Malaysia: Khó định tội cựu Thủ tướng Najib Razak?

Thứ Tư, 20/03/2019, 14:35
Đây là nhận định của một số chuyên gia, sau khi cựu Thủ tướng Najib Razak tiếp tục không nhận tội đối với 3 cáo buộc rửa tiền liên quan tới số tiền trị giá 47 triệu ringgit (khoảng 11,5 triệu USD) cách đây gần 5 năm.

Theo tờ New Straits Times đưa tin, tại phiên tòa của Tòa thượng thẩm Kuala Lumpur hôm 13-3 dưới sự chủ trì của Thẩm phán Mohamed Zaini Mazlan, ông Najib Razak đã bác bỏ các cáo buộc kể trên. Và phiên tiếp theo sẽ khai đình vào ngày 17-4. 

Theo cáo trạng, ông Najib Razak bị cáo buộc có liên quan đến việc rửa tiền khi nhận tổng cộng 47 triệu ringgit, tiền bất hợp pháp thông qua các tài khoản cá nhân của mình tại ngân hàng Ambank gần 5 năm trước (tháng 7-2014). 

Và cựu Thủ tướng Najib Razak đang phải đối mặt với án phạt 5 triệu ringgit hoặc phải ngồi tù không quá 5 năm hoặc cả 2 hình phạt này - theo đạo luật chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố 2001.

Ngoài phiên tòa kể trên, ông Najib Razak còn đang bị cáo buộc nhận 42 triệu ringgit (10,3 triệu USD) từ công ty SRC International, vốn là chi nhánh của Quỹ đầu tư Nhà nước 1Malaysia (1MDB). Và ngày 18-3 là thời điểm phải hoàn tất hồ sơ đối với cáo buộc tham nhũng chống lại ông Najib Razak liên quan đến vụ án này. 

Được biết, phiên tòa xét xử tham nhũng đối với ông Najib Razak vì liên quan tới Quỹ 1MDB từng bị hoãn (đáng lẽ diễn ra hôm 12-2). 

Và ông Harvinderjit Singh, một trong những luật sư của ông Najib Razak tuyên bố, thân chủ luôn khẳng định vô tội đối với các cáo buộc hình sự về lợi dụng tín nhiệm, rửa tiền và lạm dụng quyền lực do bị tình nghi chuyển 42 triệu ringgit từ SRC International vào tài khoản ngân hàng của mình. 

Quỹ 1MDB bị nghi có liên quan tới bê bối rửa tiền gây thất thoát khoảng 4,5 tỷ USD và ông Najib Razak đang phải đối diện với 38 cáo buộc.

Ông Najib Razak được đưa tới tòa.

Công tố viên Ahmad Akram Gharib cũng cho biết, Malaysia đã cáo buộc ông Paul Stadlen - công dân Anh, từng làm cố vấn truyền thông của cựu Thủ tướng Najib Razak, tội rửa tiền. 

Theo hồ sơ tại Tòa án sơ thẩm Kuala Lumpur, ông Paul Stadlen bị cáo buộc đã rửa khoảng 14,3 triệu ringgit (3,5 triệu USD) thu được từ các hoạt động bất hợp pháp bằng cách gửi vào tài khoản khách hàng của một công ty luật có liên quan tới cựu Thủ tướng Najib Razak. Và lệnh bắt giữ ông Paul Stadlen đã được gửi tới Interpol. 

Hãng Reuters từng đưa tin, Bộ Tư pháp Mỹ đã nộp đơn tại tòa án California liên quan đến các bất động sản ở London (Anh) và New York (Mỹ) cũng như tài sản cầm cố tại một công ty ở Kentucky, để thu hồi và tịch thu khoảng 38 triệu USD có liên quan tới vụ kiện của Quỹ 1MDB, nâng tổng tài sản bị tịch thu lên 1,7 tỷ USD. 

Liên quan tới vụ án tham nhũng tại Quỹ 1MDB, Thủ tướng Mahathir Mohamad từng nghi ngờ trước thông tin cho rằng, Trung Quốc từng đề nghị giải cứu Quỹ 1MDB khỏi bê bối tham nhũng để đổi lấy các dự án hạ tầng. 

Tuyên bố của ông Mahathir Mohamad được đưa ra sau khi tờ Wall Street Journal tiết lộ - khi quan chức Malaysia thăm Trung Quốc năm 2016, Bắc Kinh nói có thể tác động với Mỹ và một số quốc gia khác để đề nghị họ từ bỏ cuộc điều tra đối với Quỹ 1MDB. 

Đổi lại, Malaysia cho phép các công ty Trung Quốc nắm giữ cổ phần trong các dự án đường sắt và đường ống khí đốt. Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng cũng thông báo, sẽ kiểm tra lại hồ sơ để xác minh nội dung của tờ Wall Street Journal. Được biết, có ít nhất 6 quốc gia đang điều tra vụ bê bối tham nhũng tại Quỹ 1MDB.

Theo giới truyền thông, cựu Thủ tướng Najib Razak từng bị thẩm vấn về việc mua 2 tàu ngầm của Pháp trong thời gian ông làm Bộ trưởng Quốc phòng. Cụ thể, ông Najib Razak đã bị các thành viên Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) thẩm vấn trong 4 tiếng đồng hồ vì bị nghi nhận hối lộ trong hợp đồng 1,2 tỷ USD mua 2 tàu ngầm Scorpene 17 năm trước (2002-2019).

 Được biết, các nhà điều tra đang làm rõ xem có bất kỳ khoản "lại quả" nào trong thương vụ mua 2 tàu ngầm Scorpene (có tên gọi KD Tunku Abdul Rahman và KD Tun Abdul Razak). 

Bởi qua điều tra cho thấy, hãng chế tạo tàu ngầm Scorpene khi đó là DCNI (hiện là Naval Group), đã hối lộ hơn 114 triệu euro (khoảng 134 triệu USD) cho công ty bình phong có liên quan đến ông Abdul Razak Baginda, thân tín của cựu Thủ tướng Najib Razak, để làm môi giới thương vụ kể trên. 

Hãng AFP từng dẫn các nguồn tin thân cận với cơ quan điều tra Pháp cho biết, ông Philippe Japiot, cựu Chủ tịch DCNI và ông Jean-Paul Perrier, cựu Giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng và điện tử Thales International Asia, đã bị truy tố vì bị cáo buộc đưa hối lộ hàng trăm triệu euro trong thương vụ bán tàu ngầm cho Malaysia 17 năm trước. 

Hai nghi can khác cũng bị điều tra trong thương vụ này là Dominique Castellan - cựu Chủ tịch DCNI, và Bernard Baiocco - cựu Chủ tịch của Thales International Asia. 

Thiện Lân
.
.
.