'Lưới trời' dựng ở cao nguyên

Thứ Tư, 12/08/2015, 07:00
Có đi xuyên Tây Nguyên bằng ô tô mới thấy hết cái ngút ngát của đồng đất xứ này. Vào mùa khô, đất ba zan bốc lên những đám mây màu gạch, khi lốp xe  trào trạo trèo trên những con đường dài hun hút. Cao nguyên bao la, đủ chỗ cho hàng vạn người tứ xứ đến khẩn hoang, làm rẫy, sinh cơ lập nghiệp hay lao động thời vụ. Ẩn thân trong rừng núi Trường Sơn để che giấu đi quá khứ tội lỗi, là sự lựa chọn số 1 của nhiều tên tội phạm ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung hay ĐBSCL, khi chúng quyết định gây án.

Cùng đến… cao nguyên

Hồi còn làm Cảnh sát hình sự, không ít lần chúng tôi kéo nhau vào Tây Nguyên trong những chuyến "đi săn" dài cả tháng. Mùa mưa ở cao nguyên thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11,12, với những cơn mưa như trút kéo cả tuần. Sông suối trên miền đất ba zan khi ấy chỉ một màu đỏ quạch, cuồn cuộn gào thét. Lặn lội xác minh truy bắt trong những tháng ngày đó, cực không thể tả xiết. Đường đất đỏ nhão nhoét trơn như mỡ đổ, nơi thì bùn đỏ lụt ngang đầu gối. Có lần đi qua chiếc "cầu" làm bằng một thân gỗ bắc ngang dòng lũ cuồn cuộn bên dưới, nhiều khuôn mặt đã tái đi, mồ hôi rịn ra bởi chỉ một cái sảy chân, anh em sẽ không biết phải tìm nhau nơi đâu.

Các buôn làng cách nhau xa lơ xa lắc, đường trơn trượt chỉ còn cách lếch thếch cuốc bộ, di chuyển trên đôi chân ngâm bùn nên tốc độ rùa bò. Thành thử, mới giữa trưa mà anh em đã phải nghĩ xem tối nay sẽ vạ vật, tá túc chỗ nào. Bởi nếu tính không kỹ, chuyện ngủ đêm trong rừng hay đồi hoang là điều hoàn toàn có thể xảy ra, đồng nghĩa với việc ôm bụng đói chờ sáng. Đã có những đêm lỡ độ đường, anh em đành trùm manh vải đi mưa qua đầu, ngồi thu lu trong mưa giông sấm sét mịt mù.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng PC52 - CA tỉnh Nghệ An với một số đối tượng truy nã bắt tại Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.

Với những kẻ trốn chạy thì những nơi hẻo lánh hoang sơ luôn là chỗ lý tưởng để ẩn náu và sống một cuộc đời mới trong một vỏ bọc khác. Bởi vậy, Tây Nguyên luôn là điểm đầu tiên mà chúng nghĩ tới, khi bắt đầu hành trình đào tẩu. Tội phạm trốn nã vào Tây Nguyên thường ẩn mình rất kỹ trong các nương rẫy cà phê, tiêu, điều… hay vùng khai thác gỗ lậu, vùng giáp biên. Chúng kiếm ăn qua ngày bằng cách làm thuê cho người dân nơi đây.

Vào mùa vụ thu hoạch nông sản, khắp dải Tây Nguyên có tới hàng vạn con người từ thập phương đổ về để làm thuê thời vụ. Chủ rẫy chẳng bận tâm xem kẻ làm công tên tuổi thế nào, gốc gác ra sao, miễn là có sức lao động thì được trả công. Điều này tạo thuận lợi cho những kẻ trốn chạy và làm cho công tác quản lý cư trú trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, việc tìm kiếm đối tượng truy nã trà trộn trong đám người lao động tự do quả như "mò kim đáy biển".

Để vượt lên trên tất cả trở ngại này, chỉ còn một cách, đó là lòng kiên trì, bền bỉ, không quản ngại gian khổ, chấp nhận đương đầu sống chết để theo dấu mục tiêu. Mà muốn có điều ấy, không thể gì khác ngoài một tình yêu, niềm đam mê công việc bỏng cháy trong từng người lính làm công tác truy nã tội phạm.

Đường trần xuôi ngược

Trong lần trò chuyện, Đại tá Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC 52), Công an TP Hà Nội kể với tôi rằng, lính của ông vào miền Nam, Tây Nguyên "như đi chợ", nhưng với cách làm hoàn toàn khác xưa. Đó là không cử từng nhóm đi lẻ, mà các đơn vị của Công an TP Hà Nội tập hợp danh sách đối tượng đang có thông tin ở phía Nam, để PC52 thành lập cả đoàn công tác gồm hàng chục CBCS cùng lên đường một chuyến.

Vào đến nơi mới tách nhỏ đội hình, các mũi phối hợp với PC52 các địa phương để tổ chức xác minh truy bắt. Cách làm này vừa tiết kiệm được nhân lực, vật lực, mà vẫn bảo đảm được hiệu quả công tác. Có chuyến họ đi 6 ngày, bắt được 9 đối tượng. Được biết, Phòng PC52 Hà Nội là một trong những đơn vị có thành tích xuất sắc nhất toàn quốc trong công tác bắt và vận động đối tượng truy nã ra đầu thú.

Cuối năm 2014, CBCS Phòng PC52- Công an tỉnh Nghệ An từ miền Nam trở về với một "xâu" 12 tên tội phạm truy nã. Trong đó có nhiều tên đặc biệt nguy hiểm đã trốn lên Tây Nguyên. Điển hình như tên Vũ Đình Tuyến, kẻ bị truy nã "đặc biệt toàn quốc" về tội "Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy" từ năm 1995. Quá trình 19 năm Tuyến lẩn trốn, là 19 năm lực lượng truy nã tội phạm không ngừng cày xới mọi thông tin về y. Để rồi cánh lính tầm nã đã "bốc" chính xác kẻ đào tẩu này khi y đang "ẩn sâu, trốn kỹ" trên núi rừng Đăk Lắk.

Vừa qua, vào ngày 15/7/2015, đơn vị này tiếp tục đặt dấu chấm hết cho hành trình gần 20 năm trốn chạy của Nguyễn Tất Thắng (ở Yên Thành, Nghệ An)- kẻ mang trên mình Lệnh truy nã (đặc biệt) về tội "Cướp tài sản" và "Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng" từ năm 1996. Cái khó trong cuộc truy bắt này, là vào thời điểm gây án Thắng chưa từng có bất kỳ một hình ảnh nào được lưu lại bằng giấy tờ tùy thân, hay trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan chức năng.

Đối tượng Nguyễn Tất Thắng (ở Yên Thành, Nghệ An) bị bắt giữ tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Với gia đình, y cũng cắt liên lạc, "biệt vô âm tín" kể từ lúc trốn chạy khỏi địa phương. Không thể thống kê đã có bao nhiêu cuộc ra quân săn lùng tên tội phạm nguy hiểm này rồi trở về "tay trắng", nhưng những người lính truy nã của PC52 Công an Nghệ An không nản. Đến đầu tháng 7/2015, có tin ở tại xã Nậm Ndir (huyện Krông Nô, Đăk Nông) phát hiện một người Nghệ An có nhiều điểm tương đồng với đối tượng đang "săn", một tổ công tác PC52 Công an Nghệ An do Thượng tá Nguyễn Thành Trung (Phó trưởng phòng) trực tiếp chỉ huy đã tức tốc lên đường. Vượt hơn 1 nghìn cây số, họ đã có mặt để tra còng vào tay tên Thắng, khi y đang làm bảo vệ của một trường mầm non mà vợ là hiệu trưởng. 

Trung tá Nguyễn Quốc Bảo, Đội trưởng Đội 3 (PC52) kể: "Sau khi gây án, thấy lực lượng Công an đã lần ra manh mối và bắt các đối tượng đồng phạm, Thắng đã nhanh chân bỏ trốn khỏi địa phương và giấu mình ở vùng núi cao hẻo lánh Nậm Ndir này. 

Để kiếm sống và tránh sự phát hiện, truy bắt của lực lượng chức năng, y xin làm thuê cho các chủ rẫy cả phê sâu trong rừng núi cao nguyên, cắt liên lạc hoàn toàn với gia đình, hạn chế tiếp xúc, nói chuyện với người khác. 

Thời gian trốn nã, y làm quen với một cô giáo mầm non ở đây rồi nên vợ, nên chồng, bắt đầu cuộc sống mới. Khi Thắng bị bắt, chị vợ đã bàng hoàng chết ngất, bởi người mà chị đã bao năm sống chung lại là tên tội đồ nguy hiểm trốn nã".

Những "mẻ cá" đầy

30 năm sau ngày xảy ra vụ án "Giết người", "Cướp tài sản" đặc biệt nghiêm trọng ở thôn Ngọc Liễn, xã Đại Hà, Đồ Sơn (Hải Phòng), mới đây những tên sát thủ cuối cùng trong băng cướp máu lạnh ấy đã bị bắt gọn, bởi lòng quyết tâm sắt đá của các trinh sát Phòng PC52 - Công an TP Hải Phòng.

Người dân ở xã A Ekly, huyện K.Rông Pắc, tỉnh Đắk Lắk không lạ gì ông Trần Văn Duy, bố của 3 người con học hành giỏi giang, bản thân ông là người hiền lành, ít nói, quan hệ tốt với hàng xóm láng giềng. Chỉ đến khi ông ta bị tổ công tác PC52 Hải Phòng "ốp" từ rẫy đưa lên UBND xã làm việc, mọi người mới "té ngửa" bởi đây chính là Nguyễn Văn Nguyên - kẻ mà 30 năm trước cùng đồng bọn đã lạnh lùng bắn chết nạn nhân để cướp đi chiếc đài cát-xét 6060.

Các đối tượng Nguyễn Văn Nguyên và Nguyễn Dương Thọ bị bắt sau hơn 30 năm lẩn trốn ở Tây Nguyên.

Trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, có 2 sát thủ cùng "sổng" lưới. Đó là Nguyễn Văn Nguyên và Nguyễn Dương Thọ. Sau khi Nguyên bị bắt về trả án thì Thọ là tên cuối cùng sót lại. Món nợ cuối vẫn canh cánh trong lòng CBCS PC52 Hải Phòng khiến những cuộc săn lùng chưa bao giờ dừng lại.

Cuối cùng một thông tin "quý hơn vàng" đã đến tai trinh sát: Thọ đang sống dưới vỏ bọc là Nguyễn Đức Bình, (Sinh năm 1958, quê quán ở xã Trường Thọ, huyện An Lão, TP Hải Phòng). Điều gây bất ngờ hơn nữa, là Thọ cũng sống tại xã E Akly, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk với Nguyên. Vì cùng xã nên khi biết chuyện Nguyên bị bắt,  ngay lập tức Thọ "bán xới" khỏi địa phương.

Hơn một năm trôi qua, các biện pháp nghiệp vụ vẫn được lực lượng trinh sát âm thầm triển khai để giám sát gia đình Thọ ở xã E Akly. Để rồi vào ngày 15/5/2015, có tin gia đình Thọ sẽ tổ chức đám giỗ, nhiều khả năng y sẽ mò về vì thấy tình hình đã yên ổn, một tổ công tác PC52 Công an TP Hải Phòng tức tốc hành quân vào Đắk Lắk, phối hợp với Công an địa phương tổ chức mật phục đón lõng. Quả đúng dự đoán, kết quả là đợt về nhà ăn giỗ của Thọ đã trở thành chuyến đi trả án, chấm dứt hành trình hơn 32 năm sống ngoài vòng pháp luật của y.

Hành trình trở về Hải Phòng của tổ công tác, ngoài Thọ, còn có thêm một đối tượng đặc biệt khác. Đó là Trần Văn Chung (tức Chung "ôn) - kẻ chủ mưu giết hại Thiếu tá Bùi Tiến Tường (Phó trưởng công an phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) vào ngày 2/8/2005, khi anh dũng cảm ngăn chặn cuộc thanh toán giữa hai băng nhóm giang hồ đất Cảng.

Đối tượng Trần Văn Chung (tức Chung "ôn")  bị bắt giữ tại Đắk Lắk.

Vụ sát hại dã man Thiếu tá Bùi Tiến Tường đã thôi thúc trinh sát PC52 Công an TP Hải Phòng hạ quyết tâm bằng mọi giá phải bắt được Chung "ôn". 10 năm ròng theo dõi, đúng vào những ngày tổ công tác đang ở Đắk Lắk "săn" tên Thọ thì có tin Chung "ôn" chuẩn bị vào Buôn Ma Thuột. Kế hoạch đón lõng hoàn hảo được triển khai. 

Khi bị đưa từ khách sạn lên trụ sở Công an phường Thắng Lợi, nghĩ rằng ở Tây Nguyên không ai biết mình, Chung "ôn" tự tin "diễn kịch", khai mình là người Trung Quốc, với đủ loại giấy tờ tùy thân do Trung Quốc cấp. Chỉ khi trinh sát PC52 Hải Phòng bước vào gọi y đúng hỗn danh Chung "ôn", tên sát thủ mới sững sờ rồi tái mặt, lầm lũi tra tay vào còng.

Đào Trung Hiếu
.
.
.