Malaysia tái điều tra cái chết của người mẫu Mông Cổ

Thứ Tư, 20/06/2018, 00:39
Trong thông cáo đưa ra hôm 11-6, Ủy ban chống tham nhũng Malaysia (MACC) đã công bố ảnh cùng danh tính của 4 cá nhân (Tan Kim Loong - còn gọi là Eric Tan, Tang Keng Chee - còn gọi là Casey Tang, Geh Choh Heng và Loo Ai Swan - còn gọi là Jasmine Loo) có liên quan đến vụ bê bối tại Quỹ Đầu tư 1Malaysia (1MDB).


Theo tờ New Straits Times, đây là lần đầu tiên danh tính của những nhân vật chủ chốt trong vụ bê bối liên quan tới 1MDB được hé lộ. 

Trước đó, MACC đã ra lệnh truy nã đối với nhà tài phiệt Low Taek Jho - còn gọi là Jho Low, và ông Nik Faisal Ariff Kamil, Giám đốc Công ty SRC International, chi nhánh cũ của 1MDB. 

Những động thái kể trên diễn ra trong bối cảnh chính phủ tái điều tra thương vụ mua tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp trong giai đoạn cựu Thủ tướng Najib Razak làm Bộ trưởng quốc phòng.

Nói tới thương vụ mua tàu ngầm kể trên không thể không đề cập tới cái chết của người mẫu Altantuya Shaariibuu. Bởi cô Altantuya Shaariibuu (tinh thông tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc và từng được coi là một trong sáu người mẫu nổi tiếng nhất Mông Cổ) là phiên dịch trong thương vụ mua tàu ngầm kể trên. 

Ông Abdul Razak Baginda khi bị bắt.

Và hơn 20 ngày trước (21-5), tờ The Guardian từng dẫn lời của Sirul Azhar Umar, kẻ bị buộc tội giết cô Altantuya Shaariibuu nói với trang tin điện tử Malaysiakini (Malaysia) rằng, sẵn sàng về nước tiết lộ kẻ đã giết người mẫu Mông Cổ, nếu được chính phủ miễn tội. 

Thủ tướng Mahathir Mohamad từng tuyên bố, ông đang xem xét có nên tha tội cho Silul Azhar Umar hay không. Theo giới truyền thông, khi gọi điện chúc mừng Thủ tướng Mahathir Mohamad, Tổng thống Mông Cổ Battulga Khaltmaa đã không quên nhắc tới vụ sát hại cô Altantuya Shaariibuu. 

Dư luận quan tâm tới quyết định bổ nhiệm bà Cynthia Gabriel, cựu lãnh đạo tổ chức Suaram vào Ủy ban điều tra vụ án tham nhũng 1MDB, người từng tuyên bố: người dân Malaysia, trong đó có Altantuya Shaariibuu và gia đình cô đã bị từ chối công lý quá lâu. 

Cựu Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim cũng cho rằng, nên xử lại tội giết người của Sirul Azhar Umar và Azilah Hadri, đồng thời ủng hộ việc tái điều tra cái chết của cô Altantuya Shaariibuu vì cho rằng, bản án gốc đã bị "can thiệp".

Cái chết đột ngột của thám tử tư Balasubramaniam hồi trung tuần tháng 3-2013, một lần nữa khiến những cáo buộc xung quanh nghi án tham nhũng trong thương vụ mua tàu ngầm Scorpene của Pháp và những mờ ám về cái chết của cô Altantuya Shaariibuu lại được dư luận nhắc tới. 

Bởi thám tử tư Balasubramaniam là người được Abdul Razak Baginda, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc gia Malaysia, bạn thân đồng thời là cố vấn chính trị của cựu Thủ tướng Najib Razak thuê tạo bằng chứng chống lại cáo buộc giết người. 

Gần 10 năm trước (24-6-2008), ông Najib Razak từng bác bỏ cáo buộc của Raja Petra Kamaruddin, người sáng lập trang web "Malaysia Today" ở Malaysia khi tuyên bố, cựu Đệ nhất phu nhân Rosmah Mansor liên quan tới vụ sát hại cô Altantuya Shaariibuu.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, ông Abdul Razak Baginda đã thuê 2 sát thủ, nguyên là vệ sỹ của ông Najib Razak giết cô Altantuya Shaariibuu sau khi bị người mẫu Mông Cổ "tống tiền". Theo giới truyền thông, cô Altantuya Shaariibuu từng yêu cầu ông Abdul Razak Baginda phải chi 500.000 USD để nuôi con và các chi phí khác. 

Chính vì thế án mạng đã xảy ra (tối 19-10-2006) khi cô Altantuya Shaariibuu muốn tới tư dinh của ông Abdul Razak Baginda tại Damansara Heights. Trước khi có con với ông Abdul Razak Baginda, cô Altantuya Shaariibuu đã kết hôn với 2 nhân vật nổi tiếng Mông Cổ. Ông Shaariibuu Setev, bố đẻ cô Altantuya Shaariibuu từng tới Malaysia với bức thư tay của Tổng thống Mông Cổ gửi Thủ tướng khi đó là ông Abdullah Ahmad Badawi đề nghị làm rõ cái chết của con gái. 

Bởi tuy phải hầu tòa với cáo buộc giết người, nhưng Abdul Razak Baginda lại được tuyên trắng án. Và mặc dù cả 2 sát thủ Sirul Azhar Umar và Azilah Hadri đều bị kết án tử hình năm 2009, nhưng tới tháng 8-2013 chúng đột ngột được phóng thích. 

Ngay sau khi được thả, Sirul Azhar Umar đã tới Australia ẩn cư và tiết lộ, hắn chỉ là "dê tế thần" dưới chính quyền của ông Najib Razak. Sirul Azhar Umar hiện đang bị giam tại 1 nhà tù gần Sydney và chính quyền Canberra không muốn dẫn độ vì sợ tên này phải đối mặt với án tử hình sau khi về nước.

Các nhà điều tra Pháp đã điều tra thương vụ mua tàu ngầm trong 7 năm và từ năm ngoái, Abdul Razak Baginda chính thức bị đưa vào diện điều tra cùng 4 lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng Pháp do nghi vấn tham nhũng. Năm 2002, Tập đoàn vũ khí DNCS (Pháp) bị cáo buộc "lại quả" hơn 114 triệu euro (khoảng 134 triệu USD) cho công ty vỏ bọc của Abdul Razak Baginda, cố vấn của cựu Thủ tướng Najib Razak đã môi giới mua 2 tàu ngầm Scorpene trị giá 1,17 tỉ USD. Khi đó, người mẫu Altanluya Shaarribuu là tình nhân của Abdul Razak Baginda. Gần 6 năm trước (27-6-2012), Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi phải trả lời trước Quốc hội về thương vụ mua tàu ngầm Scorpene.
Trọng Hậu
.
.
.