Mạng lưới tội phạm Đông Á lũng đoạn thị trường buôn bán ngà voi Châu Phi

Thứ Tư, 13/07/2016, 17:12
Một bản báo cáo mới được công bố của tổ chức giám sát, bảo vệ động vật hoang dã (TRAFFIC) cho hay, các băng nhóm tội phạm ở khu vực Đông Á đã mở rộng mạng lưới buôn lậu ngà voi trên khắp châu Phi. Vấn nạn buôn lậu ngà voi diễn ra hết sức phức tạp và cuộc chiến bảo vệ voi Châu Phi vẫn là bài toán vô cùng nan giải.


Những cái bắt tay ngầm

Các chuyên gia bảo vệ động vật hoang dã nói rằng, mạng lưới tội phạm buôn bán ngà voi ở khu vực Đông Á có xu hướng phát triển mạnh. Số vụ buôn bán ngà voi bị phát hiện ở khu vực Đông Á tăng trong những năm gần đây. Các băng nhóm tội phạm đã tham gia vào việc săn bắn và di chuyển các lô hàng ngà voi bất hợp pháp từ nhiều nơi trên lãnh thổ châu Phi về châu Á.

Có bằng chứng cho thấy, các băng nhóm tội phạm đã "bắt tay" với các quan chức trong Chính phủ để hoạt động. Đây chính là thách thức lớn trong cuộc chiến chống buôn bán động vật hoang dã trái phép. "Hiện nay, mạng lưới tội phạm Đông Á thường bắt tay với các quan chức địa phương tham nhũng để đưa ngà voi thô ra khỏi châu Phi",  báo cáo của cơ quan thực thi công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã (Cites) nhận định.

Theo kết quả khảo sát, phân tích của TRAFFIC, trung tâm buôn bán ngà voi sôi động nhất ở châu Phi hiện nay là Kenya, Tanzania và Uganda. Trong khi đó, thị trường lớn, tiềm năng buôn bán mặt hàng này bên ngoài châu Phi là Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore và Malaysia. Những "trung tâm" chế tác ngà voi lớn ở châu Phi bao gồm Angola, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Congo, Mozambique, Nigeria, Nam Phi và Zimbabwe. Mozambique là quốc gia lưu trữ số lượng ngà voi lớn hàng đầu khu vực.

Cuộc chiến chống buôn lậu ngà voi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn cầu.

Togo và Malawi là hai "trung tâm quá cảnh" vận chuyển ngà voi, trong khi đó, Ethiopia là trung tâm vận chuyển ngà voi qua đường hàng không. Togo đang "nổi lên" như một trung tâm vận chuyển ngà voi từ châu Phi tới châu Á.

TRAFFIC ghi nhận, 61 vụ vận chuyển ngà voi quy mô lớn đã bị phát hiện trong giai đoạn 2011 - 2014, cao gấp đôi trong giai đoạn 1998-2006. Báo cáo của TRAFFIC cho thấy, trong năm 2014, 87% vụ buôn lậu ngà voi bị phát hiện ở Ethiopia - trung tâm vận tải hàng không quan trọng nối liền châu Phi và châu Á có sự tham gia của tội phạm Trung Quốc.

Cuộc chiến chưa hạ nhiệt

Theo TRAFFIC, ngà voi được ưa chuộng ở khu vực châu Á là do trong quan niệm của người dân, ngà voi chạm khắc được coi như là biểu tượng sức mạnh và may mắn. Thực tế cho thấy, các băng nhóm tội phạm Trung Quốc đang tham gia trực tiếp vào các hoạt động chế biến ngà voi ngay tại các quốc gia châu Phi như Angola, Congo, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Dân chủ Congo, Mozambique, Nigeria, Nam Phi và Zimbabwe.

Những "điểm nóng" buôn lậu ngà voi trên thế giới.

Ước tính, hơn 30.000 con voi bị giết chết ở châu Phi để lấy ngà mỗi năm. Kinh doanh ngà voi bất hợp pháp là lĩnh vực mang lại khoản lợi nhuận lớn cho các băng nhóm tội phạm. Julian Rademeyer, một chuyên gia trong lĩnh vực chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp cho biết, không chỉ có voi, hơn 6.000 con tê giác đã bị giết chết trong thập niên qua để lấy sừng.

Sừng tê giác được coi như một loại "thần dược" trong y học cổ truyền. "Các mạng lưới tội phạm có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các quan chức tham nhũng. Bộ mặt thật đứng đằng sau các băng nhóm tội phạm chưa được đưa ra ánh sáng. Ngay cả khi công dân châu Á bị bắt ở châu Phi vì cáo buộc buôn bán động vật hoang dã thì việc thẩm vấn, kiểm tra tài liệu, điện thoại di động và máy tính có sử dụng tiếng nước ngoài cũng rất hiếm khi xảy ra", chuyên gia Julian Rademeyer nói.

Một báo cáo do tổ chức "Save the Elephants" và "The Aspinall Foundation", cùng có trụ sở tại Anh cho biết, hơn 100.000 con voi hoang dã đã bị giết trong khoảng thời gian từ 2010-2012. Theo tổ chức phi chính phủ bảo vệ voi có tên "Elephants Without Borders" thì châu Phi hiện có khoảng 470.000 con voi, trong khi đó con số này năm 2006 là 550.000 con. Theo thống kê, từ năm 2006 - 2014, hơn 85% ngà voi bị thu giữ có nguồn gốc từ Tanzania và Mozambique. Ở Mozambique số lượng đàn voi cũng "tụt dốc không phanh" từ 12.000 con vào năm 2011 xuống còn 4.450 con vào năm 2014.
Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.