Mậu Tuất 1418 Khởi nghĩa Lam Sơn

Thứ Hai, 19/02/2018, 07:16
Năm Mậu Tuất 1418 đã đi vào sử sách với cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi ở Lam Sơn nhằm chống lại sự đô hộ của nhà Minh. Cuộc khởi nghĩa đã giúp đất nước hoàn toàn giải phóng, giành được độc lập tự chủ, mở ra thời kỳ phát triển mới - thời Lê sơ.

Năm Giáp Ngọ (1414), tướng nhà Minh là Trương Phụ, Mộc Thạnh hoàn thành xong việc đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần, bắt đầu tiến hành việc cai trị Đại Việt. Sự cai trị tàn bạo, khắc nghiệt của nhà Minh khiến người dân Đại Việt rất oán hận.

Lê Lợi là hào trưởng Lam Sơn, nằm ở tả ngạn sông Chu, Thanh Hóa. Trước ông theo Vua Trùng Quang, làm chức Kim ngô Tướng quân, sau Hoàng Phúc chiêu dụ đến cho làm Thổ quan Tuần kiểm, Lê Lợi không theo mà về ở ẩn chốn núi rừng làm nghề cày cấy. 

Tại đó, ông dùi mài kinh sử, chiêu hiền đãi sĩ, quy tụ được những hào kiệt như Lê Văn An, Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng, Lưu Nhân Chú, Trịnh Vô, Vũ Uy, Lê Liễu và Lê Xa Lôi. Ông thường nói với những hiền tài dưới trướng: “Trượng phu sinh ở đời phải nên cứu nạn lập công, sao lại chịu khổ làm tôi tớ người ta”.

Đến tháng Giêng, ngày Canh Thân, năm Bính Tuất (ngày 7-2-1418 dương lịch), Lê Lợi khởi binh ở Lam Sơn, xưng là Bình Định vương, cử cháu là Lê Thạch làm Tướng quốc, truyền hịch đi các nơi cùng chống quân Minh.

Khởi nghĩa Lam Sơn gồm 3 giai đoạn lớn: hoạt động ở vùng núi Thanh Hóa (1418-1423), tiến vào phía Nam (1424-1425) và giải phóng Đông Quan (1426-1427). Trong giai đoạn đầu, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn gặp rất nhiều khó khăn, thường phải hứng chịu các cuộc càn quét của quân Minh, mặc dù vẫn có những trận họ đánh thắng quân Minh và họ cũng từng đánh bại được quân Ai Lao cấu kết với quân Minh.

Quân khởi nghĩa bắt đầu giành thế thắng khi Lê Lợi tiến quân ra đất Nghệ An vào năm 1424. Họ đạt được nhiều thắng lợi to lớn, đỉnh điểm là đại thắng ở Tân Bình, Thuận Hóa. Cuối cùng, vào năm 1426, giữa lúc quân khởi nghĩa đang trên đà thắng lợi và tiếng tăm của Lê Lợi lên cao, quân khởi nghĩa tiến đánh thành Đông Quan, và đánh tan nát quân Minh trong trận Tốt Động - Chúc Động.

Bước sang năm 1427, nghĩa quân đập tan tác 10 vạn viện binh của đối phương trong trận Chi Lăng - Xương Giang, giết chết viên chỉ huy quân Minh là Liễu Thăng. Họ thu được nhiều chiến mã, lại còn bắt sống và tiêu diệt được nhiều tướng Minh. Cuối cùng, người Minh phải giảng hòa và thoái binh về nước, khiến cho nước Đại Việt không còn một mống quân xâm lăng.

Trong cuốn “Việt Nam Sử Lược”, nhà sử học Trần Trọng Kim có bình luận: "Giặc Minh lục tục về Bắc, bấy giờ mới thật là: Nam quốc sơn hà, Nam đế cư; nước Nam lại được tự chủ như cũ". Lê Lợi sai Nguyễn Trãi thảo bài “Bình Ngô Đại cáo” để bá cáo cho thiên hạ biết về việc đánh giặc Minh, được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai sau bài thơ “Nam quốc sơn hà”.

Bài "Bình Ngô Đại cáo" trở thành một áng văn chương có giá trị to lớn dưới Vương triều nhà Lê Sơ. Sau khi quân Minh rút về, trên danh nghĩa Trần Cảo là vua Việt Nam. Theo sử sách, đầu năm 1428, Trần Cảo tự biết mình không có công, lòng người không theo nên bỏ trốn vào châu Ngọc Ma (vùng núi phía Tây), nhưng không thoát, bị bắt mang về và bị ép uống thuốc độc chết.

Một số nhà nghiên cứu nghi ngờ việc Trần Cảo phải tự bỏ trốn mà cho rằng các tướng của Lê Lợi được lệnh sát hại Trần Cảo, hoặc Trần Cảo bị đe doạ phải bỏ trốn. Tuy nhiên, suy cho cùng Trần Cảo cũng chỉ là con bài chính trị để Lê Lợi đối phó với nhà Minh trong một giai đoạn cần thiết. Nhà Minh lấy lý do lập con cháu nhà Trần thực chất chỉ là cớ để đánh nhà Hồ.

Lê Lợi lên ngôi hoàng đế năm 1428, tức là Vua Lê Thái Tổ, chính thức dựng lên nhà Hậu Lê. Do chiến công của ông đánh bại quân Minh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông trở thành một vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam.

Việt Thi
.
.
.