Lịch sử dùng cá heo cho mục đích quân sự và an ninh

Thứ Hai, 27/02/2012, 15:37

Iran đang đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz - một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới. Và Mỹ được cho là đang sở hữu một thứ vũ khí bí mật có thể giúp họ ngăn chặn hành động này của Tehran. Vũ khí bí mật được nhắc đến ở trên là những con cá heo thông minh có khả năng phát hiện và dò tìm bom mìn.

Động vật thông minh với những phát hiện kinh ngạc

Những ngày đầu năm 2012, cả khu vực Trung Đông nóng rừng rực bởi lời đe dọa của Iran về việc phong tỏa Eo biển chiến lược Hormuz - nơi cung cấp 1/5 nguồn dầu mỏ cho thế giới đi qua đây. Mỹ đã lên tiếng cảnh báo sẽ không để Iran đóng cửa eo biển Hormuz. Washington thậm chí còn gửi một bức thư trực tiếp hiếm hoi đến chính phủ Iran để bày tỏ sự cứng rắn của Mỹ trong vấn đề này.

Theo các quan chức Mỹ, Tehran có thể phong tỏa eo biển Hormuz bằng cách dùng những con thuyền cao tốc nhỏ phóng ngư lôi hoặc đặt thủy lôi để tấn công các tàu thuyền qua lại tuyến đường biển này. Tuy nhiên, nếu Iran đặt thủy lôi ở vùng Vịnh Persian thì Mỹ chẳng có gì phải lo lắng. Đây là quan điểm của Đô đốc đã nghỉ hưu của Mỹ - ông Tim Keating. Theo ông này, Mỹ đang sở hữu những con cá heo dò mìn và nó có thể là vũ khí bí mật để ngăn chặn Iran phong tỏa eo biển Hormuz.

Những con cá heo của Hải quân Mỹ rất giỏi trong việc phát hiện và dò tìm thủy lôi. Chúng sẽ xác định các địa điểm có thủy lôi để lính của Hải quân Mỹ đến tháo gỡ. "Những con cá heo sở hữu khả năng kinh ngạc trong việc phát hiện các vật thể dưới nước. Chúng có thể phân biệt giữa những thứ tự nhiên và các vật thể nhân tạo từ khoảng cách hơn 15m. Khi phát hiện ra một quả thủy lôi, những con cá heo sẽ thả một dấu hiệu nổi hoặc phát đi tín hiệu âm thanh để con người có thể biết được".

Tim Keating cũng nhấn mạnh rằng: "Chúng có cách truyền âm giống kỹ thuật sonar hiện đại nên có thể phát hiện một vật thể kim loại hình cầu đường kính 7-8cm từ khoảng cách 111m. Riêng ở vịnh San Diego, Hải quân Mỹ có 80 con cá heo mũi to được huấn luyện dò mìn và thả thiết bị thu phát sóng âm".

Liệu những con cá heo thông minh đó có gặp nguy hiểm khi làm nhiệm vụ phát hiện và dò tìm thủy lôi hay không? Theo Hải quân Mỹ, những con cá heo của họ chưa bao giờ đến đủ gần để có thể gây kích nổ những quả thủy lôi mà chúng phát hiện ra. Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì quyền của động vật không tin vào điều này. Ngoài ra, người ta cho rằng, Iran vì không thể phân biệt được đâu là một con cá heo quân sự với một con cá heo hoang dại của tự nhiên nên có thể sẽ tấn công tất cả những con cá heo mà họ phát hiện thấy.

Những chiến binh cá heo đã được đưa tới eo biển chiến lược Hormuz sẵn sàng ra trận.

Những con cá heo dò mìn không phải là ý tưởng mới. Trong những năm 1960, chương trình động vật biển có vú của Hải quân Mỹ ở San Diego đã bắt đầu nghiên cứu tiềm năng của cá heo để sử dụng như phương tiện chiến tranh. Cá heo và sư tử biển được huấn luyện để dò mìn và phát hiện ra thợ lặn của quân địch từ thời kì chiến tranh Lạnh, dựa vào khả năng định vị bằng tiếng vang đặc biệt của chúng.

Cá heo của Hải quân Mỹ được sử dụng ở rất nhiều nơi trên thế giới như: vùng biển Ban-tích, Alaska, Hawaii, Florida, vịnh Ba Tư, Việt Nam, và gần đây là cuộc chiến với Iraq năm 2003. Khi đó, 8 con cá heo của Hải quân Mỹ đã giúp tháo gỡ hơn 100 quả thủy lôi được các lực lượng của cố Tổng thống Saddam Hussein cài ở dưới nước.

Cá heo được vận chuyển bằng máy bay trực thăng hoặc tàu thuyền. Cơ sở vật chất của tàu thuyền này rất hiện đại, vì phải thiết lập một hệ thống xử lý, chăm sóc và vận chuyển những động vật này. Tuy nhiên, cá heo được vận chuyển hàng nghìn km từ nơi này đến nơi khác trong một thời gian ngắn làm cho chúng không kịp thích nghi, điều này cũng đe dọa đến sự sinh tồn của chúng

Trường - Thu Phương (tổng hợp)
.
.
.