Liên hợp quốc điều tra chiến dịch chống tội phạm và ma tuý ở Philippines

Thứ Năm, 20/10/2016, 10:44
"Tôi quan ngại sâu sắc về những vụ giết người chưa qua xét xử và thực tế rằng các quan chức cấp cao của Philippines dường như cho qua những vụ giết chóc này", ngày 14-10, hãng AFP đã dẫn tuyên bố của Trưởng công tố viên Tòa Hình sự quốc tế (ICC) Fatou Bensouda. Đồng thời cảnh báo khả năng truy tố những người phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. 


Theo bà Fatou Bensouda, Philippines là thành viên của ICC (từ tháng 11-2011), do đó phải tuân thủ "luật chơi của ICC" - ICC có quyền xét xử tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và các tội ác chống lại loài người xảy ra trên lãnh thổ Philippines hoặc do công dân Philippines gây ra.

Trước đó (13-10), tờ Philippines Star cho biết, Manila đã gửi thư mời bà Agnes Callamard (người từng tuyên bố sẽ thay mặt Liên hợp quốc đối đầu với chiến dịch chống tội phạm và ma tuý của Tổng thống Rodrigo Duterte) đến Philippines để điều tra chiến dịch chống tội phạm và ma tuý bị cáo buộc sát hại hàng ngàn người trong mấy tháng qua.

Được biết, bà Agnes Callamard sẽ yêu cầu Manila sắp xếp thời gian, quy mô điều tra, tự do đi lại và đảm bảo an toàn cho các thành viên tham gia thực hiện nhiệm vụ này, cũng như các đối tượng được phỏng vấn.

Trong một tuyên bố đưa ra hồi tháng 9, ông Rodrigo Duterte đã mời Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và chuyên gia nhân quyền quốc tế đến Philippines để điều tra vấn đề này. Theo hãng Reuters, chiến dịch chống tội phạm và ma tuý đã khiến hơn 3.600 người thiệt mạng, sau khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức hôm 30-6.

Bắt nghi phạm liên quan đến ma túy ở Philippines.

Mấy ngày trước (12-10), khi phát biểu tại thủ đô Manila, Bộ trưởng Y tế Paulyn Jean Rosell-Ubial thông báo kế hoạch xây dựng một trung tâm cai nghiện có sức chứa hơn 10.000 bệnh nhân để phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy. Trung tâm này được xây dựng từ tháng 7 và khi hoàn tất (dự kiến trong tháng 11) sẽ có hơn 2.000 nhân viên y tế được triển khai để điều trị chủ yếu cho những người nghiện ma túy tại đảo Luzon.

"Việc này không những giúp ích cho những người nghiện, mà còn mang lại sự thay đổi cho đất nước", Bộ trưởng Paulyn Jean Rosell-Ubial nhấn mạnh. Bà Paulyn Jean Rosell-Ubial còn cho biết, Chính phủ đang dự tính xây thêm 4 "siêu trại cai nghiện" để hỗ trợ cho người nghiện ma túy. Trung tâm này được đặt tại doanh trại quân đội và được tỉ phú bất động sản Trung Quốc Huang Rulun tài trợ.

Ngày 14-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, nước này ủng hộ chiến dịch chống tội phạm và ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte và sẽ phối hợp với Philippines trong cuộc chiến này.

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, ông Triệu Giám Hoa từng tuyên bố, Bắc Kinh ủng hộ chiến dịch chống tội phạm và ma tuý của Tổng thống Rodrigo Duterte. Ông Rodrigo Duterte từng cáo buộc các tổ chức sản xuất methamphetamine ở Trung Quốc (loại ma túy được người Philippines gọi là shabu) đã gây ra tình trạng nghiện ngập cũng như bùng phát tội phạm ma túy tại Philippines.

Khi tới thăm phòng xét nghiệm ma túy ở Luzon, ông Rodrigo Duterte tuyên bố, có nhiều tên tội phạm Trung Quốc đang làm ăn với các băng nhóm ma túy Philippines. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay khi phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc từng kêu gọi thế giới không can thiệp, để Manila đối phó với các thách thức, trong đó có chiến dịch chống tội phạm và ma tuý.

Theo thống kê của Bộ Y tế, có khoảng 700.000 người nghiện đã đăng ký với nhà chức trách (thực tế có hơn 3 triệu người nghiện), nhưng Philippines không có đủ cơ sở cai nghiện để giúp đỡ họ. Philipipnes hiện mới có 15 trung tâm phục hồi chức năng dưới sự điều hành của chính phủ với sức chứa 5.000 bệnh nhân.

Chính phủ đã tăng ngân sách cho lĩnh vực này từ 250 triệu Peso (khoảng 5,3 triệu USD) trong năm nay lên 3 tỷ Peso trong năm tới. Dư luận đang quan tâm tới biện pháp hỗ trợ người cai nghiện đang diễn ra tại thành phố Olongapo - cho người nghiện ma túy học đóng quan tài và họ được trả công 5.000 peso (khoảng 103 USD) một tháng.

Đây là hoạt động thuộc chương trình điều trị và hỗ trợ sinh kế cho người nghiện ma túy của chính quyền địa phương. Trong hơn 3 tháng qua, có ít nhất 400 người nghiện ma túy ra đầu hàng cảnh sát Olongapo.

Ngày 11-10, Bộ trưởng Y tế Pháp Marisol Touraine đến thăm "phòng chích" thí điểm cho con nghiện ma túy nặng tại bệnh viện Lariboisiere, gần trạm tàu hỏa Gare du Nord ở phía bắc Paris.

Tháp tùng bà Marisol Touraine có Thị trưởng Paris Anne Hidalgo và theo Bộ trưởng Y tế Pháp, sự ra đời của "phòng chích" là kết quả của một cuộc chiến chính trị không hề dễ dàng. Đồng thời coi đó là cách giúp những con nghiện có thể tiêm ma túy một cách an toàn và vệ sinh.

Có khoảng 20 bác sĩ, y tá, nhà giáo dục, nhân viên xã hội và bảo vệ sẽ túc trực tại đây để tiếp nhận con nghiện và họ được phép mang theo ma túy, nhờ nhân viên của "phòng chích" giúp đỡ.

Trọng Hậu
.
.
.