Lực lượng 04: Nỗi kinh hoàng của phản động Fulro

Thứ Tư, 30/07/2014, 10:00

Được thành lập theo chỉ thị số 04 ngày 27/2/1977 của Bộ Chính trị, cái tên “lực lượng 04” cũng từ đó đã gắn liền với những người lính đặc biệt ấy. Họ là những người lính không quân hàm được chọn từ những thanh niên trẻ, khỏe, có nhiệt huyết và có cảm tình với cách mạng ở các buôn làng Tây Nguyên, với nhiệm vụ đặc biệt: Tìm và diệt Fulro. 

Oai hùng trong chiến trận

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, Nam - Bắc sum họp, non sông thu về một mối, những tưởng cuộc sống của nhân dân từ đây sẽ sang một trang mới của hòa bình và thịnh vượng. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ dã tâm chia cắt đất nước, phá hoại mối đoàn kết dân tộc. Chúng vực dậy các thế lực phản động ở khắp nơi trên đất nước, tiến hành khủng bố, đàn áp nhân dân. Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, bọn phản động Fulro được “hà hơi tiếp sức” nổi dậy chống phá chính quyền. Vào thời gian ấy, trên các tỉnh Tây Nguyên thường xảy ra cảnh giết chóc, cướp phá. Những chàng trai trẻ, đầy nhiệt huyết được sẵn sàng gia nhập vào lực lượng cách mạng mang biệt danh 04.

Trải qua thời gian huấn luyện về vũ khí, võ thuật và vận động quần chúng, họ được tăng cường cho các đơn vị Công an và trở thành những “thợ săn” Fulro tài tình nhất. Vào thời điểm ấy, lực lượng 04 được phân về mỗi đơn vị Công an huyện từ 40 đến 50 người, chịu sự chỉ huy chung của lãnh đạo Công an huyện và sự chỉ huy trực tiếp của một sỹ quan Công an. Khi có kế hoạch truy quét Fulro, họ được trang bị đầy đủ vũ khí, thậm chí là những vũ khí thuộc hỏa lực mạnh nhất của bộ binh thời bấy giờ như trung liên RPD, súng chống tăng B40, B41, súng phóng lựu M79… Thượng tá Lê Hữu Lành, Phó trưởng Phòng An ninh dân tộc công an tỉnh Đắk Nông nhớ lại: “Thời đó, khi đang còn là một cán bộ của Công an huyện Krông Năng (Đắk Lắk), tôi trực tiếp chỉ huy một nhóm lực lượng 04 gồm 47 đồng chí, đã tổ chức đánh nhiều trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tên phản động Fulro vũ trang, thu về rất nhiều vũ khí, đạn dược. Điều ấn tượng của tôi đối với anh em lực lượng 04 đó là sự hăm hở, nhiệt huyết, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nhiều khi đi truy quét trong rừng sâu, ăn cá khô, lá bép hàng tháng trời, sốt rét đến rụng hết cả tóc nhưng chỉ cần nghe lệnh là họ tức tốc lên đường”.

Công an tỉnh tổ chức gặp mặt các thành viên lực lương 04 cũ.

Nói về lực lượng 04, không thể không nhắc đến những chiến công mà họ đã lập nên trong sứ mệnh tìm và diệt Fulro. Những người dân ở xã Phú Xuân, huyện Krông Năng bây giờ chắc hẳn vẫn còn nhớ trận đấu súng nghẹt thở giữa lực lượng 04 và bọn phản động Fulro vũ trang vào một buổi chiều đầu tháng 4/1984. Hôm đó, từ nguồn tin của quần chúng cho biết, toán Fulro hơn 20 tên do Đại úy Y Ba (một ZG trưởng của lực lượng Fulro tại huyện Krông Năng) cầm đầu từ rừng ra đang tổ chức cướp phá tại một số ngôi nhà của người đồng bào Ê đê trong xã. Nhận lệnh chiến đấu từ cấp trên, lực lượng 04 lúc đó gần 30 người dưới sự chỉ huy của Thượng tá Lê Hữu Lành đã nhanh chóng tới hiện trường tổ chức đánh chặn, cứu nguy cho buôn làng. Thấy lực lượng vũ trang của ta đến, chúng đã điên cuồng chống trả, nhưng với bản lĩnh của những người lính được đào tạo bài bản, sau hơn 1 giờ đấu súng ác liệt, ta tiêu diệt được 5 tên Fulro cộm cán, thu giữ 5 khẩu AR15 và 1 khẩu M79. Riêng tên Đại úy Y Ba bị thương bỏ trốn vào rừng, ta tiếp tục truy đuổi và đến sáng hôm sau thì bắt sống được hắn khi đang tìm đường bò ra một đầm lầy để uống nước.

Ngoài nhiệm vụ tiêu diệt Fulro vũ trang, những người lính 04 thời ấy còn là những chuyên gia vận động quần chúng tài tình. Với lợi thế là người bản địa, họ “nằm lòng” từ phong tục, tập quán của người dân cho đến vị trí địa lý, địa hình nơi mình sinh sống. Sau những chuyến đi rừng kéo dài hàng tháng, họ lại trở về với buôn làng của mình, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”. Ngày ngày thủ thỉ trò chuyện, động viên những người mẹ, những người vợ có chồng con nghe theo lời kẻ xấu tham gia lực lượng Fulro và kêu gọi họ trở về để hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Chính nhờ đó mà trong giai đoạn 1977-1992, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông bây giờ đã có hàng trăm đối tượng Fulro vũ trang buông súng quay về với buôn làng. Họ là những thanh niên dũng mãnh, thật thà nhưng vì nghe theo lời độc của kẻ xấu mà bỏ nương, bỏ rẫy trốn vào rừng và quay súng bắn về phía buôn làng của mình. Trong số họ sau này còn có cả những người tình nguyện gia nhập lực lượng 04 hoặc trở thành cơ sở tin cậy của lực lượng Công an.

Gương mẫu trong thời bình

Là lực lượng ngoài biên chế của lự lượng Công an nên đến năm 1992, khi những toán Fulro vũ trang cuối cùng bị tiêu diệt, lực lượng 04 cũng được giải tán. Là những người lính một thời oai hùng trong chiến trận, nay trở về cuộc sống thường ngày, với nương rẫy họ là những đứa con cưng của buôn làng. Ngày ngày lên nương tỉa bắp, chăm sóc những vườn cà phê, cao su tươi tốt, phát triển kinh tế gia đình. Nhưng những thế lực chống phá vẫn không từ bỏ dã tâm ác độc, chúng âm mưu chia cắt Tây Nguyên với cả nước để thành lập cái gọi là nhà nước Đề Ga tự trị. Nhiều người nhẹ dạ cả tin đã nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu để rồi từ bỏ gia đình, bán nương, bán rẫy, tổ chức biểu tình rồi vượt biên trốn sang nước ngoài để đi tìm những miền đất hứa. Không thể để cái xấu ngang nhiên tồn tại, tàn phá buôn làng, những cựu binh lực lượng 04 lại phát huy vai trò tiên phong của mình, họ trở thành những người tin cậy nhất của lực lượng Công an, cùng với chính quyền địa phương tham gia các hoạt động quần chúng, vận động nhân dân không nghe theo lời kẻ xấu, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ hơn về đường lối, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước. Qua đó họ đã cùng với lực lượng Công an vạch trần dã tâm thâm độc của kẻ xấu, góp phần đảm bảo ANTT tại địa phương.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện còn 82 thành viên của lực lượng 04 cũ, phân bố ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh. Oai hùng trong chiến đấu, gương mẫu trong thời bình nhưng một điều trăn trở là có đến 90% thành viên lực lượng 04 có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn. Ví như Y Choi Ma Đăng, Y Sram Ma Tuyn ở huyện Đắk Mil phải đi làm thuê hằng ngày để kiếm sống. Hay Y Ven ở huyện Chư Jút gia cảnh éo le đến mức không có nhà để ở, vợ chồng con cái phải dựng tạm một cái lều trong rẫy làm chỗ trú thân…

Thượng tá Lê Hữu Lành, Phó trưởng Phòng An ninh dân tộc Công an tỉnh Đắk Nông chia sẻ: “Có trực tiếp tham gia chiến đấu cùng lực lượng 04 thì mới thấu hiểu được những gian khổ, hi sinh mà họ đã trải qua như thế nào. Những gì họ cống hiến cho Tổ quốc là hết sức to lớn, tuy nhiên cho đến bây giờ họ vẫn không nhận được một chế độ chính sách nào của Nhà nước. Hằng năm, Công an tỉnh chỉ tổ chức gặp mặt anh em lực lượng 04 một lần, qua đó tặng quà, động viên anh em cố gắng vượt qua khó khăn, xứng đáng với bản lĩnh của một người lính. Nhiều lần đi công tác, chứng kiến cuộc sống hiện tại của anh em mà chúng tôi không thể cầm lòng!”

Minh Tín
.
.
.