Lo ngại xung đột vì tàu chở dầu bị tấn công

Chủ Nhật, 23/06/2019, 15:39
Các cuộc tấn công đã làm dấy lên lo ngại về sự đối đầu trong tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng của Eo biển Hormuz tại thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Iran và Mỹ.


Theo một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 16-6, Hoàng thái tử ẢRập Saudi Mohammed bin Salman đã buộc tội đối thủ Iran tấn công các tàu chở dầu trong một kênh vận tải vùng Vịnh quan trọng.

Hai tàu chở dầu đã bị tấn công bởi vụ nổ hôm 13-6 tại Vịnh Ô-man, cuộc tấn công thứ hai trong vòng một tháng tại tuyến đường hàng hải vận tải chiến lược trong bối cảnh Mỹ-Iran căng thẳng, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột khu vực và khiến giá dầu tăng vọt.

Thái tử Salman kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy có một “thái độ dứt khoát”. “Chúng tôi không muốn chiến tranh trong khu vực. Nhưng chúng tôi sẽ không ngần ngại đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào đối với người dân, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích sống còn của chúng tôi”, Hoàng thái tử Mohammed nói với nhật báo Asharq al-Awsat của Pan-Arab trong những bình luận công khai đầu tiên của mình kể từ sau vụ tấn công.

Vị Thái tử cũng đã buộc tội Iran và các ủy ban của họ đối với vụ tấn công ngày 12-5 lên 4 tàu chở dầu neo đậu trong vịnh Ô-man, ngoài khơi cảng Fujairah của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). 

Vụ tấn công ngày 13-6 vào 2 tàu chở dầu diễn ra vào thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang gặp gỡ các nhà lãnh đạo Iran ở Tehran. Hai tàu bị tấn công gồm tàu Kokuka Courageous thuộc sở hữu của Nhật Bản, đang chở methanol rất dễ cháy, và tàu Front Altair do Na Uy điều hành.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng các cuộc tấn công song song có “dấu vết của Iran”. Dĩ nhiên, Tehran đã bác bỏ cáo buộc đó. ẢRập Saudi, một đồng minh thân cận của Mỹ, là đối thủ trong khu vực của Iran. Quân đội Mỹ hôm 14-6 đã công bố những thước phim mà theo họ đã mô tả một chiếc tàu tuần tra của Iran đã gỡ một quả mìn chưa nổ của họ khỏi một trong những chiếc tàu chở dầu.

Trong khi đó, Iran đã từ chối trách nhiệm đối với cuộc tấn công. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif viết trên Twtitter rằng Mỹ đã nhảy bổ vào để đưa ra cáo buộc chống lại Iran mà không có bằng chứng thực tế. Iran đã nhiều lần cảnh báo trong quá khứ rằng họ có thể chặn eo biển Hormuz chiến lược như một biện pháp đối phó tình huống với bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ. Việc này sẽ làm gián đoạn các tàu chở dầu đi ra khỏi vùng Vịnh đến Ấn Độ Dương và các tuyến đường xuất khẩu toàn cầu.

Anh vào tối 14-6 cũng đã chính thức đứng về phía Mỹ cáo buộc Iran thực hiện vụ tấn công. Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này cho biết: “Hầu như chắc chắn rằng một nhánh của quân đội Iran - Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo - đã tấn công 2 tàu chở dầu ngày 13-6. Không có lực lượng nhà nước hoặc phi nhà nước nào khác có thể chịu trách nhiệm”.

Mặc dù ông Trump tuyên bố Iran đứng sau các cuộc tấn công, các quốc gia khác đã thận trọng hơn trong việc gán tội. Các quan chức Chính phủ Nhật Bản vẫn không tin vào vai trò bị cáo buộc của Iran, các nguồn tin cho biết. “Lời giải thích của Mỹ đã không giúp chúng tôi vượt ra ngoài suy đoán”, một quan chức cao cấp của Chính phủ Nhật Bản nói.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres kêu gọi một cuộc điều tra độc lập. “Một phần rất quan trọng để biết sự thật và việc làm rõ trách nhiệm là rất quan trọng”, ông Guterres nói với các phóng viên vào 14-6. Ngoại trưởng Đức cũng thận trọng, nói rằng video do Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ phát hành là không đủ để đưa ra đánh giá, theo ABC News.

Một số cường quốc thế giới đã kêu gọi các nỗ lực ngoại giao để giảm căng thẳng, bao gồm cả Trung Quốc và Nga, những nước có quan hệ gần gũi hơn với Iran. Liên minh châu Âu kêu gọi “kiềm chế tối đa”. Trong khi đó, các thành viên thủy thủ đoàn được giải cứu từ một tàu chở dầu thuộc sở hữu của Na Uy đã đến Dubai.

Các tàu chở dầu đã được kéo ra khỏi vùng biển Iran và được báo cáo là đang ở Vịnh Ô-man.

Anh Kiệt
.
.
.