Mật khu chiều cuối năm

Thứ Năm, 15/02/2018, 07:22
Rừng Bời Lời - “Mật khu Bời Lời” (Mật khu C) thuộc xã Ðôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh - vùng chiến địa máu lửa một thời, nơi đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đủ loại, kể cả B52 vì nó nằm trong trọng điểm hủy diệt của địch, cùng hàng chục trận càn với quy mô lớn nhằm tiêu diệt sự sống mật khu.


Ai đã từng hoạt động tại chiến trường Nam Bộ thời kháng chiến hẳn sẽ nhận ra địa danh mà tác giả đặt title cho bài viết này. Ðó là rừng Bời Lời - “Mật khu Bời Lời” (Mật khu C) thuộc xã Ðôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh - vùng chiến địa máu lửa một thời, nơi đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đủ loại, kể cả B52 vì nó nằm trong trọng điểm hủy diệt của địch, cùng hàng chục trận càn với quy mô lớn nhằm tiêu diệt sự sống mật khu. 

Bời Lời không còn một thân cây nào nguyên vẹn. Thậm chí có những thân cây nhiều lần te tua vì bom pháp, cái mầm non cũng không kịp nhú. “Mật khu” hoang vắng một thời!

Bỗng, buổi chiều cuối năm ấy - ngày 25 tháng Chạp, chỉ còn 5 ngày nữa là bước sang năm mới Mậu Thân. Cái buổi chiều kỳ lạ diễn ra ở mật khu - quân ở đâu kéo về đông thế. Cái quy ước bất thành văn: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” đã ngấm vào máu xương cư dân mật khu. Đặc biệt, đối với đơn vị chúng tôi - Cụm H67 (A20) thuộc Đoàn Tình báo chiến lược miền Nam (J22) - giờ thành vô nghĩa. Tiếng chặt cây chan chát, tiếng cười nói râm ran, tiếng gọi nhau ơi ới… làm náo động cả cánh rừng chiều vốn đã “triệt tiêu sự sống” từ nhiều năm nay. Máy bay trinh sát của địch có quần thảo cả trăm lần cũng không mảy may phát hiện vết tích con người tồn tại ở mật khu.

Sửa lại công sự, hầm pháo sau mỗi trận càn.

Là một Cụm Tình báo ra đời tại rừng Bời Lời từ đầu thập niên sáu mươi khi “mật khu” còn ngút ngàn một màu xanh cho tới lúc tan hoang, xơ xác thì H67 vẫn bám trụ ở đó. Đôi khi phải tránh né những trận càn lớn để bảo toàn lực lượng, có thể tạt sang Ba Cụm, xóm Trại Dàn Bầu (thuộc đất Củ Chi) hoặc tạt sang Thanh An, Bến Chùa (thuộc Bến Cát, Bình Dương)… thì cũng chỉ ít ngày, giặc rút là trở về mật khu ngay. 

Theo quan điểm chỉ đạo chiến thuật của Cụm trưởng Lê Văn Vĩnh thì không ở đâu bám trụ chiến đấu an toàn bằng tại căn cứ của mình - địa hình quen thuộc, có hầm trú ẩn an toàn, có giao thông hào và công sự chiến đấu kiên cố và với một “bảo bối” mà không đơn vị nào trong vùng có được, đó là hệ thống địa đạo dài hàng trăm mét mà ông đã động viên cán bộ, chiến sĩ xây dựng từ ngay khi đơn vị hình thành. Trong hơn 2.000 ngày, ngoài công tác chuyên môn là tập trung cho nhiệm vụ đào địa đạo.

Yếu tố quan trọng thứ hai đó là xây dựng ý thức bảo mật căn cứ, bảo mật cả mật khu với phương thức “độn thổ” - làm việc, hội họp, ăn, ngủ tất tật đều dưới hầm. Chỉ duy nhất có cột ăng ten của bộ phận điện đài (VTD) là được “ưu tiên” trên mặt đất.

Hàng ngày, khoảng 5 giờ chiều (giờ an toàn), vì địch không có khả năng đi càn, tất cả chui lên mặt đất, kéo nhau ra suối Cầu Cám, cách căn cứ khoảng 200m, công việc được phân công rõ ràng: bộ phận thổi cơm, bộ phận xuống suối mò tôm cá, bộ phận tản dọc bờ suối kiếm rau tập tàng. 

Cơm nấu một lần cho ba bữa. Ăn tại chỗ, mỗi người hai nắm cơm cho bữa sáng và trưa hôm sau. Ăn xong, một việc tối quan trọng là “phi tang” khu vực bếp, dập hết than, tưới nước, phủ lá khô, cỏ khô lên trên, để hôm sau địch có càn vào sẽ không còn dấu vết gì, tro tàn, bếp lạnh đã từ lâu. 

Cung đoạn cuối cùng là trở về hầm làm việc. Bộ phận trinh sát mới bung ra cửa ngõ Suối Bà Tươi, Gia Tân tới “hộp thư sống” là gia đình cơ sở bí mật nhận tài liệu của các điệp viên từ Sài Gòn gửi về.

Nhịp sống cứ thế trôi đi. Bỗng dưng xáo trộn tất cả. Cụm trưởng Lê Văn Vĩnh giao trách nhiệm cho Cụm phó Năm Tuyến sang trao đổi với mấy “nhà hàng xóm mới” nhằm chấn chỉnh hiện tượng trên. Lời Năm Tuyến vừa dứt, mấy anh lính trẻ hồn nhiên đáp từ: “Chúng em sẽ rút kinh nghiệm. Nhưng thủ trưởng yên tâm đi, mình chuẩn bị “oánh” lớn, quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đang lo đối phó, thách cha chúng nó cũng không dám mò vô đây”.

Năm Tuyến báo cáo lại với Cụm trưởng, ông khẽ cười: “Anh em lính trẻ lạc quan thế là tốt. Coi chừng lạc quan quá mức dễ dẫn tới bi quan. Bao giờ cũng phải tính tới tình huống xấu nhất”. 

Dừng giây lát, ông chỉ đạo Cụm phó luôn: “Anh báo cho bộ phận “anh nuôi” huy động người chuẩn bị gấp và thông báo cho anh em chiều nay sẽ liên hoan tất niên. Ta làm sớm để chuẩn bị phục vụ chiến dịch”. 

Là người phụ trách công tác hậu cần của đơn vị, Năm Tuyến không giấu nổi nỗi băn khoăn: “Cơ sở vật chất chuẩn bị đón Tết lèo tèo lắm, dự kiến của ta là chiều 29 mới đem từ “cửa ngõ” về. Kẹt quá anh ơi!”. Bảy Vĩnh gỡ rối cho đồng đội của mình ngay: “Yên tâm đi! Tôi đã giao nhiệm vụ cho tổ trinh sát, chiều nay là có đủ hết”.

Đó là buổi tất niên tưng bừng nhất, đông đủ nhất của đơn vị chúng tôi sau 6 năm bám trụ tại mật khu. Cuộc liên hoan tổ chức trên mặt đất chứ không phải dưới hầm. Khoảng trống trước hầm hội trường được dọn sạch sẽ, áo mưa trải ra làm bàn. 

Khoảng 4 giờ chiều, tổ trinh sát ở cửa ngõ Suối Bà Tươi về, đem theo 3 bòng nặng, 2 bòng thực phẩm và một bòng rượu đế do gia đình cơ sở bí mật chuẩn bị giúp. Đó cũng là bữa tất niên to nhất kể từ khi chúng tôi vào chiến trường. Có thịt quay, gà rô ti, thịt kho tàu, bánh tét, bánh hỏi, dưa góp… Thức ăn bày ra lá, rượu rót vào bát sắt cá nhân. 

Cụm trưởng chúc Tết anh em rồi “cạn bát”. “Hiệp đầu”, một bát “cưa đôi”. “Hiệp hai”, một trăm phần trăm “cạn bát”. Cho tới khi tàn cuộc, cũng phải ba hiệp như thế. Thời đó làm gì có chai, có bình, rượu được đựng trong túi politinel, mỗi bịch 2 lít. Cả bòng chứa 5 bịch như vậy. Cứ gọi là xả láng.

Kết thúc liên hoan tất niên, Cụm trưởng triệu tập họp gấp tại hầm hội trường. Thành phần họp chỉ có lãnh đạo Cụm và Cấp ủy Đảng, nên ông thông báo tình hình chi tiết hơn: 

“Cấp trên quyết định mở chiến dịch lớn. Đơn vị chúng ta phải thực hiện tốt 2 nhiệm vụ: Một là cử một số cán bộ vào nội thành phối hợp công tác bảo vệ 2 đài phát sóng của Cụm là “Sài Gòn 1” và “Sài Gòn 2”. Bộ phận này chịu trách nhiệm chuyển một số vũ khí, đạn dược, thiết bị điện đài vào Sài Gòn. Tôi sẽ vào chỉ đạo trực tiếp và sẽ đi bằng xe Honda chở Năm Tuyến đi cùng làm nhiệm vụ giám sát “hàng” trên đường. Sẽ sử dụng ô tô riêng của Năm Bị (cơ sở bí mật của đơn vị) do Năm Bị trực tiếp lái. Đồng chí Hai Hiệp, trinh sát địa bàn, tháp tùng Năm Bi với vai tuồng lơ xe. Phải triển khai xong trước Tết Mậu Thân. 

Tôi quyết định sẽ xuất phát từ nhà Năm Bi tại cửa ngõ Gia Tân vào 15 giờ chiều 29 Tết, để đêm hôm đó “hàng nhập kho” tại gia đình cơ sở bí mật ở quận 10. Sau đó sẽ chuyển tới một địa chỉ an toàn hơn, có thể coi là cơ sở “bất khả xâm phạm” (địa chỉ mà Cụm trưởng nêu, đó là nhà “H3” - điệp viên gạo cội của đơn vị - ông là Ba Lễ, đã từng kinh qua Trưởng Ty Cảnh sát, đương kim Nghị sĩ Quốc hội của chế độ Sài Gòn, nắm vị trí quan trọng trong Ủy ban An ninh Quốc phòng Hạ viện). 

Đêm 28, đồng chí Hai Hiệp chỉ huy tổ trinh sát chuyển “hàng” từ căn cứ ra nhà Năm Bi. Chuẩn bị mấy chiếc cần xé, xếp “hàng” vô rồi ngụy trang bằng đồ hàng bông (các loại rau) lên trên. 

Ngày 29, Quốc lộ 22 về thành phố chắc chắn sẽ có rất nhiều xe chở đồ hàng bông về phục vụ Tết. Xe Daihatsu của Năm Bi nhỏ xíu, chắc các trạm kiểm tra sẽ không để ý. Vả lại, Năm Bị rất thông thạo tuyến đường này nên tin rằng chuyến đi sẽ trót lọt. Việc thứ nhì là bộ phận bám trụ căn cứ, do đồng chí Cụm phó và Cấp ủy phối hợp chỉ đạo, đảm bảo tuyệt đối an toàn căn cứ và giữ vững liên lạc với trung tâm. Tất cả mọi tin tức từ thành gửi về phải chuyển gấp qua điện đài. 

Ngay ngày mai, kiểm tra và củng cố tuyến phòng ngự, đề phòng phản kích của địch. Tôi sẽ cử cô Tư Chiến và cô Út Hiệp bổ sung vào bộ phận giao thông thường nhật từ thành về cử ngõ. Động viên anh em phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi của Cách mạng nhưng không được chủ quan, mất cảnh giác. Động viên cán bộ, chiến sĩ của hai bộ phận nội thành và căn cứ thi đua lập công trong trận chiến quyết liệt này”.

Mọi công việc được khẩn trương triển khai đúng theo tinh thần chỉ đạo của Cụm trưởng và tất cả đều thông luồng bén giọt.

Chiến dịch Mậu Thân - Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường miền Nam, đặc biệt là sào huyệt của địch tại Sài Gòn đã thắng lợi lớn - đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo áp lực để Quốc hội Mỹ, nhân dân tiến bộ Mỹ đấu tranh buộc Nhà Trắng phải xuống thang chiến tranh, rút quân Mỹ về nước bằng việc chuyển hóa chiến lược từ “Chiến tranh cục bộ” sang “Việt Nam hóa” chiến tranh. 

Chiến dịch Mậu Thân, quân và dân ta đã thực hiện được vế đầu trong bài thơ chúc Tết của “tiên tri” Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Và, cái vế thứ hai, phải 8 năm sau (năm Ất Mão), quân và dân ta mới thực hiện trọn vẹn để có ngày 30 tháng 4 lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông gom về một mối.

Bởi vậy, chiến thắng trong Chiến dịch Mậu Thân mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng mà đơn vị chúng tôi đã góp phần nhỏ bé phục vụ tốt cho chiến dịch. Từ công tác điều nghiên một số mục tiêu trong lòng địch, cho tới công tác chuẩn bị những ngày trước Tết đã trở thành kỷ niệm sâu sắc đối với cán bộ, chiến sĩ Cụm Tình báo chiến lược H67 - đơn vị Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân.

Khổng Minh Dụ
.
.
.