Mafia Macedonia

Thứ Tư, 25/03/2015, 10:00
Macedonia tuy không phải là nước lớn, nhưng có vị trí địa lý quan trọng ở trung tâm vùng Balkan thuộc châu Âu. Lợi dụng vị trí này, các loại tội phạm có tổ chức tăng cường hoạt động, trong đó một số băng nhóm đã hình thành các tổ chức tội phạm lớn hoạt động dưới dạng mafia.

Mafia Macedonia dần nổi lên và có tiếng tăm trong giới tội phạm thế giới, đang là vấn đề đau đầu với lực lượng thực thi pháp luật của quốc gia này và đe dọa an ninh trật tự của châu Âu.

Cảnh sát bắt giữ một trùm mafia.

Mafia Macedonia có xu hướng củng cố vị thế với vai trò là các băng đảng tội phạm có tổ chức trong nội địa và cấu kết với tội phạm ở nước ngoài (tại các nước vùng Balkan, Đông Âu, Nga, Italia) để hình thành mạng lưới tội phạm quốc tế, thực hiện nhiều hành vi tội phạm liên hoàn như giết người, lừa đảo, buôn lậu, buôn bán vũ khí, ma túy, buôn người, tổ chức nhập cư bất hợp pháp, tổ chức mại dâm, đánh bạc xuyên quốc gia… Chúng có ý định đóng vai trò độc chiếm vận chuyển ma túy từ Nam Mỹ vào và phân phối tới thị trường chợ đen các nước trong khu vực Balkan.

Bọn tội phạm núp bóng các doanh nghiệp hoặc tổ chức đầu tư để mở hoặc tham gia các chi nhánh ngân hàng tại Thụy Sỹ, Monaco, Luxembourg, Síp và đầu tư bất động sản, sòng bạc tại Mỹ, Australia, New Zealand, Canada để rửa tiền thu được từ các hoạt động phạm pháp.

Mafia Macedonia có xu hướng "chính trị hóa" để bảo kê hoạt động tội phạm nên chúng không tiếc tiền mua chuộc, dụ dỗ, làm tha hóa các quan chức, đặc biệt là quan chức trong lực lượng hành pháp và đổ tiền cho chính trị gia biến chất hoặc người của chúng để tranh cử, lọt vào hệ thống chính trị, từ đó khuynh đảo bộ máy chính quyền, tạo thuận lợi cho các hoạt động tội phạm lớn hơn của chúng. Với những người không mua chuộc được, chúng sẵn sàng ám sát với nhiều thủ đoạn hoặc mượn tay quan chức biến chất để vô hiệu hóa quyền lực của họ.

Để bảo vệ hoạt động của mình, mafia Macedonia tập hợp một đội ngũ bảo vệ dưới danh nghĩa các công ty vệ sỹ với sự tham gia của các cựu cảnh sát, quân nhân, võ sỹ, thậm chí thuê lính đánh thuê nước ngoài. Đội ngũ này được tổ chức chặt chẽ như lực lượng vũ trang, tham gia bảo vệ các nhân vật trọng yếu trong hàng ngũ mafia, bảo vệ các chuyến vận chuyển hàng quan trọng, ám sát, tham gia các cuộc thanh trừng đẫm máu trong nội bộ và tranh giành thị trường. Trong thời gian gần đây, cảnh sát phát hiện một số công ty bảo vệ của mafia còn tham gia các hoạt động khủng bố hoặc nhận tài trợ của bọn khủng bố quốc tế.

Cảnh sát Macedonia tiến hành một chiến dịch nhằm vào mafia.

Trước tình hình đó, chính phủ Macedonia đã thực thi nhiều biện pháp phòng chống khá quyết liệt. Cảnh sát nước này với sự trợ giúp của Interpol và Europol cũng như cảnh sát nhiều nước đã tiến hành nhiều chiến dịch truy quét tội phạm có tổ chức, nhiều chuyên án điều tra nhằm vào các đường dây mafia, bắt giữ hàng trăm đối tượng phạm tội cùng số tài sản lớn. 

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống pháp luật nước này vẫn còn nhiều sơ hở mà bọn tội phạm có thể lợi dụng. Hệ thống tổ chức của lực lượng thực thi pháp luật chưa đủ mạnh để có thể tạo tính răn đe, đấu tranh có hiệu quả.

Tình trạng tiêu cực, tham nhũng, thậm chí là bắt tay với tội phạm xảy ra phổ biến trong các đơn vị cảnh sát, hải quan, biên phòng… khiến nội bộ nghi kỵ nhau và dân chúng mất niềm tin là những trở ngại lớn. Trong khi đó, mafia Macedonia được tổ chức tốt, có rất nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để đối phó với lực lượng chức năng và chúng có thế lực, tài chính làm chỗ dựa cho hoạt động phạm tội. Tất cả cho thấy sự khó khăn trong cuộc chiến chống mafia của đất nước ở vùng trung tâm Balkan này.

Hoàng Đoàn
.
.
.