Malaysia:

Nâng cấp cho lực lượng cảnh sát chống khủng bố

Chủ Nhật, 11/06/2017, 14:46
Quyết định nâng cấp Đơn vị chống khủng bố lên thành Bộ phận chống khủng bố thuộc Cảnh sát Hoàng gia Malaysia được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Zahid Hamidi thông báo hôm 4-6 được dư luận trong và ngoài khu vực quan tâm.


Bởi theo quyết định kể trên, Bộ phận chống khủng bố được đặt dưới sự chỉ huy của một trong những lãnh đạo cao cấp nhất của Cảnh sát Hoàng gia Malaysia, và phải đảm trách nhiệm vụ lớn hơn trong việc ngăn chặn các hoạt động khủng bố tại Malaysia.

"Việc nâng cấp đơn vị chống khủng bố thành bộ phận chống khủng bố là dấu hiệu thể hiện sự quan ngại đối với vấn đề khủng bố và quyết tâm đấu tranh với các hoạt động khủng bố của Chính phủ", ông Zahid Hamidi nhấn mạnh.

Đơn vị chống khủng bố của cảnh sát Malaysia bắt nghi phạm

Trước đó, ông Zahid Hamidi đã kêu gọi toàn dân chung tay tham gia cuộc chiến chống IS. "Việc chống IS không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng chống khủng bố, cảnh sát hay các lực lượng an ninh và tình báo. Mối đe dọa đã xuất hiện ở Bangkok, Jakarta và có thể xuất hiện ở mọi nơi. Vì vậy, nếu bạn nghi ngờ ai đó có liên quan đến IS, hãy báo cho chúng tôi", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Ông Zahid Hamidi cũng cảnh báo vụ đánh bom ở Manchester, Anh có thể xảy ra tại Đông Nam Á. Và động cơ của các vụ tấn công có thể xuất phát từ cái chết của thủ lĩnh người Malaysia Muhammad Wanndy Jedi của IS ở Syria.

"Cảnh sát và cơ quan chống khủng bố đang trong tình trạng báo động cao độ sau các vụ tấn công ở Manchester và Jakarta", ông Zahid Hamidi tuyên bố. Tòa Thượng thẩm Kuala Lumpur cũng vừa tuyên phạt tổng cộng 36 năm tù giam đối với Syed Amir Asyraf Syed Hamdan, lái xe tải, vì chủ động ủng hộ IS thông qua tài khoản trên mạng xã hội Facebook.

Tên này còn sử dụng mạng Telegram để nhận chỉ thị từ Muhammad Wanndy Jedi, hướng dẫn thực hiện hành động khủng bố bằng lựu đạn cầm tay và súng ngắn.

Tờ New Straits Times từng đưa tin, nhiều quốc gia đã tạo điều kiện cho các phần tử nguy hiểm đến Malaysia dưới hình thức du lịch, khiến nước này trở thành "bãi rác" chứa các tay súng khủng bố.

Được biết, có ít nhất 30 người nước ngoài sau khi thâm nhập Syria bất thành đã đến Malaysia và "đang đi lại trên đường dưới danh nghĩa du khách" với nhiều quốc tịch khác nhau.

Theo ông Ayob Khan Mydin Pitchay, thành viên của lực lượng chống khủng bố, những người kể trên là mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia. Tờ New Straits Times từng dẫn tuyên bố của Tổng thanh tra Cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar, nước này đã trục xuất 3 công dân Thổ Nhĩ Kỳ về nước vì có liên quan đến một tổ chức khủng bố. Và đây là những đối tượng bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách truy nã do có dính líu đến tổ chức khủng bố Fethullah.

Hãng Reuters cũng vừa dẫn thông báo của Tổng thanh tra Cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết, cảnh sát Malaysia vừa bắt 6 nghi can có liên quan tới IS.

Nghi can đầu tiên là Muhammad Muzafa Arieff Junaidi, 27 tuổi, kẻ đã đầu hàng sau khi cảnh sát đăng thông báo trên truyền thông đề nghị người dân cung cấp thông tin về đối tượng này. Và 6 nghi can này bị bắt trong các vụ đột kích ở 4 bang của nước này.

Mấy ngày trước, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết, Malaysia, Indonesia và Philippines sẽ tuần tra chung ở vùng biển ngoài khơi đảo Mindanao của Philippines vào cuối tháng 6 để đối phó với mối đe dọa của các phần tử khủng bố IS. Theo ông Hishammuddin Hussein, cuộc tuần tra chung sẽ bắt đầu từ ngày 19-6.

Về phần mình, Indonesia có thể đóng cửa biên giới để ngăn chặn các tay súng IS ở Iraq và Syria hiện đang ẩn náu tại miền Nam Philippines thâm nhập vào lãnh thổ nước này. Theo người phát ngôn cảnh sát Indonesia Ibrahim Tompo, hàng trăm cảnh sát và binh sĩ nước này đang tiến hành chiến dịch tuần tra tại các khu vực biên giới với Philippines. Indonesia lo ngại trước tin nói rằng, hiện có khoảng 1.200 phần tử IS (trong đó có khoảng 40 tên đến từ Indonesia) đang hoạt động ở Philippines.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa kêu gọi sửa luật để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động chống khủng bố của nước này. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen khẳng định, chủ nghĩa khủng bố là nỗi lo an ninh lớn nhất ở Đông Nam Á và bọn khủng bố ở Đông Nam Á đang tận dụng các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia để buôn người và vận chuyển vũ khí.

Chính quyền Singapore cho biết, mối đe dọa khủng bố tại Thủ đô nước này đang ở mức cao nhất. Bộ Nội vụ Singapore nhấn mạnh, mối đe dọa khủng bố tại Singapore vẫn duy trì ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, mặc dù chưa có thông tin nào cho thấy một vụ tấn công khủng bố sắp xảy ra vào thời điểm này. Ước tính, hơn 200.000 tay súng thề trung thành với IS tại khu vực Đông Nam Á. Và có ít nhất 31 nhóm khủng bố trong khu vực Đông Nam Á đã tuyên thệ trung thành với IS.

Thiện Lân
.
.
.