Lao động xuất khẩu bị bóc lột

Thứ Ba, 03/01/2017, 14:54
Người lao động nước ngoài làm việc ở các tiệm thức ăn nhanh McDonald’s tại Malaysia nói: họ là nạn nhân của sự bóc lột sức lao động, bị công ty giới thiệu việc làm lừa về chuyện lương, bị tịch thu hộ chiếu trái phép.


Cuộc điều tra của báo Guardian (Anh) diễn ra chỉ vài ngày sau khi báo này nêu lên những cáo buộc bóc lột sức lao động của nhân công nhập cư ở các mảng sản xuất hàng hóa cho Samsung và Panasonic ở những khu công nghiệp tại Malaysia, soi rọi ánh sáng vào những trò mờ ám của nhiều công ty giới thiệu việc làm vốn là đối tác của nhiều nhãn hàng quốc tế lớn ở Malaysia.

Phải sống ở nhà trọ bẩn thỉu

Theo một phóng sự điều tra của Guardian, các nhân công người Nepal nói họ chỉ được trả tiền công khoảng 60 bảng Anh/giờ và bị gian lận nhiều tháng lương, trong vài trường hợp là nhiều năm. Đơn vị lừa họ là Công ty giới thiệu việc làm Human Connection HR, nơi ký hợp đồng với McDonald’s ở Malaysia để cung cấp nhân viên bán hàng ở các tiệm của thương hiệu này tại Kuala Lumpur. Họ cũng nói hộ chiếu của họ bị tịch thu trái phép.

Tờ Guardian đã nói chuyện với 15 nhân công Nepal từng làm việc ở 4 nhà hàng McDonald’s ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Họ làm việc cho công ty này ở nhiều thời điểm khác nhau trong vòng 3 năm. Hơn một nửa số nhân công nói họ phải bỏ việc mà không được lĩnh lương, không lấy lại được hộ chiếu, gia nhập thị trường việc làm “chui” nhằm kiếm chút tiền. Họ rất dễ chính quyền Malaysia bị bắt giữ. 

Những người khác nói họ phải bỏ tiền túi để trở về Nepal, vì Human Connection HR không chịu trả lại hộ chiếu cho họ. Nhóm nhân công quyết về nước phải bỏ tiền túi - tương đương hai tháng lương cơ bản-cho một một “cò” lo giấy tờ cần thiết để họ về nước mà không có hộ chiếu của họ.

Tịch thu hộ chiếu của nhân công nhập cư - là một hành xử phi pháp nhưng phổ biến, khiến nhân công bị trói chặt vào đơn vị sử dụng lao động, không cho họ có quyền tự do nghỉ việc hoặc trở về quê hương. Một người nói: “Công ty giới thiệu việc làm lấy hộ chiếu của chúng tôi, nhưng họ sẽ không trả nhân công về Nepal hoặc trả lại hộ chiếu. Ngay cả người kết thúc hợp đồng làm việc 3 năm cũng không thể về nước vì không có hộ chiếu”.

Nhà trọ tồi tàn dành cho nhóm nhân công Nepal ở Kuala Lumpur.

Nhóm nhân công nói trong thời gian làm việc ở các tiệm McDonald’s, họ bị lừa về chuyện tiền lương ít hơn so với mức tiền họ được hứa khi còn ở Nepal, và bị tính thêm nhiều khoản phí khi họ đến Malaysia, hậu quả là bị trừ 25% trong mức lương cơ bản hàng tháng. Trong quá trình làm việc ở McDonald’s, điều này tương đương mất nhiều tháng lương. 

Trong vài hợp đồng có ghi họ không phải nộp phí sử dụng lao động nhập cư. Các công ty sử dụng lao động nhập cư ở Malaysia phải nộp khoản phí này, nhưng thường họ trút việc này lên đầu nhân công. Tờ Guardian đã xem các biên lai cho thấy khoản phí này tương đương việc trừ 25% vào lương cơ bản của nhân công nhập cư.

Nhóm nhân công cũng phàn nàn về điều kiện ăn, ở do Human Connection HR lo, khi họ làm việc ở các tiệm McDonald’s. Phóng viên báo Anh đã thăm một nhà trọ bẩn thỉu, các tấm biển quảng cáoMcDonald’s được dùng làm vách chắn các phòng. Có lúc 18 nhân công bị nhét vào căn phòng nhỏ, hầu hết đều nằm nệm trải trên sàn. Họ phải dùng chung một nhà vệ sinh nhỏ bẩn, cũng là phòng tắm.

Một số nhân công chỉ trích McDonald’s không hề có phản ứng trước sự ngược đãi của Human Connection, khi họ làm việc ở các tiệm của McDonald’s. Họ nói đã liên tục báo công ty này về những vấn nạn liên quan tiền lương, việc bị trừ lương, tịch thu hộ chiếu, nhưng họ không nhận được sự giúp đỡ nào. Một người nói đã nhiều lần phàn nàn về chuyện lương với giám đốc cửa hàng, gởi thư đến trụ sở McDonald’s nhưng công ty nói họ đã chuyển tiền cho Human Connection HR”.

Khác với các thị trường lớn-gồm Mỹ và Anh - là những nơi McDonald’s hoạt động thông qua mô hình nhượng quyền, các tiệm McDonald’s ở Malaysia đều do thương hiệu này làm chủ. Nhóm nhân công còn nói không được lĩnh lương đúng hạn, khiến họ không thể mua thức ăn hoặc gởi tiền về nước cho gia đình họ. 

Một nam nhân công cho biết một số đồng bào cùng cảnh ngộ đã đình công hồi đầu năm 2016: “Chúng tôi không có tiền để ăn, vì chúng tôi thường không được trả lương. Làm sao chúng tôi có thể đi làm với cái bụng đói? Tôi đã ngỡ đây là một công ty tốt và tôi sẽ được hưởng lương hậu. Nay xem như tôi hết đời, tôi cảm thấy mình không có tương lai”.

Một nhân công khác nói: “Chúng tôi không được lĩnh lương đúng hạn. Khi chúng tôi gặp giám đốc McDonald’s để phàn nàn, họ thường nói McDonald’s không tuyển dụng chúng tôi nên không chịu trách nhiệm gì cả. Một bạn tôi khi gặp giám đốc phát khóc vì hay tin con bạn ấy chết ở Nepal. Bạn ấy xin lại hộ chiếu (do Human Connection HR giữ) để có thể về nước dự lễ tang, nhưng giám đốc nói ông ta chẳng thể làm gì. Tôi thà chết chứ không trở lại làm việc cho McDonald’s. Tôi sẽ không bao giờ làm việc ở đó nữa”.

Cần chấm dứt bóc lột sức lao động

Giám đốc một tiệm  McDonald’s trước đây từng sử dụng vài nhân công nhập cư, nói trụ sở công ty ở Malaysia có biết những vấn nạn này: “Công ty giới thiệu việc làm giữ lại 2-3tháng lương. Nhân công chỉ có bản sao các loại giấy tờ tùy thân, nhưng lẽ ra họ phải được giữ bản gốc. Chúng tôi đã cố gắng giúp họ bằng thức ăn, nhưng không thể giúp như thế mãi được”. 

Trong một e-mail, McDonald’s ở Malaysia nói họ đã kết thúc hợp đồng với Human Connection HR, đồng thời khẳng định “Ở McDonald’s Malaysia, phúc lợi của nhân viên là mối quan tâm hàng đầu. Hồi đầu năm nay, chúng tôi biết một số tình huống liên quan dịch vụ do Human Connection HR cung cấp không phù hợp với các chuẩn mực của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi đã kết thúc hợp đồng với họ”.

Trong một tuyên bố, McDonald’s viết: “Trong khi nhân công bản địa chiếm hơn 90% nhân lực, đôi lúc chúng tôi kết hợp với các công ty giới thiệu việc làm sử dụng người lao động nước ngoài, và ký hợp đồng với một số người đến làm cho McDonald’s ở Malaysia. Các nhân công này là người của công ty giới thiệu việc làm, không phải của McDonald’s”.

Thương hiệu này cũng cho biết đã cùng Human Connection HR nhiều lần điều tra về những phàn nàn của nhóm nhân công Nepal, nói miệng và dùng văn bản để nêu “những quan ngại nghiêm trọng của chúng tôi với công ty này. Vì nhóm nhân công không là người của McDonald’s, nỗ lực giải quyết các vấn đề của chúng tôi không thành công, kể cả về những đề xuất McDonald’s chịu trách nhiệm trả lương trực tiếp cho nhân công. 

Để giúp đỡ, chúng tôi cho phép các tiệm cung cấp thức ăn cho các nhân công bị liên quan trong khi chúng tôi cố tìm cách tháo gỡ các vấn nạn. Sau khi kết thúc hợp đồng với chúng tôi, nhóm nhân công vẫn là người của Human Connection HR, và như vậy, chúng tôi hiểu có thể họ có thể trở về nước hoặc được chuyển qua các mảng lao động khác”.

Human Connection HR từ chối bình luận về những cáo buộc của nhóm nhân công.

Aidan McQuade, Chủ nhiệm tổ chức Chống nô lệ quốc tế, nói các doanh nghiệp cần có những biện pháp tích cực để bảo đảm không làm giàu bằng bóc lột sức lao động, chứ không nên núp sau những qui định ứng xử nữa. 

Ông nói: “Thảm họa lớn nhất về dạng bóc lột này là thật sự rất dễ chỉnh sửa nó. Các công ty hưởng lợi ở những nơi như Malaysia không thể nói họ không biết các vấn nạn mà nhân công nhập cư phải đối mặt ở đó. Họ cần có biện pháp điều tra tích cực, để bảo đảm rằng nếu sử dụng các công ty giới thiệu việc làm, thì những công ty đó phải tuân thủ pháp luật và qui định hành xử. Đã đến lúc phải chấm dứt chuyện này”.

Trung Trực
.
.
.