Mỹ:

Lo ngại bị tấn công mạng sẽ khiến nước này thiệt hại thảm khốc về người và tài sản

Thứ Hai, 17/12/2012, 15:03

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Leon E. Panetta mới đây cảnh báo, nước này đang phải đối mặt với nguy cơ của một trận "Trân Châu cảng mạng" thảm khốc.  Không chỉ vậy, các mạng lưới tải điện, hệ thống giao thông, các mạng lưới tài chính và chính phủ nước Mỹ ngày càng dễ bị tin tặc nước ngoài đánh sập.

Kẻ thù của Mỹ ngày càng hiếu chiến, cực đoan

Phát biểu tại Viện bảo tàng Hải quân, không quân và vũ trụ Intrepid ở Hudson, New York, ông Penetta vẽ lên một bức tranh thảm khốc về một cuộc tấn công mạng vào nước Mỹ có thể diễn ra như thế nào.

Ông nói: "Một nước hiếu chiến hay một nhóm cực đoan có thể thâu tóm quyền kiểm soát các hệ thống điều khiển quan trọng, từ đó làm chệch đường ray các đoàn tàu hỏa chở khách hoặc hóa chất. Chúng có thể gây ô nhiễm nguồn cung cấp nước ở các thành phố lớn, đánh sập mạng lưới tải điện trên một diện rộng khắp nước Mỹ".

Ông đã nêu một ví dụ điển hình là, cuộc tấn công vào một công ty dầu quốc doanh là Saudi Aramco vào tháng 8/2012 đã làm cho 30.000 máy tính của công ty trở nên vô dụng.

Tuy nhiên, theo các quan chức Lầu Năm Góc, dường như phát biểu của ông Panetta xuất phát từ động cơ khác. Đó là thúc đẩy thông qua một đạo luật tại quốc hội.

Nước Mỹ lo ngại tấn công mạng gây thiệt hại như trận Trân Châu cảng.

Đạo luật đó đòi hỏi những chuẩn mực mới về các cơ sở hạ tầng trong khu vực tư nhân quan trọng, như trong các nhà máy điện, xử lý nước và đường ống dẫn gas, những nơi mà nếu xảy ra một cuộc tấn công mạng có thể gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, thậm chí những thương vong cụ thể.

Ông Panetta miêu tả, tác động tổng thể của vụ việc giống như một trận "Trân Châu cảng mạng, gây ra tổn thất về người và của, làm tê liệt hay gây sốc cho đất nước, tạo ra một cảm giác sâu sắc về sự dễ dàng bị tổn thương".

Bên cạnh đó, ông Panetta rất thận trọng trong việc dùng các từ "phòng thủ" hay "phản công" trong cuộc chiến tranh mạng. Thay vào đó, ông xác định khả năng của Lầu Năm Góc như là "hành động nhằm bảo vệ đất nước".

Mỹ từng tạo ra chiến tranh mạng

Tuy nhiên, bản thân nước Mỹ cũng đã dính líu vào các cuộc tấn công mạng của mình để chống lại kẻ thù dù Chính phủ Mỹ không bao giờ công khai thừa nhận điều này. Có nguồn tin cho biết, ngay từ những tháng đầu nhậm chức, ông Obama đã lệnh tiến hành các cuộc tiến công phức tạp vào các hệ thống máy tính của Iran khiến quá trình làm giàu uranium của nước này bị đình trệ.

Ông Obama cũng đã ra lệnh tăng tần số các cuộc tấn công được bắt đầu dưới chính quyền Bush và cuộc tấn công mang mật danh là Olympic Games. Các cuộc tấn công thậm chí vẫn tiếp tục sau khi một phần của chương trình này đã không may bị lộ vào mùa hè năm 2010.

Trong một đoạn của bài phát biểu của mình, ông Panetta đã cố gắng chọn từ ngữ khi cảnh báo, Mỹ "sẽ không thành công trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công mạng nếu chỉ thông qua việc tăng cường phòng thủ".

Một quan chức cấp cao của Mỹ nhận xét, bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho thấy, nước này có thể sẽ định nghĩa lại về chiến tranh mạng và cần phải có khả năng tiếp cận vượt quá giới hạn không gian mạng nếu cuộc tấn công được phát hiện hay dự kiến sẽ xảy ra, và tiến hành một hành động phủ đầu.

Chính các biện pháp phản công này cũng có thể được sử dụng như một đòn trả đũa khi có cuộc tiến công mạng đầu tiên nhằm vào mục tiêu của nước Mỹ.

Các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc từ chối mô tả bất kỳ chi tiết cụ thể nào về khả năng chiến tranh không gian mạng mà Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai hoặc đang phát triển.

Trong khi ông Panetta tránh gọi các khả năng trên là "phản công", các quan chức quân sự cấp cao khác và các quan chức Lầu Năm Góc gần đây đã bắt đầu thừa nhận, họ đã tập trung vào phát triển những công cụ này.

Bộ Quốc phòng Mỹ đang hoàn chỉnh "quy tắc tham gia", theo đó, sẽ chỉ sử dụng vũ khí tin học của Lầu Năm Góc trong trường hợp có một cuộc tấn công vào các mục tiêu của Mỹ tăng đến một mức độ quan trọng nhất định nhưng chưa được xác định. Nếu cuộc tấn công chưa đến mức độ xác định, Lầu Năm Góc chỉ chia sẻ thông tin và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho FBI và các cơ quan khác thuộc Bộ An ninh nội địa

Lai Nguyễn (tổng hợp)
.
.
.