Nhật Bản:

Lừa hàng trăm triệu USD của các cụ bà thông qua gọi điện

Thứ Hai, 28/12/2015, 11:32
Truyền thông Nhật vừa dẫn lời cảnh sát nước này cho hay, tại thành phố Toyohashi mới đây, một phụ nữ khoảng 70 tuổi sống độc thân nhận điện thoại từ một người xưng là con của cụ nói, đang gặp khó khăn về tài chính và cần gấp 600.000 yên (5.000 USD).

"Con đây, cháu đây…"

Cụ đã không ngần ngại trao số tiền này cho người lạ mặt. Vào cùng ngày, một phụ nữ khác cũng ở độ tuổi ngoài 70 nói, bà đã bị mất 40 triệu yên (335.000 USD) khi chiều tối gọi điện cho con trai mới biết mình đã bị lừa. Số tiền được người xưng là "con trai" đề nghị giúp lúc đầu là 60 triệu yên (500.000 USD).

Vụ lừa khác được Đài truyền hình NHK đưa tin xảy ra vào ngày 16/10/2015 tại thành phố Nagoya với nạn nhân là một phụ nữ cũng ở tuổi ngoài 70. Kẻ lừa đảo gọi điện, nói là con trai của bà, thông báo bị mất túi trong đó có tờ séc của công ty và có thể bị đuổi việc nên cần gấp 10 triệu yên (83.700 USD). 

Bà Kogawa may mắn hơn những nạn nhân bị lừa đảo khác. Cụ bà 90 tuổi sống ở thành phố Toyohashi tại tỉnh Aichi, Nhật Bản nhận được điện thoại vào sáng một hôm cuối tháng 11 với người đầu dây xưng là cháu nội, nói bị đụng xe hơi và cần tiền gấp để bồi thường tai nạn.

Nếu không có người giúp việc có mặt ở đó gọi điện cho con trai cụ để báo vì thấy dấu hiệu khả nghi, bà Kogawa có thể đã mất 600.000 yên (5.000 USD) từ vụ lừa đảo này. 

"Ore-Ore" (tiếng Nhật có nghĩa là "tôi đây-tôi đây") là mánh lừa đảo đang có xu hướng gia tăng mà giới tội phạm kiếm hàng trăm triệu USD mỗi năm tại Nhật. Kẻ lừa đảo thường chọn người cao tuổi làm mục tiêu, gọi qua điện thoại xưng "con đây" hay "cháu đây", và "kể khổ" như bị mất tiền, tai nạn, phải trả viện phí, đầu tư thua lỗ, ra tòa… và cần tiền gấp.

Truyền thông Nhật đưa tin, một phụ nữ ngoài 70 tuổi bị lừa 10 triệu yên (hơn 83 ngàn USD) vào ngày 16/10/2015 tại thành phố Nagoya.

Sau khi thu xếp được kế hoạch nhận tiền, thường là ở một nơi công cộng như nhà ga và nhận bằng tiền mặt, kẻ lừa đảo sẽ gọi điện tiếp để nói rằng phải nhờ "bạn" tới nhận giúp vì đang quá bận. Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật cho biết số tiền lừa đảo dạng này lên tới 48.7 tỉ yên (hơn 400 triệu USD) vào năm 2014. Xã hội Nhật được xem là khá an toàn so với các nước khác, và không lắp nhiều hệ thống CCTV (camera theo dõi) nên việc truy lùng tội phạm trở nên khó khăn hơn.

Thủ đoạn của những kẻ phạm tội

Theo các chuyên gia phòng chống tội phạm, có một số lý do khiến dẫn đến tình trạng lừa đảo này. Tại Nhật, người cao tuổi thường không sống chung với con cái, và nhiều người trong số họ cảm thấy cô đơn, dễ vui mừng khi có người thân gọi điện. Do đó, tội phạm lợi dụng được thực tế này để chọn các cụ làm mục tiêu. Vì sống độc lập, người cao tuổi ở Nhật thường không nói chuyện với con cháu nên khó nhận biết giọng nói qua điện thoại. Nhiều người cao tuổi thậm chí không được minh mẫn do bị mất trí nhớ.

Tại Nhật, mặc dù chồng là người đi làm chính (khoảng phân nửa phụ nữ Nhật làm công việc nội trợ), người vợ thường quản lý tiền nong cho toàn bộ gia đình, kể cả việc chi tiêu của chồng. Điều này dẫn tới hoàn cảnh khi gặp khó khăn lớn về tài chính, không loại trừ khả năng người chồng có thể phải đi tìm sự trợ giúp từ "nơi khác", trong đó có mẹ mình.

Nhiều người cao tuổi ở Nhật có tài sản lớn nhờ tiết kiệm nhiều năm và lương hưu khá, do đó việc giúp đỡ người thân khi có khó khăn tài chính không phải là việc quá lớn. Và đa số người Nhật cảm thấy khó nói lời từ chối khi được đề nghị giúp đỡ. Nạn lừa đảo trên thực tế đã xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây, từng xảy ra ở thành phố lớn, nhưng nay lan tới các thành phố nhỏ hơn và cả vùng nông thôn. 

Các chiêu lừa đảo qua điện thoại khác như quảng cáo bán hàng giá rẻ, quyên tiền từ thiện… cũng khá phổ biến, nhưng chiêu "kẻ cắp lừa bà già" chiếm khoảng một phần ba các vụ lừa đảo qua điện thoại.

Nguyễn Lai (tổng hợp)
.
.
.