Lo sợ bị nghe lén, các nguyên thủ đổ xô dùng điện thoại mã hoá

Thứ Bảy, 14/12/2013, 15:30

Từ bỏ những thói quen nhắn tin và "nghịch" công nghệ" trong các điện thoại thông minh đời mới, nguyên thủ các quốc gia trên thế giới giờ đây phải quay lại với mẫu điện thoại với hình dáng không được thời trang và "to như cục gạch" nhưng đổi lại, chúng lại có tính năng mã hóa và chống nghe trộm. Nguyên nhân của chuyện này bắt nguồn từ thông tin Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã nghe lén điện thoại của 35 nguyên thủ quốc gia trên thế giới

Mở màn cho phong trào này là Thủ tướng Đức Angela Merkel. Theo tuần báo Der Spiegel, từ tháng 11, bà Angela Merkel cùng các Bộ trưởng và một số quan chức cấp cao khác trong chính phủ liên minh ở Đức đã được hướng dẫn "khẩn cấp" về việc dùng điện thoại di động có mã hóa bảo mật do Cục an ninh thông tin liên lạc Đức kiểm soát và cung cấp. Điều này cũng có nghĩa là nữ Thủ tướng Đức bị buộc phải từ bỏ chiếc điện thoại Nokia nắp trượt kiểu 620 Slide và gửi sử dụng chiếc BlackBerry Z10 mà bà mới được cung cấp hồi tháng 3 tới một đơn vị chức năng để được sửa đổi làm sao cùng lúc vận hành hai bộ phận tách biệt, một sử dụng cho liên lạc cá nhân và một được mã hoá các cuộc điện đàm và trao đổi email.

Một thói quen khác trong việc dùng điện thoại của bà Angela Merkel cũng bị nhắc nhở và "cấm tiệt" là việc nhắn tin. Tuần báo Der Spiegel khẳng định, chính phủ Đức đã phải chi ngân sách cho việc trang bị lại cơ chế bảo mật đặc biệt điện thoại của các quan chức với mức giá khoảng từ 3.000-4.000USD/chiếc điện thoại.

Dù được trang bị chiếc điện thoại Toerem song Tổng thống Pháp Francois Hollande vẫn chưa cảm thấy yên tâm lắm sau khi scandal nghe lén của NSA bị phanh phui.

Trong khi đó, tại Pháp, Thủ tướng Jean-Marc Ayrault đã cấm các Bộ trưởng và nhân viên dưới quyền sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng để chuyển những thông tin nhạy cảm. Đồng thời, ông Jean-Marc Ayrault cũng lệnh cho các Bộ trưởng khi thực hiện trao đổi thông tin phải dùng chiếc máy điện thoại Tarem đã được mã hóa đặc biệt. Hiện, Pháp đang cố nhân rộng số quan chức sử dụng chiếc điện thoại này dù nó có giá không hề rẻ (khoảng 5.000 USD/chiếc) và do nhà thầu quốc phòng Thales độc quyền sản xuất cho giới chức Pháp theo yêu cầu và sự giám sát của cơ quan an ninh quốc gia Anssi.

Tính đến hết tháng 11, khoảng 14.000 chiếc điện thoại Teorem đã được sản xuất và cung cấp cho Pháp, trong đó, 7.000 chiếc được phát cho giới chức quân sự. Tuy nhiên, không phải quan chức Pháp nào cũng thích chiếc Toerem, kể cả Tổng thống Francois Hollande.

Ông Francois Hollande thường than phiền hệ thống điều hành trên chiếc Toerem hoạt động chậm, phải mất 30 giây để thực hiện cuộc gọi có mã số bảo mật; khó vào các trang mạng xã hội và đặc biệt là gửi tin nhắn bị hạn chế. Đó là chưa kể về mặt mẫu mã, chiếc Tarem không hề được cải tiến so với mẫu ra đầu tiên vào năm 2001 và có bàn phím cứng, nắp gập kiểu cổ…

Từ tháng 11, giới chức Đức đã được hướng dẫn sử dụng điện thoại di động được mã hóa bảo mật.

Ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama, sau scandal do chính NSA gây ra, cũng phải xem xét lại việc sử dụng điện thoại di động vì lo ngại bị trả đũa. Hiện tại, người đứng đầu Nhà Trắng đã chính thức chia tay chiếc điện thoại "siêu an toàn BlackBerry 8830" quen thuộc và chuyển sang sử dụng chiếc Sectéra Edge được cho là "pháo đài bất khả xâm phạm" đối với mọi hacker, mọi hành động nghe lén, mọi phần mềm gián điệp với trị giá là 18 triệu USD. Chiếc điện thoại này được chính NSA lựa chọn và đặt chế tạo theo kiểu cải tiến từ loại điện thoại PalmTreo 750, sử dụng hệ điều hành WindowsCE.

Với hai bộ nhớ khác nhau, có thể từ chối mọi số thuê bao hoặc dữ liệu không an toàn gọi hoặc gửi đến, điện thoại Sectéra Edge còn đặc biệt ở chỗ không có camera và chỉ có cổng cắm tai nghe nhưng lại có thể dùng để nhận và gửi email văn bản, các video clip, các file âm thanh, xử lý các loại văn bản Office, lên mạng, đặt lịch làm việc, số hóa và mã hóa các cuộc điện thoại.

Và cuối cùng, vừa đặc biệt và lạ lùng, nhiều nguyên thủ đã lựa chọn cách không sử dụng điện thoại di động để tránh mọi rắc rối hay rò rỉ thông tin cho thể xảy ra. Đó là đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mexico Tổng thống Enrique Pena Nieto và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Chính vì thế mà có nghị sĩ Đức đã khuyên Thủ tướng Angela Merkel là nếu cảm thấy bất ổn với việc dễ bị nghe lén điện thoại, bà có thể không cần dùng đến điện thoại di động nữa

Chi Anh
.
.
.