Malaysia cảnh giác trước nạn bao che khủng bố

Thứ Năm, 24/11/2016, 15:08
Ngày 10-11, một nữ cảnh sát Malaysia phải tự bào chữa trước tòa, do che giấu thông tin về hoạt động của bọn khủng bố IS.


Các công tố viên đã xác minh được hạ sĩ Gani, 35 tuổi, người biết một đối tượng trốn sang Syria ngày 12-11-2014 để chiến đấu cho IS, nhưng cố tình không báo cho Cảnh sát quận Petaling Jaya biết từ tháng 8-2015 đến ngày 22-3-2016. Nếu bị tuyên có tội, Gani sẽ phải ở tù 7 năm hoặc phải nộp tiền phạt, hoặc cả hai hình thức xử lý này, căn cứ theo điều 130M  Luật Hình sự Malaysia.

Thẩm phán Tòa Pháp lý tối cao tuyên: “Nhiệm vụ của cảnh sát là bảo vệ nền hòa bình và sự thượng tôn pháp luật. Bị cáo là một cảnh sát viên nhưng lại không tuân thủ luật, không báo cáo cơ quan chức năng”.

Cảnh sát Malaysia bắt một nghi can gia nhập bọn IS ở Syria. 

Đấy không phải lần đầu tiên nhân viên an ninh Malaysia bị tố cáo giúp đỡ hoặc bao che các hành vi khủng bố. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein, số quân nhân bị nghi dính líu bọn IS ở Syria và Iraq chiếm 1% trong số những kẻ bao che bị chính quyền phát hiện cho đến nay. Ông không cho biết có bao nhiêu quân nhân dính líu.

Ngày 18-10, Phó Thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi cho biết Malaysia đã siết chặt an ninh biên giới, đề phòng các tay súng IS người Malaysia trở về nước, sau khi quân đội Iraq mở chiến dịch tái chiếm thành phố Mosul (Iraq) khỏi tay bọn IS.

Ông cho biết Malaysia đang chia sẻ tin tình báo với cơ quan tình báo các nước, và đã có danh sách những kẻ dính líu IS. Nhưng ông không cho biết có bao nhiêu tên IS người Malaysia ở Mosul.

Theo số liệu của Cảnh sát Malaysia công bố hồi tháng 9, từ năm 2013 đến nay có 90 người Malaysia gia nhập tổ chức khủng bố này.  Tháng 8, Malaysia cũng tịch thu hộ chiếu 68 công dân chuẩn bị rời Malaysia để đầu quân cho IS ở Syria và Iraq.

Vị Phó Thủ tướng khẳng định bọn IS trở về Malaysia sẽ bị bắt giam và bị đưa đi cải tạo để “tẩy não”khỏi tư tưởng cực đoan. Ông cũng cho biết Malaysia đã bắt tổng cộng 137 người âm mưu gia nhập IS ở nước ngoài rồi trở về nước. Chúng cũng bị buộc tội tài trợ cho IS.

Trước đó ngày 17-10, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia  cho biết đã nhận được nhiều cảnh báo về nguy cơ hàng ngàn chiến binh IS trở về nước hoặc tìm nơi trú ẩn tại Đông Nam Á, nếu chiến dịch tái chiếm Mosul của quân đội Iraq thắng lợi. Chiến dịch này bắt đầu ngày 17-10, tái chiếm thành trì lớn của IS vốn có khoảng từ 4.000 đến 8.000 quân cố thủ.

Phó Thủ tướng Hamidi nói Bộ Chỉ huy an ninh bang Đông Sabah có thể đã “xì thông tin nhạy cảm” cho tổ chức khủng bố Abu Sayyaf ở Philippines, tạo điều kiện cho chúng mở những vụ tấn công bắt cóc đòi tiền chuộc ở vùng biển bang Sabah.

Ông nói: “Chúng tôi tin tiền có từ cuộc con tin được chuyển đến bọn Katibah Nusantara (một nhóm chiến binh IS người Indonesia và Malaysia) để chúng củng cố vị thế ở Đông Nam Á, và để tài trợ cho các hoạt động khủng bố”.

Malaysia đã quyết tâm chống khủng bố từ năm 2015, sau khi có thông tin khủng bố muốn ám sát nhiều quan chức lãnh đạo, gồm cả việc ám sát Thủ tướng Najib Razak. Tháng 4-2015, Malaysia ban hành Luật Phòng chống khủng bố, cho phép chính quyền các cấp bắt các nghi can mà không đưa ra xét xử trong hai năm. Tổng cộng từ năm 2013, đã có 240 nghi can khủng bố bị bắt ở Malaysia.

Từ khi một nhóm khủng bố có liên hệ với IS tổ chức tấn công vào thủ đô Jakarta của Indonesia, Malaysia đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Vào tháng 6, 2 phần tử IS tại Malaysia đã ném lựu đạn vào một hộp đêm ở ngoại ô Kuala Lumpur làm 8 người bị thương.

Bảo Vĩnh (theo The Straits Times)
.
.
.