MOP - Bom làm long óc

Thứ Sáu, 16/12/2016, 12:11
Mỹ khoe có một loại vũ khí khủng: bom gây chấn động óc, làm long óc. Ðó là “Ðạn xuyên cỡ lớn” Massive Ordnance Penetrator (MOP), được cho là có thể xuyên thủng và phá tan cơ sở hạt nhân ngầm của Iran.


Theo giới truyền thông phương Tây, trước khi Iran và nhóm P5+1 gồm: Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và Đức đạt được thỏa thuận hạt nhân nhằm ngăn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân (VKHN), Mỹ đã chuẩn bị kế hoạch B.

Nếu thỏa thuận đổ vỡ , “kế hoạch B” của Mỹ là sử dụng MOP để “xử lý” chương trình vũ khí hạt nhân của Tehran.

Kế hoạch gồm dùng tên lửa hành trình và máy bay ném bom tàng hình oanh kích các cơ sở hạt nhân Iran, nhà máy làm giàu uranium ở Natanz, lò phản ứng nước sâu ở Arak và “pháo đài ngầm” Fordow làm giàu uranium được xây bằng bê-tông cốt thép.

Mỹ bắt đầu bí mật phát triển MOP năm 2004, khi quân Mỹ lùng săn trùm khủng bố Osama Bin Laden trong các hang núi phía đông Afghanistan, phát hiện nhiều chỗ sâu đến độ các loại bom hiện nay không xuyên tới.

Các nhà chiến lược nói MOP có thể làm tê liệt các cơ sở hạt nhân được xây như “pháo đài ngầm” Fordow.

Năm 2008, không quân Mỹ thử ném một quả MOP vào một tòa nhà nhiều tầng có hầm ngầm và đường ngầm sâu. Sự phát triển MOP tăng tốc năm 2010, sau khi phát hiện Iran có “pháo đài ngầm” Fordow sâu trong một ngọn núi gần thành phố Qom hồi năm 2009.

Từ đó,  quân đội Mỹ chi ít nhất 400 triệu USD (gồm 40 triệu USD trong năm 2015) để tạo và nâng cấp 20 quả bom, theo tài liệu ngân sách quốc phòng.

MOP là bom phi hạt nhân, sản xuất năm 2011, có khả năng xuyên đất lớn nhất thế giới và phá tan bất kỳ hầm ngầm sâu nào.

Mỗi quả MOP nặng 15 tấn, tức nặng hơn bất kỳ loại bom Mỹ nào những 5 tấn. MOP có chiều dài 6,25 m, đường kính 80 cm, riêng khối thuốc nổ nặng 2.400 kg và nó có thể đâm xuyên 60m đất.

Một máy bay ném bom B-2 tàng hình (tránh được radar) có thể chở 2 quả MOP.  Sau khi thả bom, chiếc B-2 bắn một chùm laser để xác định bề nổi của hầm ngầm, và quả bom sẽ đâm thẳng xuống với tốc độ âm thanh, khối thuốc nổ xuyên phá trước khi đầu đạn được kích hoạt làm nổ tung hầm ngầm.

Theo trang Politico, Mỹ đã có ít nhất 3 lần tập thả MOP trên sa mạc New Mexico. Một cựu quan chức Lầu Năm Góc nói sau khi xem đoạn phim quay cảnh thử bom này: “Nó làm long óc ra từng mảng” !.

Báo The Wall Street Journal (WSJ) cho biết, lần thử nghiệm MOP mới nhất hồi trung tuần tháng 1-2015, khi bom “khủng” được một chiếc B-2 trị giá 2 tỷ USD thả tại một bãi thử trên một vị trí bí mật ở Mỹ, sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Whiteman ở bang  Missouri.

Năm 2012, WSJ từng nêu: Các nhà hoạch định chiến tranh Lầu Năm Góc đã kết luận: bom khủng 15.608 tấn chưa đủ mạnh để tiêu diệt cơ sở hạt nhân xây bền cứng dưới đất của Iran, và cần phải nâng cấp quả bom này cùng hệ thống hướng dẫn của nó.

Năm sau, WSJ nêu loại vũ khí này đã được thiết kế lại rồi được thử nghiệm. Các quan chức cấp cao Lầu Năm Góc nói kết quả là quả bom “khủng” có khả năng đâm xuyên phá hơn vào các cơ sở hạt nhân của Iran hoặc của CHDCND Triều Tiên.

Họ nói việc cải thiện MOP đang tiếp tục, nhưng loại vũ khí này tỏ ra hiệu quả trong các cuộc thử, làm giảm nhẹ những lo ngại của hai năm trước.

Lầu Năm Góc thiết kế MOP với ý tưởng dùng hàng loạt bom “khủng” này tấn công những “pháo đài ngầm” như “pháo đài ngầm” Fordow của Iran: nó được xây trong một ngọn núi để không bị Mỹ hoặc Israel ném bom. Lò phản ứng hạt nhân ở Fordow bị nghi làm giàu uranium vốn có thể dùng vào việc sản xuất vũ khí hạt  nhân.

Trang Politico nói khó hủy diệt Fordow hoàn toàn nếu không ném nhiều MOP vào cùng một vị trí đã chọn, để bảo đảm các quả bom có thể xuyên thủng cả hai sườn núi và lớp vỏ bọc dày của Fordow trước khi kích nổ.

Để tiêu diệt hoặc làm tê liệt các cơ sở ngầm, Lầu Năm Góc tính đến việc hướng dẫn 2 MOP hoặc hơn phóng vào cùng một điểm để mở rộng sức xuyên phá  của quả bom này. Chiếc thứ nhất mở đường cho chiếc thứ hai đánh, nâng cao khả năng xuyên phá của hai quả bom.

Một quan chức giấu tên nói với WSJ: sức công phá của MOP rất mạnh, phóng 2 MOP hoặc hơn vào cùng một chỗ sẽ có tác động hủy diệt chưa bao giờ có, từ một loại vũ khí phi hạt nhân.

Iran có thể dùng biện pháp nhiễu điện tử để buộc bom đang bay tới phải trật khỏi mục tiêu. Lầu Năm Góc đã cải thiện khả năng của MOP có tính tàn phá nhất. Để đạt độ chính xác cao, các biện pháp chống nhiễu điện tử hệ thống hướng dẫn được gắn lên MOP.

Các quan chức nói những biện pháp chống nhiễu điện tử, kết hợp sự cải thiện của hệ thống hướng dẫn MOP, sẽ cho phép nó bay tới trúng mục tiêu với độ chính xác cao, giống như các bom điều khiển nhỏ hơn hiện nay trong kho vũ khí của Mỹ.

Mỹ chỉ muốn hù Iran ?

Có những hạn chế khiến người ta nghĩ rằng Mỹ chỉ hù Iran bằng bom khủng chấn động óc. Các quan chức Mỹ nói quả bom khổng lồ này chưa hề sử dụng trong chiến tranh này là thành phần chủ đạo trong chiến lược ngăn chặn Iran phát triển VKHN. Nhưng họ nói vẫn còn những khác biệt về các chi tiết kỹ thuật. 

 Tổng thống Mỹ mãn nhiệm Barack Obama từng nói rõ không muốn ra lệnh một cuộc tấn công, cảnh báo việc Mỹ oanh kích hệ thống phòng không Iran và các cơ sở hạt nhân sẽ tạo ra một cuộc chiến tranh gây bất ổn mới ở Trung Đông.

Cách đánh bằng MOP chỉ có thể khiến Iran bị chậm trễ vài năm nếu Tehran chọn cách sở hữu một quả bom hạt nhân.

Ngày 1-6-2015, ông Obama nói trên kênh truyền hình Israel: “Một giải pháp quân sự sẽ không sửa được. Một cuộc tấn công sẽ chỉ tạm làm chậm chương trình hạt nhân Iran, chứ không loại trừ được nó”.

Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói chưa xem xét kế hoạch nào, gồm kế hoạch dùng MOP, và tấn công bằng MOP không chặn được Iran xây lại cơ sở hạt nhân. 

Theo CNN, Mỹ công khai MOP là cách Mỹ hù Iran, dù một số quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo chớ xem thường khả năng quân sự của Mỹ, ngay cả khi MOP không thể kết thúc chương trình hạt nhân Iran. 

Tháng 7-2015, Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng liên quân Mỹ (JCS) nói Mỹ có thể oanh kích - kể cả bằng MOP - nếu Iran có một quả bom hạt nhân.

Tháng 4 cùng năm, ông Carter nói với CNN: “Chúng tôi có khả năng tiêu diệt cơ sở hạt nhân Iran, và tôi tin Iran biết và hiểu điều đó. Và MOP đã sẵn sàng để sử dụng”.

Tuy nhiên, bất kỳ vụ oanh kích các mục tiêu hạt nhân Iran đều gặp 2 trở ngại chính: MOP có thể san bằng mục tiêu đã định, nhưng khó xóa tan tri thức hạt nhân của Iran.

Thượng nghị sĩ Angus King thuộc ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ nói: “Bạn không thể đánh bom xóa tan tri thức của họ”.  Và bất kỳ cuộc đánh bom nào cũng chỉ khiến Iran mất thêm 4 năm để quyết tâm có một vũ khí hạt nhân.

Sự quyết tâm này liên quan đến trở ngại thứ hai: chưa thể bảo đảm MOP có thể tiêu diệt hoàn toàn chương trình hạt nhân Iran. Không thể bảo đảm chỉ một đợt tấn công là đạt hiệu quả.

Muốn tiêu diệt hoàn toàn khả năng của Iran thì phải mất nhiều năm tấn công liên tục, và đòi hỏi thông tin chính xác nếu Iran có xây cơ sở hạt nhân mới.

Tên lửa S-300 chống tên lửa Mỹ

Khả năng oanh kích Iran còn có một trở ngại tiềm năng, là hệ thống phòng không hiện đại của Iran. Mỹ có thể gặp khó nếu quyết đánh Iran bằng MOP: Nga đã bán tên lửa phòng không S-300 cho Iran. Tên lửa này có thể bắn trúng máy bay địch ở độ cao từ khoảng cách gần 50 mét. 

Nếu Iran có S-300, Tehran có thể lập một vành đai phòng thủ quanh các cơ sở hạt nhân của họ, điều sẽ khiến khó thể xuyên thủng hệ thống phòng không của nước này.

Dù vậy, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của kênh MSNBC hôm 22-4-2015, ông Obama  lưu ý Mỹ sẽ đánh thủng tên lửa S-300 của Iran, nếu cần phải làm thế. Ông đưa ra con số cụ thể: khoản chi quốc phòng của Mỹ là gần 600 tỉ USD, vượt xa con số nhỏ nhoi 17 tỉ USD của Iran.

Iran trước đây nói Nga nên giao S-300 vào cuối năm 2015. Theo hợp đồng 800 triệu USD được ký kết năm 2007 giữa hai nước, Nga sẽ cung cấp S-300 cho Iran.

Tuy nhiên, năm 2010, Tổng thống Nga lúc đó là ông Dmitry Medvedev  đã bãi bỏ thoả thuận này, vì Liên Hiệp Quốc cấm vận Iran do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Ngày 13-4-2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm bán tên lửa cho Iran. Moscow nói cuộc đàm phán giữa P5+1 với Iran đạt tiến bộ, nên không cần phải cấm xuất khẩu tên lửa này cho Iran nữa.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thề: nếu cần thiết, Israel sẽ một mình hành động chặn Iran có vũ khí hạt nhân.

Nhưng thực tế Israel ít có khả năng quân sự hơn Mỹ. Nếu không có Mỹ, Israel chỉ có thể trông cậy chiến đấu cơ F-15 không tàng hình, vốn sẽ cần tiếp nhiên liệu khi bay tới các mục tiêu ở Iran. Israel cũng thiếu các loại bom có sức công phá mạnh như MOP. Và họ có thể bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì hành động đơn phương.

Ngày 4-7, Farzad Esmaili, Chỉ huy Phòng không Vệ binh Cộng hòa Iran, cho biết đã triển khai hệ thống radar tầm xa Ghadir sản xuất trong nước ở thành phố Ahwaz (tỉnh tây nam Khuzestan) giáp biên giới Iraq. Radar Ghadir có thể phát hiện  một máy bay ở khoảng cách 600 km và một tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 1.100 km.

Anh Thao (tổng hợp)
.
.
.