở nhiều vị trí. Thật thú vị là chúng có độ héo tương đồng. Như vậy, nghĩa là chúng đã được phát ở cùng một thời điểm. Mà nhà bà Đôn thì không có ai khác vào làm nương ngoài Tiến. Đây là một manh mối quan trọng để củng cố niềm tin nội tâm nghi can chính là tên Tiến".

Đường lên Núi Lở - làng Cài (xã Lâm Giang, Văn Yên, Yên Bái).

Thượng tá Lương Đại Định (Phó Công an huyện Văn Chấn), khi đó là Đại úy, Đội trưởng Đội trọng án vẫn "thuộc nằm lòng" mọi tình tiết trong vụ án. Sau 12 năm, nhưng những chi tiết rất nhỏ vẫn được anh kể rành rọt: "Một hôm tôi dẫn anh em vào gặp bà Đôn. Một trinh sát ngồi ở đầu giường Tiến thường ngủ, tình cờ thấy trong cái gối như là có tờ giấy. Kiểm tra, chúng tôi phát hiện đó là một lá thư Tiến để lại, nói lý giải việc bỏ nhà đi vì bị mẹ mắng. Đọc thư xong, anh em nhìn nhau tủm tỉm cười, vì hiểu ngay y viết cho…

Công an đọc. Niềm tin càng thêm vững chắc, chúng tôi tập trung quân rà soát thật kỹ nhân chứng dọc hai bên đường từ nhà Tiến vào hiện trường, cuối cùng đã có 2 người dân xác nhận đã trông thấy Tiến vác cuốc lên nương vào buổi sáng 7/5/2003".

Án xảy ra trên đỉnh núi, không có chứng cứ vật chất và nhân chứng, trong khi nghi can đã "xa chạy cao bay", quả là một bài toán nan giải. Khi ấy Trung tá Hiển đã đứng trước một lựa chọn khó khăn. Vì nếu không "dám" ký khởi tố bị can và ra quyết định truy nã thì không thể truy lùng y trong phạm vi toàn quốc. Còn nếu ký thì chứng cứ hơi "non".

Ngộ nhỡ khi bắt được Tiến lại không làm rõ được thì quả là "đại họa" với sự nghiệp chính trị của anh. Đau đáu với câu trả lời trước dân, người chỉ huy bản lĩnh ấy đã đi đến một quyết định cần thiết, đó là ký quyết định khởi tố bị can và lệnh truy nã đặc biệt đối với tên Tiến, sau khi đã có đầy đủ cơ sở loại trừ khả năng có đối tượng khác vào hiện trường gây án.

3. Từ đây bắt đầu hành trình 719 ngày đêm truy lùng nghi can với quyết tâm cao độ của Ban chuyên án. Những toán trinh sát đã lặn lội khắp các tỉnh, thành như Hà Nam, Lạng Sơn, Điện Biên, Lào Cai… nhưng đều về tay trắng. Cho đến tháng 1/2005, nửa đêm có tin bà Đôn khoác tay nải ra đường đón xe rất sớm, hướng đi về xuôi. Đây là hoạt động bất thường vì bao năm qua bà ta không ra khỏi nhà, họ liền triển khai các biện pháp cần thiết. Đến sáng hôm sau thì Tiến sa lưới khi y lén trở về quê ngoại (ở Hạ Hòa, Phú Thọ) theo hẹn với mẹ.

Khi đưa Tiến về cơ quan điều tra, một nỗi lo âu bao trùm. Đội trưởng Định nhớ lại: "Chúng tôi quyết định hỏi Tiến theo kiểu mình đã biết tất cả. Câu hỏi đầu tiên là: "Sợi dây trói tay  Tâm là của ai?". Tiến ngập ngừng rất lâu rồi mới lý nhí: "Là sợi dây đeo túi của Tâm". Và rồi hành vi cướp, giết, hiếp của Tiến đã lần lượt được làm rõ và củng cố chắc chắn bằng kết quả khám xét nhà y thu được một chiếc hoa tai của chị Tâm. Kết cục xứng đáng đối với Tiến là một bản án tử hình được tuyên sau đó không lâu.

Đào Trung Hiều
.
.
.