Iraq:

Lo ngại tù nhân vượt ngục sẽ 'đầu quân' cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng

Thứ Bảy, 16/05/2015, 15:00
Các quan chức và cảnh sát Iraq cho biết, ít nhất 30 tù nhân và 10 bảo vệ đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ trong nhà tù ở Khalis, phía đông Bắc Baghdad hôm 8/5. 50 tù nhân đã trốn thoát. 

Mới đây, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thừa nhận đứng sau vụ vượt ngục ngoạn mục của các tù nhân. Nhiều chuyên gia an ninh lo ngoại rằng, tù nhân vượt ngục sẽ là nguồn lực quan trọng bổ sung vào "hàng ngũ" chiến binh thánh chiến

Các quan chức Iraq cho hay, vụ việc bắt đầu khi các tù nhân tiến hành cuộc bạo loạn, cố gắng cướp vũ khí để thoát khỏi nhà tù. Đó là một nhà tù nằm ở thành phố Khalis, tỉnh Diyala, cách Baghdad khoảng 80km về phía Bắc. 9 trong số các tù nhân trốn thoát trong vụ vượt ngục hôm 8/5 bị kết án về tội khủng bố, trong đó có cả thành viên của IS. Những tên tội phạm còn lại bị kết án về tội phạm thông thường. Mặc dù các đơn vị chức năng khẳng định, không có dấu hiệu cuộc tấn công được tổ chức từ bên ngoài, nhưng IS đã thừa nhận đứng sau vụ việc.

Một nhà tù ở Iraq.

"Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã nhận trách nhiệm về các vụ giết người và giải phóng tù nhân IS", Oudi Al-Khadran, thị trưởng thành phố Khalis nói. Một tuyên bố của IS được đăng tải trên mạng cho biết, "15 thiết bị gây nổ nhằm chống lại quân đội và cảnh sát được bố trí xung quanh nhà tù". Một số nguồn tin địa phương cũng cho biết, chiến binh IS sử dụng một vài loại xe cố gắng xông vào nhà tù và giải thoát các thành viên bị giam giữ. Hình ảnh được coi là rùng rợn đã được lan truyền trên các phương tiện truyền thông. Một số người nói rằng, giống như một vụ thảm sát diễn ra trong nhà tù. Đây là vụ vượt ngục thứ ba ở Diyala kể từ tháng 6 năm ngoái khi IS nắm giữ phần lớn lãnh thổ ở phía Bắc và phía Tây Iraq.

Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Iraq cho biết, các tù nhân đã tiếp cận được với phòng lưu trữ vũ khí. "Cảnh sát đang truy tìm tù vượt ngục ở khu vực gần đó và đã công bố hình ảnh tù nhân trốn trại để truy nã", phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Iraq nói. "Lệnh giới nghiêm đã được ban bố tại một số vị trí trong thành phố Khalis và hai khu vực ngoại ô để tìm kiếm các nghi phạm", thị trưởng thành phố Khalis nói với phóng viên hãng tin BBC.

Tuy nhiên, theo nhận định của tờ DW (Đức), có mâu thuẫn trong báo cáo về số người thương vong. Hai quan chức cảnh sát và một quan chức y tế đề nghị giấu tên nói với phóng viên Associated Press rằng, hơn 200 tù nhân đã trốn thoát, trong khi 51 tù nhân và 12 cảnh sát đã bị giết hại.

Theo đánh giá của các chuyên gia an ninh, tù nhân vượt ngục không phải là chuyện hiếm ở Iraq và phần lớn các chiến binh thánh chiến bên ngoài nhận trách nhiệm đứng đằng sau vụ việc. Một trong những vụ trốn trại lớn nhất trong lịch sử Iraq diễn ra tại nhà tù khét tiếng Abu Ghraib vào tháng 7/2013.

Hơn 500 tù nhân đã trốn thoát trong cuộc dàn xếp tỉ mỉ của al Qaeda (có nguồn tin cho rằng, con số tù nhân vượt ngục lên đến hơn 1.000 người). Trong số tù nhân trốn thoát có cả thành viên cấp cao của al Qaeda. Để tổ chức vụ vượt ngục, al Qaeda đã lên kế hoạch tấn công kỹ lưỡng, sử dụng những kẻ tấn công tự sát, tên lửa và 12 bom xe làm chết 120 nhân viên an ninh.

Theo Bộ Tư pháp Iraq, các tù nhân đã đốt chăn màn và đồ đạc khác trong tù. Các quan chức Iraq cho biết, khoảng 30 nhân viên an ninh thiệt mạng chứ không phải con số 120 người như al Qaeda công bố, cùng với đó là 21 tù nhân và 10 chiến binh hồi giáo thiệt mạng.

Tù nhân trốn trại có thể sẽ tham gia lực lượng chiến binh thánh chiến.

Vào thời điểm đó, Hakem al-Zamli, một thành viên của ủy ban an ninh và quốc phòng Iraq nói với hãng tin AFP rằng, "những người bất cẩn trong quản lý phạm nhân phải chịu trách nhiệm về vụ việc", đồng thời cũng thừa nhận, tù nhân đã trốn thoát khỏi Iraq có thể tham gia cuộc thánh chiến. Chuyên gia an ninh Jochen Hippler cũng cho rằng, tù nhân trốn trại, trong đó có những kẻ cực đoan, tội phạm nghiêm trọng khác có thể gia nhập lực lượng thánh chiến.

Một số chính trị gia nói rằng, những cuộc tấn công nhà tù giải cứu tù binh của các nhóm chiến binh Hồi giáo thời gian gần đây cho thấy, Chính phủ Iraq đang rơi vào tình trạng mất kiểm soát an ninh. Mặc dù không phải tất cả tù nhân được trốn trại đều là thành viên của tổ chức khủng bố hay chiến binh thánh chiến nhưng các chuyên gia lo ngại, các tù nhân khác sau khi trốn trại cũng có thể "đầu quân" cho lực lượng chiến binh thánh chiến. Đây có thể là nguyên nhân khiến tổ chức Hồi giáo cực đoan như IS nhắm đến việc tổ chức những vụ bạo động trong trại, giúp tù nhân vượt ngục trên quy mô lớn.

P Tường (tổng hợp)
.
.
.