“Lừa tình” - Vấn nạn nan giải ở Mỹ

Thứ Tư, 18/03/2020, 17:58
Hiện nay có mạng Internet mà nhờ có nó, đã rút ngắn khoảng cách địa lý và thời gian để tạo điều kiện cho người ta có được cơ may tìm được “một nửa” của mình. Thế nhưng, Internet cũng là mảnh đất màu mỡ để những kẻ lừa đảo lợi dụng danh tính của các quân nhân Mỹ nhằm trục lợi bất chính.


Với nhiều người việc tìm được một “ý trung nhân” quả thực là một câu chuyện vô cùng khó khăn vì quỹ thời gian rảnh của họ thường rất có hạn. Song cũng thật may mắn là hiện nay có mạng Internet mà nhờ có nó, đã rút ngắn khoảng cách địa lý và thời gian để tạo điều kiện cho người ta có được cơ may tìm được “một nửa” của mình. Thế nhưng, Internet cũng là mảnh đất màu mỡ để những kẻ lừa đảo lợi dụng danh tính của các quân nhân Mỹ nhằm trục lợi bất chính.

Người Mỹ từ trước đến nay vốn dĩ rất tin tưởng vào quân đội nước mình. Nếu một người Mỹ hiện đang hoặc từng phục vụ trong quân ngũ thì ngay lập tức anh ta sẽ được mọi người xung quanh tin tưởng hơn. Chính vì thế mà nhiều kẻ lừa đảo mới lợi dụng lòng tin này để mạo danh là quân nhân Mỹ. Chúng tiếp cận những người phụ nữ độc thân qua các mạng xã hội như Facebook hay Twitter; và sau khi tạo dựng lòng tin thành công, kẻ lừa đảo sẽ ngỏ lời yêu với đối phương.

Cựu Thiếu uý hải quân Mỹ, Daniel Anonsen người từng nhiều lần bị các kẻ lừa đảo mạo danh.

Thế rồi, một thời gian sau đó, kẻ lừa đảo sẽ viện cớ rằng mình đang gặp khó khăn về tài chính, và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền ra nước ngoài. Thực tế cho thấy, trong hầu hết các trường hợp, nạn nhân nữ sẽ chuyển tiền vì họ tin tưởng vào người yêu của mình và tin ở quân đội Mỹ. Phải đến khi kẻ lừa đảo cắt đứt mọi liên lạc và “cao chạy xa bay” thì nạn nhân mới trắng mắt nhận ra rằng mình bị lừa.

Thủ đoạn “lừa tình” như trên không có gì là mới cả. Thậm chí tại hai đất nước Ghana và Nigeria, nơi tập trung nhiều kẻ lừa đảo qua mạng nhất thế giới, số tiền mà chúng lấy được hằng năm chiếm một phần quan trọng trong dòng ngoại hối quốc gia. Tuy vậy, việc giả danh quân nhân Mỹ để “lừa tình” là một thủ đoạn đặc biệt nham hiểm.

Không những  bọn lừa đảo dễ dàng lấy được lòng tin của nạn nhân như đã nói ở trên, mà khi nhà chức trách vào cuộc thì cũng khó mà tìm ra được manh mối chân tướng của chúng - quân đội Mỹ coi thông tin về nơi đóng quân tại nước ngoài của bất kỳ quân nhân nào cũng thuộc nhóm bí mật quân sự. Việc hợp tác giữa các cơ quan điều tra dân sự và Bộ Quốc phòng Mỹ để truy tìm thông tin của kẻ lừa đảo vì thế mà trở nên vô cùng khó khăn.

Hiểu rằng chỉ tự họ có thể bảo vệ bản thân, người Mỹ đang tìm cách tự trang bị thông tin cho mình. Quả thực thì có một số biện pháp khá đơn giản để một người có thể tránh bị “lừa tình”. Điều quan trọng nhất là không bao giờ gửi tiền cho ai cả, trừ khi gặp mặt họ trực tiếp. Mà vì những kẻ “lừa tình” hầu hết không phải người Mỹ, nên chúng sẽ không bao giờ hẹn gặp trực tiếp hay thậm chí là trò chuyện qua điện thoại với nạn nhân cả.

Một chút linh tính bản năng tối thiểu xem ra cũng rất là cần thiết với một người phụ nữ. Người phụ nữ nên tỏ ra nghi ngờ khi mà một người họ chỉ mới nói chuyện qua mạng Internet trong thời gian gần đây lại đột ngột ngỏ lời yêu, rồi sau đó dùng chiêu phỉnh phờ bằng việc đưa ra yêu cầu gửi tiền đến châu Phi hay Đông Nam Á.

Nhưng có vẻ như, trước sự tăng cường nêu cao tinh thần cảnh giác của số đông phụ nữ, những kẻ lừa đảo đang càng ngày càng trở nên tinh vi, gian xảo hơn. Chúng biết rằng, trong thời đại Internet này, để điều tra bất kỳ ai thì chỉ cần gõ tên cá nhân đó lên Google là sẽ có được thông tin về tên, tuổi, tiền sử, cá tính, v.v… của anh ta qua mạng xã hội.

Vậy là những kẻ lừa đảo bắt đầu lấy ảnh trên Facebook, Twitter, Instagram, v.v… của một số quân nhân đang đồn trú ở nước ngoài để lập ra các tài khoản mạng xã hội giả mạo. Chúng sẽ sử dụng những tài khoản này để liên lạc với nạn nhân. Khi nạn nhân nghi ngờ mà ngồi trước máy tính và sau đó gõ vào Google để kiểm tra, thì họ sẽ thấy thông tin thật của người quân nhân bị mạo danh. Đấy chính là cách mà nhiều kẻ lừa đảo đã thoát khỏi nghi vấn của nạn nhân.

Lấy ví dụ trường hợp của cựu Thiếu uý hải quân Daniel Anonsen. Anh này nhập ngũ vào năm 2006 và được triển khai đến vịnh Aden, một trong những điểm “nóng” nhất tại biển Arab. Daniel cũng là người thích hình xăm. Anh thường xuyên đăng ảnh những hình xăm trên người mình lên trang Instagram.

Thế rồi chính cái anh chàng Daniel ấy không thể ngờ được rằng, nhờ cái thú vui của bản thân mà đã có đến hàng chục kẻ lừa đảo khác nhau dùng những tấm ảnh của anh để tiến hành “lừa đảo” nhiều người phụ nữ nhẹ dạ cả tin. Phải đến khi một trong những nạn nhân liên lạc với Daniel thì anh ta mới ngã ngửa người nhận ra rằng danh tính của mình đã bị đánh cắp.

Tức giận trước hành vi bất nhân của những kẻ đã lợi dụng hình ảnh của mình, Daniel đã tìm đủ mọi cách để tìm ra danh tính thật sự của những kẻ lừa đảo, kể cả việc yêu cầu Cục Điều tra Tội phạm Hải quân Mỹ vào cuộc, nhưng rốt cuộc mọi nỗ lực của anh đều không đi đến kết quả.

Câu chuyện của Daniel Anonsen chỉ là một trong số 18.500 vụ “lừa tình” diễn ra tại Mỹ trong năm 2017 theo số liệu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ. Số tiền mà những kẻ lừa đảo kiếm được cũng đang trên đà tăng - chỉ trong vòng một năm 2018 mà chúng đã lừa được tổng số 362 triệu đô-la Mỹ, tăng 71% so với năm 2017. Đấy là chưa kể những tác động về tinh thần đối với nạn nhân. Những người phụ nữ bị lừa tình thì cảm thấy xấu hổ và hoàn toàn mất tự tin trong  chuyện tình cảm của mình. Còn các quân nhân như Daniel thì lúc nào cũng bị đặt trong trạng thái lo sợ. Theo như lời tâm sự đầy chua chát của Daniel thì: “…Tôi chỉ sợ rằng lúc tôi ra ngoài hẹn hò với vợ mình thì có một người phụ nữ lạ mặt đến bên cạnh tỏ ra như là người tình của tôi. Mỗi khi nghĩ đến điều đó, tôi lại chẳng muốn ra khỏi nhà nữa!”.

Vấn đề nghiêm trọng đến mức cả Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải vào cuộc. Hiện đã có chỉ thị cấm các quân nhân đang đồn trú tại nước ngoài chụp ảnh selfie và đăng lên mạng xã hội, đặc biệt là những tấm ảnh mà họ mặc quân phục. Mặt khác thì một số lớp dạy kỹ năng phòng tránh lừa đảo đã được mở ra miễn phí cho các quân nhân, gia đình của họ và bất kỳ ai có nhu cầu tham gia.

Đặc biệt nhất là Bộ Quốc phòng Mỹ đang cộng tác với trang web hẹn hò Zoosk để tạo một môi trường an toàn cho phụ nữ tìm kiếm “một nửa” của mình trong quân ngũ. Bất kỳ quân nhân nào muốn lập tài khoản trên Zoosk thì phải gửi ảnh và trích ngang lý lịch cá nhân cho ban quản lý trang web này để chứng minh mình đang ở trong quân ngũ. Nhờ thế mà những người phụ nữ có thể hoàn toàn tin tưởng rằng người đàn ông mình đang tiếp xúc là một quân nhân chứ không phải kẻ lừa đảo.

Tuy những động thái trên của chính quyền Mỹ thực sự đáng được hoan nghênh, ấy thế nhưng, tiếc thay, chúng chưa đủ để ngăn cản tình trạng nạn “lừa tình” đang lan tràn. Một vấn đề cấp thiết hiện nay là buộc được Facebook - mạng xã hội lớn nhất thế giới - phải sớm thực thi một số biện pháp chống lừa đảo trên nền tảng của mình.

Lý do mà Facebook từ trước đến nay vẫn không chịu phòng chống thông tin giả là vì nếu làm thế thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quảng cáo trên trang web, làm giảm nguồn thu của tập đoàn này. Cách duy nhất để Facebook chấp nhận những những biện pháp kiểm soát - loại trừ những kẻ giả danh quân nhân là Chính phủ Mỹ phải vào cuộc. Việc đưa được ông chủ Facebook Mark Zukenberg ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vào hồi năm ngoái là một bước đi đúng hướng, nhưng mà giới chức cầm quyền cần làm mạnh tay hơn để bảo vệ quyền lợi của người dân và quân nhân.

Việc loại trừ hoàn toàn những kẻ lừa đảo khỏi mạng Internet có lẽ là không thể. Mà thực tế cũng đã chứng minh rằng, chỉ dựa vào sự cảnh giác của mỗi cá nhân thôi thì vẫn chưa đủ. Vì vậy mà tất cả mọi thành phần trong xã hội, từ người dân, quân nhân đến cả các cấp lãnh đạo quân đội và quân đội Mỹ hãy chung tay phòng trừ hiện tượng “lừa tình” và đánh cắp thông tin cá nhân. Họ nên hiểu được rằng: Internet tuy đã đem lại nhiều lợi ích tích cực, nhưng cũng giống như xã hội ngoài đời thật, cái “trong” và cái “đục” bao giờ cũng vẫn cứ lẫn lộn trên các trang mạng xã hội khiến cho người ta khó mà “gạn đục khơi trong” một cách chuẩn chỉ như mình muốn được.

Lê Công Hội (tổng hợp)
.
.
.