Livestream bán hàng lậu và câu hỏi trách nhiệm cơ quan quản lý

Thứ Ba, 28/07/2020, 08:00
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu trong tháng 8, Ban chỉ đạo 389, Bộ Công Thương báo cáo kết quả xử lý vụ bắt giữ kho hàng lậu rộng hơn 10.000m² ở thành phố Lào Cai.

Đồng thời, hai cơ quan này phải chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm.

Trước đó, ngày 7-7, lực lượng của Tổng Cục quản lý thị trường phối hơp với lực lượng của Bộ Công an đã bắt giữ kho hàng rộng hơn 10.000m2 có địa chỉ tại 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai. Tại thời điểm kiểm tra, 3 nhân viên được thuê để thay nhau livestream trên các tài khoản Facebook như: Thảo Trần, Giầy Đồng giá...

Kho hàng này đã tồn tại gần 2 năm, mỗi ngày bán được 100-200 đơn hàng. Các mặt hàng chủ yếu là giày dép, kính mắt, quần áo, túi xách... của các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, LV, Gucci, Adidas... 

Sau khi livestream bán hàng trên Facebook, các đơn hàng này sẽ được hơn 40 nhân viên "chốt" bằng phần mềm chuyên nghiệp, quản lý tập trung và đóng gói, vận chuyển qua các hãng chuyển phát lớn. 

Chủ kho hàng là Trần Thành Phú, sinh năm 1992 có hộ khẩu thường trú tại Lào Cai cùng em gái của mình điều hành kho hàng. Các nhân viên ở kho hàng này khai nhận ban đầu, hàng hóa được tuồn lậu từ Quảng Châu (Trung Quốc). 

Nhóm bán tối thiểu khoảng 1.000 đơn hàng/ ngày, bình quân tháng khoảng 100.000 sản phẩm. Sau khi chốt đơn, hàng được gửi đi khắp cả nước thông qua các hãng chuyển phát nhanh.

Sau 4 ngày kiểm đếm, Quản lý thị trường ghi nhận kho này có 237 chủng loại hàng hóa, với hơn 158.000 sản phẩm. Trong đó, hơn 151.300 sản phẩm không rõ nguồn gốc và 6.688 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Theo cơ quan chức năng đánh giá, đây là vụ bán hàng giả, lậu liên quan tới thương mại điện tử lớn nhất từ trước đến nay. Bởi sau 2 năm tồn tại, kho chỉ bán hàng lậu qua livestream nhưng doanh thu hai năm nay lên tới 650 tỷ đồng.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị thị trường, Tổ trưởng Tổ công tác về thương mại điện tử (TMĐT) cho biết, thủ đoạn của các nhóm đối tượng này đã xây dựng mô hình kinh doanh được vận hành bài bản. 

Nhóm đối tượng này đã thuê trên 70 nhân viên, phân công rất rõ ràng và chuyên nghiệp hóa. Theo đó, có bộ phận chuyên làm nhiệm vụ livestream giới thiệu sản phẩm; bộ phận chuyên chốt đơn hàng; bộ phận kế toán, hành chính, tổng hợp; bộ phận chuyên đóng gói sản phẩm hàng hóa; bộ phận chuyên làm công tác hậu cần, bốc vác, xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa. 

Trong mô hình kinh doanh này còn đầu tư, bố trí xe tải để tiện vận chuyển hàng hóa đưa về kho chính, hoặc từ kho chính đưa về kho phụ. Qua đo đếm thông tin ban đầu, trong những tháng năm 2020, hoạt động kinh doanh của các đối tượng này có mức doanh thu tương đối lớn. Vì đây là bán lẻ trên Internet, mỗi tháng thu về trên 10 tỷ đồng. Số lượng sản phẩm họ tuồn vào thị trường Việt Nam trên 90.000-100.000 sản phẩm/1tháng...

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vì sao Trần Thành Phú lại có thể duy trì hoạt động của kho hàng lậu khủng này và buôn bán suốt 2 năm qua? Bởi tại các tuyến biên giới hiện nay có rất nhiều lực lượng chống buôn lậu như Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường… 

Trong khi đó, từ đầu năm 2020 tới nay, do dịch bệnh COVID-19, các tỉnh có biên giới được yêu cầu phải phải bố trí lực lượng kiểm soát chặt dường biên để chống người vượt biên và nhập cảnh trái phép. Vậy mà điều kỳ lạ là lượng lớn hàng lậu vẫn tuồn được vào nội địa.

Rõ ràng, trong sự việc trên trách nhiệm rất lớn thuộc về các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu và quản lý thị trường ở Lào Cai. Đặc biệt là lực lượng QLTT tỉnh Lào Cai vì đây là lực lượng có nhiệm vụ chủ chốt kiểm soát thị trường nội địa, chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu...

Vì vậy, điều dư luận chờ đợi là cơ quan chức năng phải làm rõ cơ quan, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm khi để kẻ buôn lậu ngang nhiên hoành hành trong suốt thời gian dài như vậy.

Tân Lương
.
.
.