Luật pháp bất vị thân

Thứ Sáu, 12/07/2013, 11:52

Dù ở cương vị nào, cao đến mấy mà vi phạm pháp luật thì sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Luật nước, luật trời và cả lòng dân không bao giờ có thể tha thứ cho một nhà lãnh đạo biến chất, coi thường pháp luật, trà đạp lên nhân phẩm và quyền lợi của quốc gia để làm giàu cho bản thân mình.

Hôm 8/7, Viện Công tố CH Czech đã yêu cầu Hạ viện truất quyền miễn trừ truy tố của cựu Thủ tướng Petr Necas để tiến hành thủ tục truy tố ông này vì tội tham nhũng và hoạt động gián điệp.

Vụ việc này cùng với sự kiện Tổng thống sắp mãn nhiệm của Iran Mahmoud Ahmadinejad bị triệu ra tòa theo đơn kiện của Chủ tịch Quốc hội Ali Larigiani và một Ủy ban thuộc Quốc hội cho thấy, ranh giới giữa quyền lực, luật pháp và công lý là rất mong manh. Và cán cân luật pháp không bao giờ bị lệch bởi những tác động bên ngoài hoặc những áp lực từ cấp cao.

Gần một tháng kể từ ngày ông Petr Necas đệ đơn xin từ chức, người dân CH Czech vẫn không thể tin được rằng, vị Thủ tướng mà họ thường mệnh danh là "Ngài trong sạch" lại liên quan đến một loạt bê bối tham nhũng, lạm dụng chức quyền và điều tra lén…

Mọi việc bắt đầu từ cuối tháng 5, khi cảnh sát thuộc đội đặc nhiệm chống tham nhũng đã tập kích văn phòng Thủ tướng cùng nhiều tòa nhà chính phủ khác, bắt giữ Chánh văn phòng Jana Nagyova cùng hai sĩ quan tình báo cấp cao vào 3 cựu thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội.

Cựu Thủ tướng CH Czech Petr Necas đã bị tước quyền miễn trừ truy tố vì bê bối liên quan đến người vợ đang ly dị.

Các kết quả điều tra cho thấy, ông Petr Necas đã lệnh cho bà Jana Nagyova hối lộ và yêu cầu các cơ quan tình báo nước này thực hiện một chiến dịch theo dõi trái phép nhằm vào người vợ đang ly thân của mình là Radka Necasova (47 tuổi). Ngoài ra, cựu Thủ tướng còn dính líu đến nghi án quan hệ tình cảm với Chánh văn phòng Jana Nagyova.

Theo lập luận của cơ quan điều tra, dù nghi ngờ vợ mình có những hành động không đúng thì ông Petr Necas cũng không thể lợi dụng chức vụ để phục vụ việc cá nhân. Hơn nữa, hành động theo dõi, nghe lén đối với một người khác là không thể chấp nhận được cho dù người đề nghị thực hiện hành động này đang ngồi ở vị trí quyền lực nhất trong chính phủ. Vì thế, nhiều khả năng, ngoài việc buộc phải từ chức, ông Petr Necas còn phải đối mặt với nguy cơ bị truy tố, đưa ra xét xử, thậm chí là ngồi tù.

Nhưng ông Petr Necas không phải là trường hợp cá biệt. Các con số thống kê mới nhất cho thấy, trong vài năm gần đây, số quan chức ra tòa ngày càng gia tăng, đặc biệt là đối với những người đang cầm quyền. Dường như luật pháp các nước bắt đầu thắt chặt mạnh hơn đối với việc xử lý những người vi phạm pháp luật và sẵn sàng bãi bỏ những đặc quyền cho quan chức, kể cả các nguyên thủ.

Như ở Italia, trong những năm còn làm Thủ tướng ông Silvio Berlusconi đã phải đối mặt với 8 lần hầu tòa với các tội danh khác nhau. Còn nếu tính trong suốt cuộc đời, kể từ khi còn kinh doanh cho đến lúc dấn thân vào con đường chính trị, cựu Thủ tướng Italia đã phải chi 290 triệu USD để thuê luật sư bào chữa cho 2.500 lần hầu tòa của mình với hơn 100 vụ việc.

Hồi tháng 10 năm ngoái, ông Silvio Berlusconi đã bị tuyên án 4 năm tù giam về tội trốn thuế và cuối tháng 6 vừa qua, ông lại nhận thêm 7 năm tù giam cho tội dùng tiền mua dâm một cô gái vị thành niên và lạm dụng chức quyền để che giấu sự việc. Ông cũng bị cấm giữ các chức vụ công cho đến hết đời. Còn tại Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân cũng bị kết án tử hình nhưng hoãn thi hành án 2 năm vì tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực.

Tổng thống sắp mãn nhiệm của Iran Mahmoud Ahmadinejad đã nhận được trát gọi của tòa theo đơn kiện của Quốc hội.

Trong khi đó, ở Iran, Tổng thống sắp mãn nhiệm Mahmoud Ahmadinejad đã bị triệu ra tòa theo đơn kiện của Chủ tịch Quốc hội Ali Larigiani và một Ủy ban thuộc Quốc hội. Mọi chuyện bắt nguồn từ mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa chính phủ và Quốc hội Iran và việc Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad bị cho rằng đã đẩy đất nước vào thế bị cô lập với cộng đồng quốc tế và suy yếu về kinh tế do các lệnh cấm vận ngặt nghèo của Mỹ và phương Tây.

Hay như ở CH Trung Phi, chính phủ cũng đã phát lệnh bắt giữ quốc tế đối với cựu Tổng thống Francois Bozize, hiện đang sống tị nạn tại Cameron vì "tội ác chống nhân loại" và "kích động diệt chủng". Với các tội danh trên, cựu Tổng thống 66 tuổi này có khả năng sẽ phải ra trước Tòa án hình sự quốc tế (ICC) tại The Hague.

Mà nói đến ICC thì người ta không bao giờ quên việc tòa án này ban lệnh bắt giam Tổng thống đương nhiệm Sudan Omar al Bechir về các tội ác chiến tranh và chống lại nhân loại tại Darfur hồi tháng 3/2009, đưa ông này trở thành Tổng thống đương nhiệm đầu tiên bị một toà án quốc tế ra lệnh bắt giam.

Rõ ràng, những gì đã, đang diễn ra ở CH Czech, Trung Quốc, Iran… cho thấy, đã đến lúc các nhà cầm quyền cần phải xem xét lại hoạt động quản lý của mình. Muốn trở thành một lãnh đạo tốt, trước hết xin hãy thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ và làm tốt công việc của mình khi còn tại vị. Xin đừng để lòng tham, đồng tiền và những sự xúi giục làm vấy bẩn tư cách và con người mà một nhà lãnh đạo cần phải có. Nếu được vậy, họ mới giành được tình cảm yêu mến, trân trọng của người dân.

Và dù ở cương vị nào, cao đến mấy mà vi phạm pháp luật thì sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Luật nước, luật trời và cả lòng dân không bao giờ có thể tha thứ cho một nhà lãnh đạo biến chất, coi thường pháp luật, trà đạp lên nhân phẩm và quyền lợi của quốc gia để làm giàu cho bản thân mình

Huyền Chi
.
.
.