Hậu vụ khủng bố ở Paris:

Lập liên minh quốc tế chống khủng bố

Thứ Sáu, 20/11/2015, 15:12
Tối 18/11, hãng Reuters dẫn tuyên bố của Chính phủ Pháp cho biết, đã xác định được danh tính của 129 nạn nhân bị thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố ở Paris tối 13/11. Việc này diễn ra sau khi Văn phòng công tố Paris cho biết, một phụ nữ cố thủ bên trong căn hộ tại Saint-Denis, ngoại ô Paris đã tự sát, còn 1 tên khác bị cảnh sát tiêu diệt.
Và theo Đài truyền hình BFMTV, người phụ nữ kích nổ bom tự sát sáng 18/11 là em họ (có tài liệu nói là vợ) của Abdelhamid Abaaoud, kẻ bị cáo buộc chủ mưu các vụ tấn công tại thủ đô nước Pháp.

Trong khi đó, 7 nghi can đã bị thẩm vấn sau khi bị cảnh sát đặc nhiệm bắt trong cuộc tấn công vào căn hộ tại Saint-Denis và được biết, chúng đã lên kế hoạch tấn công La Defense ở thủ đô Paris, nơi đặt những trung tâm thương mại và văn phòng sầm uất nhất châu Âu.

An ninh quan trọng hơn cân đối ngân sách

Theo nhân chứng trong khu vực, họ đã nghe thấy tiếng súng từ 10h30’ ngày 18/11 (theo giờ Việt Nam) và đến 14h30’ cùng ngày, có 2 tên bị tiêu diệt, 7 người bị bắt và 5 cảnh sát bị thương nhẹ, khi cảnh sát tấn công vào căn hộ ở Saint-Denis, nơi có các nghi phạm cố thủ gần sân vận động Stade de France.

Rất nhiều Cảnh sát được huy động truy bắt nghi phạm khủng bố ở Paris.

Giới truyền thông cho biết, cuộc tấn công kể trên (có trực thăng yểm trợ) được triển khai sau khi các nhà điều tra tìm thấy một điện thoại di động có bản đồ nhà hát cùng tin nhắn "chúng ta hãy đi", trong một thùng rác gần nhà hát Bataclan.

Quân đội cũng được huy động trong khi trực thăng bay trên trời, còn người dân được khuyến cáo ở yên trong nhà. Thủ tướng Manuel Valls và Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve đã có mặt tại điện Elysee để cùng Tổng thống Francois Hollande theo dõi tình hình.

Đài RTL dẫn lời người phát ngôn cảnh sát Pháp, ông Jean-Alphonse Richard cho biết, cảnh sát phát hiện căn hộ này được dùng làm căn cứ của những kẻ tình nghi. Được biết, Salah Abdeslam và anh trai Brahim (kẻ đánh bom tự sát bên ngoài 1 quán bar trên đường Voltaire) đã thuê nhà gần Paris và cảnh sát xác định giọng nói trong đoạn ghi âm IS nhận trách nhiệm các vụ tấn công Paris trên mạng thuộc về công dân Pháp Fabien Clain, 36 tuổi, người Toulouse. Fabien Clain từng bị kết án 5 năm tù (năm 2009) với tội danh tuyển mộ các tay súng Hồi giáo và sau khi ra tù, hắn trốn sang Syria và gia nhập IS, có liên hệ mật thiết với Mohamed Merah, kẻ đã bắn chết 7 người, trong đó có 2 trẻ em ở thành phố Toulouse năm 2012.

Cảnh sát và khủng bố đấu súng ở Paris.

Fabien Clain từng bị kết án 5 năm tù (năm 2009) với tội danh tuyển mộ các tay súng Hồi giáo và sau khi ra tù, hắn trốn sang Syria và gia nhập IS, có liên hệ mật thiết với Mohamed Merah, kẻ đã bắn chết 7 người, trong đó có 2 trẻ em ở thành phố Toulouse năm 2012.

Trong khi đó, luật sư của 2 nghi phạm Mohammed Amri và Hamza Attou (bị bắt ở quận Molenbeek, ngoại ô Brussels, Bỉ) về tội "âm mưu và tham gia khủng bố" thừa nhận, họ đã lái xe đến Pháp để giúp Salah Abdeslam đào tẩu, và cảnh sát đã phát hiện vật liệu chế tạo bom trong nhà 2 tên này.

Trong thông báo phát đi hôm 18/11, cảnh sát Pháp cảnh báo với lực lượng cảnh sát châu Âu về khả năng tên Salah Abdeslam đang chạy trốn tại châu lục này bằng chiếc xe Citroen Xsara, mang biển kiểm soát AE-113-SY. Theo tờ Le Figaro, 2 người đàn ông Bỉ là Hamza Attou và Mohamed Amri vừa thừa nhận với nhà chức trách về việc đã đến Paris đón Salah Abdeslam vào khoảng 2 giờ ngày 14/11.

Ngày 18/11, Tổng thống Francois Hollande tuyên bố, Pháp đang trong tình trạng chiến tranh và sẽ bổ sung hàng trăm triệu euro cho lĩnh vực an ninh và khoản bổ sung này không ảnh hưởng tới cam kết về cân đối ngân sách của Paris với Liên minh châu Âu (EU).

Đồng thời nhấn mạnh, vấn đề an ninh quan trọng hơn việc cân đối ngân sách. Theo đó, Pháp sẽ tuyển dụng thêm 5.000 cảnh sát và hiến binh, 2.500 nhân viên trong lĩnh vực tư pháp và 1.000 người trong ngành hải quan...

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve cho biết, cảnh sát đã xác định được kẻ chủ mưu là công dân người Bỉ gốc Morocco tên là Abdelhamid Abaaoud. Và trong các cuộc đột kích ngày 17/11, cảnh sát Pháp đã bắt 16 nghi phạm và thu giữ 6 khẩu súng.

Nguy cơ khủng hoảng chưa từng có

Ngày 17/11, các Bộ trưởng Quốc phòng thuộc EU đã nhất trí ủng hộ đề nghị của Pháp về việc hỗ trợ Paris thông qua các chiến dịch quân sự sau các vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris đêm 13/11. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves le Drian coi sự giúp đỡ này là cần thiết trong bối cảnh Paris không thể đồng loạt tăng cường an ninh ở tất cả các địa điểm trong nước.

Trong khi đó, Giám đốc CIA John Brennan cảnh báo, IS nhiều khả năng đã lên kế hoạch tấn công tại thủ đô Paris từ nhiều tháng trước và chúng có thể tái diễn các vụ tấn công tương tự nhằm vào Mỹ và một số quốc gia khác. Đồng thời cho rằng, lực lượng an ninh, tình báo tại châu Âu cùng nhiều nơi khác đang tích cực phối hợp để tìm cách ngăn chặn các vụ tấn công tương tự như tại Paris.

Sau các vụ khủng bố ở Paris, giới chuyên môn đã chỉ ra lỗ hổng trong hoạt động tình báo của Pháp nói riêng và phương Tây nói chung, và một lần nữa, danh tính của cựu nhân viên CIA Edward Snowden lại được nhắc tới.

Theo giới chức Mỹ, việc tiết lộ bí mật tình báo của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) mà Edward Snowden đã tiến hành đã làm suy yếu nỗ lực tình báo chung của phương Tây, và tạo ra lỗ hổng cho các tổ chức khủng bố như IS xâm nhập.

Đây là lời buộc tội (đầu tiên) của cựu Giám đốc CIA James Woolsey và được Giám đốc Trung tâm chống khủng bố (NCTC) Nick Rasmussen, cùng cựu Giám đốc NCTC Matthew Olsen ủng hộ. Nhưng đã bị nhà báo Mỹ Glenn Greenwald bác bỏ bởi lời buộc tội đó không có cơ sở và việc này nhằm lảng tránh trả lời câu hỏi về IS.

Ngày 18/11, khi trả lời phỏng vấn tờ Sydney Morning Herald, Tổng chưởng lý Australia George Brandis cảnh báo, nước này đang trong tình trạng chiến tranh khi IS tuyên chiến với quân đồng minh chống IS. Cũng trong ngày 18/11, Chính phủ Đức đã họp phiên đặc biệt về vấn đề an ninh.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết, cảnh sát Đức đã thả 7 nghi can bị bắt hôm 17/11 tại thị trấn Alsdorf vì không tìm thấy bằng chứng có liên quan tới các vụ khủng bố ở Paris. Đồng thời nhấn mạnh, không có bằng chứng cho thấy IS đã sử dụng các tuyến đường người tị nạn di chuyển vào châu Âu để trà trộn vào Pháp.

Trong khi đó, mức cảnh báo khủng bố tại Bỉ đã được Trung tâm Khủng hoảng Bộ Nội vụ nâng từ mức 2 lên mức 3 kể từ đêm 16/11. Việc nâng mức cảnh báo được đưa ra sau kiến nghị của Cơ quan phối hợp phân tích đe dọa (OCAM). Về phần mình, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố, London sẽ tăng cường năng lực cho các cơ quan tình báo và an ninh bằng việc phân bổ khoảng 2 tỷ bảng Anh cho lực lượng này trước năm 2020.

Theo đó, khoảng 1.900 người sẽ được tuyển dụng, nâng tổng số nhân viên của MI-5, MI-6 và GCHQ lên 12.700 người. Và khoản ngân sách này sẽ được chi cho việc mua sắm vũ khí, xe bọc thép, máy bay trực thăng, máy bay không người lái, phương tiện thông tin liên lạc và thiết bị nhìn đêm.

Chặt vòi bạch tuộc

Tổng thống Syria Bashar al-Assad vừa tuyên bố, Damacus sẵn sàng chia sẻ thông tin tình báo với Pháp, nếu Paris thay đổi quan điểm chính trị đối với nước này. Đồng thời nhấn mạnh tới việc thành lập một liên minh quốc tế chống khủng bố. Ngoài ra, phải phong tỏa các nguồn cung tài chính và hậu cần cho đến khi các tổ chức khủng bố bị xóa sổ hoàn toàn.

Phát biểu tại hội nghị G20, Tổng thống Nga Putin khẳng định, IS nhận được tiền tài trợ từ những kẻ ủng hộ tại 40 quốc gia, trong đó có một số thành viên G20. Cũng tại hội nghị G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al-Arabiya, Quốc vương Salman của Saudi Arab đã đề xuất thành lập một tổ chức chống khủng bố do Liên Hợp Quốc tài trợ với khoản ngân sách trị giá 110 triệu USD.

Ngày 17/11, nhóm tin tặc Anonymous cho biết, sẽ mở chiến dịch "OpParis" tấn công IS trên internet và đã đánh sập hơn 6.000 tài khoản mạng xã hội Twitter liên kết với IS, sau khi tổ chức khủng bố này nhận trách nhiệm về các vụ khủng bố ở Paris tối 13/11. Anonymous cũng tiết lộ thông tin về 101.000 tài khoản Twitter liên quan đến các thành viên IS.

Theo Deutsche Welle, GhostSec, một nhánh của nhóm hacker Anonymous, vừa phát hiện một tài khoản có 3 triệu USD tiền ảo Bitcoin của nhóm khủng bố có liên quan đến IS gây ra vụ tấn công khủng bố Paris đêm 13/11. Theo GhostSec, sử dụng Bitcoin là cách IS dùng để nhận các nguồn tài trợ cho cuộc khủng bố và các trang web tài trợ tiền Bitcoin do IS sử dụng đều là web chìm và hoạt động bí mật.

Cảnh sát Pháp tuần tra sau vụ tấn công khủng bố.

Tại hội nghị cấp cao về chống hoạt động tài trợ cho khủng bố khai mạc ở Sydney và theo báo cáo thường niên của Trung tâm Phân tích và báo cáo giao dịch Australia, trong năm 2014-2015, các giao dịch tiền tệ bị nghi liên quan tới khủng bố đã tăng 300%, với tổng số tiền 53 triệu AUD (tiền Australia). Trước đó (16/11), Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề an ninh-quốc phòng cho rằng, mặc dù rất nỗ lực trong 14 năm qua, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể ngăn chặn nguồn tài chính của khủng bố.

Hãng thông tấn AFP vừa dẫn lời các chuyên gia chống khủng bố, IS có thể chi khoảng 50.000 USD để thực hiện các vụ khủng bố tại Paris. Ngày 17/11, cảnh sát Serbia đã bất ngờ khi bắt một người đàn ông mang hộ chiếu Syria gần như copy nguyên bản tấm hộ chiếu của kẻ đánh bom tại Paris: cùng tên, cùng ngày sinh, cùng nơi sinh, chỉ khác có tấm ảnh.

Tình báo Pháp đang phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích vì không thể ngăn chặn một kế hoạch tấn công khủng bố ngay giữa thủ đô Paris. Tờ Daily Mail đã chỉ ra 3 sai lầm trong công tác an ninh và tình báo, dẫn đến thảm kịch tối 13/11 vừa qua. Và sau khi những thông tin này được công bố, người phát ngôn của đảng Xã hội cầm quyền Pháp Corinne Narassiguin thừa nhận, đây là thất bại của tình báo Pháp.
Quốc Dũng- Thiện An
.
.
.