MH370 Vẫn mãi là bí ẩn?

Thứ Tư, 01/11/2017, 07:26
Ba năm 7 tháng đã trôi qua kể từ khi chuyến bay MH370 của Hãng Hàng không Malaysia Airlines mất tích, Cục An toàn giao thông Australia (ATSB) - Cơ quan điều phối công tác tìm kiếm - đã công bố báo cáo cuối cùng về vụ mất tích này.


Báo cáo của ATSB về số phận chiếc máy bay Malaysia Airlines bị mất tích có nhiều điều kỳ quặc và huyền thoại đáng nghi ngờ, và chỉ cho thấy một điều chắc chắn: Đã hơn 3 năm trôi qua, chúng ta vẫn "không biết làm sao, không biết tại sao".

Không nằm trong khu vực tìm kiếm

Thông tin nổi bật nhất trong báo cáo cuối cùng của Australia về việc tìm kiếm chuyến bay MH370 của Hãng Hàng không Malaysia là lời khẳng định với một "sự chắc chắn cao" rằng chiếc Boeing 777 với 239 người trên khoang “không nằm trong khu vực tìm kiếm”.

Diện tích khu vực tìm kiếm ban đầu dự kiến là 60.000 km2. ATSB bắt đầu cuộc tìm kiếm vào đầu tháng 10-2014, gần 6 tháng sau khi các cuộc tìm kiếm trên không và trên mặt biển kết luận không thành công. Để thực hiện việc tìm kiếm dưới mặt nước, trong lòng đại dương bao la, ATSB đã huy động tất cả các phương tiện dò tìm tối tân nhất hiện có, kể cả tàu ngầm robot tự hành để dò đáy đại dương.

Đến tháng 4-2015, với hơn 40% diện tích khu vực t́m kiếm chưa được lục soát, 3 nước liên quan trong cuộc tìm kiếm (Australia, Malaysia, Trung Quốc) đã quyết định mở rộng phạm vi tìm kiếm thêm 60.000 km2, nâng tổng diện tích phu vực tìm kiếm lên 120.000 km2. Khu vực tìm kiếm đã được khu biệt về Nam Ấn Độ Dương, dọc theo “Cung số 7” nằm ngoài khơi Tây Nam Australia, cách bờ biển 2.500 km, kéo dài xuống đến khu vực giữa Vĩ tuyến 33 và 36 độ Nam.

Nhưng sau nhiều nỗ lực vô vọng, đến tháng 12-2016, ATSB thông báo “tin rằng xác chiếc máy bay sẽ không tìm thấy ở Cung số 7”, do đó cơ quan này đề xuất dời khu vực tìm kiếm xuống Vĩ tuyến 33-36 độ Nam. Diện tích khu vực tìm kiếm cũng được thu hẹp lại còn 25.000 km2. Tuy nhiên, sau tất cả những nỗ lực, chúng ta lại quay về con số 0.

“Không thể chấp nhận được”

Báo cáo có chứa một số thứ kỳ quặc. ATSB công bố một bản vẽ do Malaysia cung cấp, cho thấy khoảng 20 mảnh vỡ được tìm thấy ở Tây Ấn Độ Dương, mặc dù hầu hết các mảnh này không được xác nhận thuộc MH370 và một số đã được tìm thấy trong hoàn cảnh có vấn đề. Đặc biệt kỳ lạ là "ATSB đã xác định không cần có phân tích của Boeing" đối với các mảnh vỡ. Cho đến nay, mới chỉ có 3 mảnh vỡ xác định là của MH370 được tìm thấy khi chúng trôi dạt vào bờ biển phía tây Ấn Độ Dương, trong đó có một phần cánh lái máy bay dài 2 m.

“Nguyên nhân MH370 biến mất không thể được xác lập một cách chắc chắn cho đến khi chiếc máy bay được tìm thấy. Điều này hầu như là không tưởng và chắc chắn là không thể chấp nhận được trong kỷ nguyên hàng không hiện đại... khi một chiếc máy bay thương mại lớn bị mất tích và thế giới không biết chắc điều gì đã xảy đến với nó và những người có mặt trên chuyến bay”, báo cáo của ATSB thừa nhận.

Có lẽ “điểm sáng” lớn nhất trong bản báo cáo dài 440 trang đó là ghi nhận “hiểu biết về nơi mà MH370 có thể đang hiện diện giờ đây là khá hơn bao giờ hết”. Báo cáo viết: “Cuộc tìm kiếm dưới nước đã loại bỏ hầu hết các khu vực có khả năng cao được xác định bằng việc mô phỏng lại đường bay của máy bay và các nghiên cứu về sự trôi dạt của mảnh vỡ được tiến hành trong 12 tháng qua đã xác định khu vực có khả năng cao nhất với độ chính xác tăng dần”.

Trung Quốc chỉ góp 10% chi phí

Báo cáo cũng cho biết chi tiết chi phí tìm kiếm 154 triệu USD được chia sẻ giữa Malaysia (58%), Australia (32%) và Trung Quốc. Trung Quốc chỉ đóng góp 10%, mặc dù 2/3 số hành khách là người Trung Quốc, cho thấy Bắc Kinh có ít niềm tin vào việc tìm kiếm. Mặc dù vậy, việc tìm kiếm không phải là hoàn toàn lãng phí - việc lập bản đồ 700.000 km2 đáy biển chưa được khám phá sẽ có ích cho ngành công nghiệp dầu khí và đánh cá.

Theo một nghĩa nào đó, báo cáo cuối cùng của  Australia phản ánh bình luận của Ahmad Jauhari Yahya, Giám đốc điều hành của Malaysia Airlines vào tháng 3-2014, sau khi công bố MH370 bị mất tích: "Chúng tôi không biết làm thế nào, chúng tôi không biết tại sao thảm kịch này lại xảy ra". Sau 3 năm tìm kiếm, chúng ta vẫn không biết thế nào, không biết tại sao.

Gia Huy
.
.
.