MiG-35 mở ra triển vọng mới cho Nga trên thị trường vũ khí toàn cầu

Thứ Tư, 11/09/2019, 14:49
Máy bay chiến đấu đa chức năng thế hệ 4 ++ MiG- 35, được phát triển từ MiG-29K theo hướng gia tăng hiệu quả chiến đấu và tính đa dụng, đã được công bố việc bắt đầu sản xuất hàng loạt, được hy vọng sẽ trở thành hàng “hot” để xuất khẩu.


Triển lãm Hàng không vũ trụ quốc tế MAKS-2019 mới kết thúc tại Zhukovsky, ngoại ô Moskva (Nga), được đánh dấu bởi một số sự kiện. Một trong số đó là máy bay chiến đấu đa chức năng thế hệ 4 ++ MiG- 35, được phát triển từ MiG-29K theo hướng gia tăng hiệu quả chiến đấu và tính đa dụng, đã được công bố việc bắt đầu sản xuất hàng loạt, được hy vọng sẽ trở thành hàng “hot” để xuất khẩu.

MiG-35 là tổ hợp hàng không chiến đấu đa chức năng, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ như “tiêm kích chiếm ưu thế trên không", hay như một "máy bay cường kích". MiG-35 có thể yểm trợ lực lượng mặt đất trên chiến trường, hay hoạt động ở chiều sâu chiến thuật, tấn công vào các hệ thống liên lạc, sở chỉ huy và kho tàng đối phương. 

MiG-35 là một máy bay tiêm kích - bom (hạng nhẹ so với máy bay chiến đấu hạng nặng Su-30/35 và máy bay ném bom tiền tuyến Su-34). Những máy bay loại này từng phổ biến trong Không quân Liên Xô, nhưng trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, Nga đã chuyển các nhiệm vụ này sang máy bay chuyên ném bom và cường kích. Theo Sputnik, thực tế đã chứng minh rằng từ bỏ máy bay tiêm kích - bom là điều sai lầm.

MiG- 35 có chiều dài 17,3 m, cao 4,73 m, sải cánh gần 12 m, diện tích cánh 42m2. Trọng lượng cất cánh tối đa 23,5 tấn. Bao gồm 2 động cơ turbo phản lực RD-33MKV với buồng đốt tăng lực, vectơ lực đẩy đổi hướng, tạo ra lực đẩy tối đa 10.800 kgf (ở chế độ danh nghĩa) và 18.000 kgf (ở chế độ tăng lực). Động cơ RD-33MK có thể hoạt động tới 4.000 giờ.

MiG-35 sẽ là tiêm kích cơ bản của lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga trong tương lai.

MiG-35 có tốc độ tối đa trên mặt đất là 1.400 km/h, trên không trung 2.400km/h. Phạm vi hoạt động thực tế 2.000 km (không có bình dầu phụ), trần bay thực tế 17,5km, thời gian bay 2 giờ 12 phút. Phạm vi phát hiện tối đa mục tiêu trên mặt đất lên tới 60km và mục tiêu trên không 148 - 200km. 

Máy bay được trang bị pháo tự động 30mm (150 viên đạn); 9 điểm treo vũ khí bên ngoài cho phép máy bay sử dụng một loạt "vũ khí hàng không" với tổng trọng lượng lên tới 6,5 tấn (tên lửa không đối không có điều khiển, chống hạm, chống radar, tên lửa không đối đất không và có điều khiển, có thể hiệu chỉnh bom thông thường). Máy bay có thể một hoặc hai chỗ ngồi. Đặc biệt, với tiềm năng hiện đại hóa vốn có và bảo dưỡng kịp thời, máy bay có thể hoạt động tới 40 năm. 

Thiết bị trên máy bay bao gồm một radar mảng pha chủ động (AFAR) (có khả năng bắt và theo dõi tới 30 mục tiêu trên không cùng lúc), buồng lái kỹ thuật số, với chỉ báo thống nhất cho phép theo dõi hoạt động của tất cả các hệ thống và điều khiển vũ khí, một tổ hợp phòng vệ mới. Có thể trang bị cho máy bay các thiết bị bổ sung theo yêu cầu cụ thể của khách hàng. Ngoài ra, phiên bản xuất khẩu đã thay đổi một chút hình dạng của khung máy bay. Tăng nhẹ diện tích cánh để cải thiện hiệu suất khí động học.

MiG-35 sẽ là tiêm kích cơ bản của lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga trong tương lai, thay thế các máy bay chiến đấu MiG-29 đã lỗi thời. Các tiêm kích MiG-35 được đưa vào biên chế trong các đơn vị này sẽ hỗ trợ hỏa lực cho các đơn vị mặt đất trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang tại khu vực biên giới phía tây nước Nga. Theo dự đoán, vào năm 2020, lực lượng Không quân Vũ trụ Nga sẽ nhận được khoảng 30 tiêm kích MiG-35.

Theo các chuyên gia quân sự, hiện đại hóa là cách rẻ và nhanh nhất để cung cấp cho quân đội các tổ hợp hàng không cần thiết. Các cường quốc hàng không khác cũng đi theo con đường tương tự. Nga đã trang bị cho MiG-29 hệ thống vũ khí mới, hệ thống điện tử kỹ thuật số hiện đại, động cơ mới, radar (radar Zhuk với ăng ten mảng pha chủ động), tổ hợp phòng thủ. Do đó, tiềm năng chiến đấu của máy bay đã tăng ít nhất 2,5 lần.

Bên cạnh phiên bản cơ bản của MiG-35, 2 chiếc MiG-35D cũng đang được sản xuất và chúng sẽ trở thành máy bay huấn luyện chính dành cho công tác đào tạo phi công tiền tuyến. "Các tiêm kích hạng nhẹ này rất kinh tế, chúng phù hợp cho việc đào tạo các học viên trong các khóa huấn luyện, đào tạo phi công trong các đơn vị chiến đấu với mọi loại thiết bị bay, mọi động tác cơ động và mọi loại vũ khí", Thượng tướng Viktor Bondarev, Tư lệnh Không quân Nga, nói.

Tổng Giám đốc Tập đoàn chế tạo máy bay United Aircraft Corporation (UAC) của Nga Yuri Slusar cho biết: “Năm 2019, chúng tôi có kế hoạch sản xuất hàng loạt máy bay MiG-35. Cho đến kỳ hạn đó máy bay sẽ trải qua các chuyến bay thử nghiệm, sẽ được hoàn thành vào đúng thời hạn".

Việc hoàn tất các bài thử nghiệm tại nhà máy của phiên bản máy bay tiêm kích MiG-35 mở ra triển vọng mới cho Nga trên thị trường vũ khí toàn cầu. "Cuộc thử nghiệm thành công máy bay MiG-35 đa năng đã mở ra tiềm năng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Dựa vào đặc điểm chiến thuật và kỹ thuật, cũng như việc sử dụng rộng rãi ở nước ngoài phiên bản MiG-29, cho thấy máy bay sẽ có nhu cầu  cao đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông, Bắc Phi và Mỹ Latinh", Giám đốc Trung tâm Phân tích thị trường vũ khí thế giới Igor Korotchenko nói với Sputnik.

MiG-35 không chỉ thu hút được sự quan tâm của quân đội Nga mà còn của nhiều nước trên thế giới, hiện có hơn một nửa trong số 56 quốc gia sở hữu tiêm kích MiG-29 bày tỏ sự quan tâm đến tiêm kích MiG-35, các quốc gia này đều có đủ cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ cho MiG-35. Một trong những khách hàng tiềm năng nhất với MiG-35 là Ấn Độ, quốc gia được đánh giá là luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho tiêm kích tiền tuyến. 

Ngọc Trang
.
.
.