Lực lượng siêu nhận dạng của Cảnh sát Anh

Thứ Năm, 25/06/2015, 19:00
Để giúp quá trình điều tra, khám phá các vụ án được nhanh chóng, chính xác, Cảnh sát Anh đã khai thác, sử dụng có hiệu quả lực lượng siêu nhận dạng. Đó là những người có khả năng nhận dạng một cách "thần kỳ" khuôn mặt của một người trong số hàng ngàn người.
Cuộc tuyển chọn gắt gao

Ngày 28/8/2014, cô bé Alice Gross, 14 tuổi, mất tích tại phía Tây London. Em được nhìn thấy lần cuối cùng trên camera giao thông khi đi bộ dọc theo con kênh trong cơn mưa mùa hè. Sở Cảnh sát London đã triển khai lực lượng tìm kiếm lớn nhất kể từ năm 2005 với 600 người thuộc 8 lực lượng. 5 tuần sau, thi thể của Alice Gross được tìm thấy.

Cảnh sát Anh nghi ngờ Arnis Zalkalns, nhân viên công ty xây dựng Latvian là thủ phạm. 10 sĩ quan đặc biệt của Sở Cảnh sát London đã được huy động phục vụ điều tra. "Nhiệm vụ của những chuyên gia nhận dạng khuôn mặt này là xem kỹ đoạn băng ghi hình để nhận định về nạn nhân và nghi phạm. Cuối cùng, đã xác định chính xác nghi phạm của vụ án", Mick Neville, người phụ trách lực lượng pháp y của Cảnh sát London cho biết.

"Đối với những vụ án tương tự, đội ngũ siêu nhận dạng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với quá trình điều tra", ông  Mick Neville nói tiếp. Ông Mick Neville cho biết thêm, hiện cảnh sát Anh có 140 nhân viên siêu nhận dạng và đang có tham vọng sẽ có được 500 nhân viên tài năng trong lĩnh vực này thời gian tới. Hiện nay, Cảnh sát Anh cũng đang hỗ trợ cảnh sát Trung Quốc, Canada trong việc xây dựng lực lượng siêu nhận dạng".

Ông Mick Neville cho biết, việc tuyển lựa những nhân viên siêu nhận dạng là một quá trình rất khắt khe. Nhà tâm lý học Josh Davis của Đại học Greenwich là người đã giúp đỡ ông thực hiện kiểm tra, tuyển lựa các ứng viên 5 năm trước.

"Chúng tôi sử dụng hình ảnh của 6 người, dùng kỹ thuật làm thay đổi thành bức ảnh đen trắng và yêu cầu các ứng viên quan sát trong ít phút. Sau đó, các ứng viên phải tìm ra họ trong tổng số 100 bức ảnh màu khác. 250 nhân viên cảnh sát tham gia cuộc kiểm tra và có 8 người xuất sắc nhất, cùng hơn 10 người đạt mức trên trung bình", ông Davis nói.

 Chẳng bao lâu sau khi tiến hành đợt thử nghiệm, một số cuộc bạo loạn đã xảy ra ở London vào năm 2011. 20 nhân viên siêu nhận dạng đã được huy động hỗ trợ cảnh sát. Với tổng cộng khoảng 5.000 hình ảnh được ghi lại, các siêu nhận dạng đã xác định 609 nghi phạm, 65% trong số đó đã phải hầu tòa.

Lực lượng siêu nhận dạng đã giúp cảnh sát Anh xác định được nhiều nghi can trong các vụ bạo loạn xảy ra ở London năm 2011.

Những tài năng xuất chúng

Gary Collins, một sĩ quan cảnh sát khiêm tốn được đánh giá là tài năng kiệt xuất của Cảnh sát Thủ đô. "Tôi chưa bao giờ nghe đến thuật ngữ siêu nhận dạng cho đến khi trải qua đợt tuyển lựa và được huy động vào việc nhận dạng nghi phạm trong các cuộc bạo loạn. Tôi yêu thích nghệ thuật và từng làm việc thiết kế đồ họa trước khi tham gia lực lượng cảnh sát. Có lẽ, vì công việc này nên tôi luôn có sự quan tâm đặc biệt đến các chi tiết hoặc nhận dạng hình mẫu", Gary Collins nói.

Collins kể lại, anh đã xác định chính xác một người đàn ông có tên là Stephen Prince tham gia cuộc bạo loạn. Stephen Prince đã đột nhập vào cửa hàng, cướp máy ảnh, lấy xe đạp, ném bom xăng vào cảnh sát, đốt xe. Tuy nhiên, trong những cảnh mà camera ghi lại được, Stephen Prince luôn che mặt, chỉ hở duy nhất đôi mắt.

Collins và những đồng nghiệp đã xem kỹ các đoạn phim quay người đàn ông này, cố gắng tìm kiếm những nét đặc trưng trên khuôn mặt nhưng không thể. Một thời gian dài sau đó, Collins đã nhận ra Stephen Prince trong một bức ảnh khác qua đôi mắt của Stephen Prince. Stephen Prince đã phải hầu tòa với bản án 6 năm tù giam.

Cán bộ trại giam Idris Bada cũng là một gương mặt "đình đám" trong lực lượng siêu nhận dạng của Anh. "Trong những năm qua, tôi đã nhận dạng thành công khoảng 300 trường hợp. Với mỗi người, tôi luôn cảm thấy cái gì đó đặc biệt trên khuôn mặt, ví dụ sự đặc biệt ở đôi tai, một vết sẹo chẳng hạn…

Những chi tiết đó đã đánh thức suy nghĩ trong tôi, kết nối với những người phạm tội", Idris Bada nói. Bada mô tả quá trình nhận dạng của mình như quy trình hoạt động của máy ảnh. "Nó giống như khi nhìn vào một hình ảnh tiêu cực, sau đó tôi nhắm mắt lại và nhìn vào tờ giấy trắng, mọi thứ bắt đầu được tái hiện lại", Idris Bada cho biết.

1% dân số có thể trở thành nhân viên siêu nhận dạng?: Tháng 11/2011, Ash Jansari, nhà tâm lý học tại Đại học East London, đã tiến hành một trong những nghiên cứu lớn nhất về khả nhận dạng của con người. Hơn 700 khách đến Bảo tàng khoa học London, độ tuổi từ 6 đến 74, đã được mời tham gia cuộc thử nghiệm.

Với cách làm tương tự như cảnh sát Anh đã thực hiện để tuyển lựa lực lượng siêu nhận dạng, ông Ash Jansari đã đưa ra kết luận: 7 người trong số 700 người (1%) có thể đạt đến mức siêu cao thủ về nhận dạng.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.