Mikhail Abyzov chính trị gia bị cáo buộc rửa tiền

Chủ Nhật, 05/07/2020, 07:22
Là một trong 10 người giàu nhất nước Nga và được Forbes xếp hạng tỷ phú thế giới với thu nhập bình quân của gia đình hơn 450 triệu rúp/năm và sử dụng nhiều nhà ở, phương tiện đắt tiền nhưng vào năm 2019, cựu Bộ trưởng phụ trách những vấn đề thuộc Chính phủ mở Mikhail Abyzov bị cáo buộc tham nhũng, rửa tiền và sắp phải hầu tòa đối diện với mức án 20 năm tù.


Con đường làm giàu và ngoi lên trở thành chính trị gia của Mikhail Abyzov xem ra không phải trải bằng hoa hồng.

Bộ trưởng năng động

Mikhail Abyzov từng là sinh viên chuyên ngành toán học tại Đại học quốc gia Moscow, ngôi trường danh tiếng ở Nga. Ngay từ thời sinh viên, vào đầu những năm 1990, Mikhail Abyzov đã kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm từ Bulgaria về nước bán. Ông ta thành lập Công ty Intershops để kinh doanh hàng tiêu dùng và thiết bị văn phòng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi ra trường một thời gian, Mikhail Abyzov đã giữ các vị trí cấp cao trong một số công ty trong tổ hợp nhiên liệu và năng lượng. Năm 1998, Mikhail Abyzov được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Novosibirskenergo. Cùng năm, Mikhail Abyzov được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị và Trưởng phòng Chính sách đầu tư và các dự án kinh doanh của RAO UES của Nga.

Cựu Bộ trưởng Mikhail Abyzov và Vladimir Puchkov, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Khẩn cấp và Cứu trợ Thảm họa cùng nguyên Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov.

Tố chất thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát đã giúp Mikhail Abyzov nhanh chóng đứng vào vị trí lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn. Năm 1999, Abyzov là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị RAO UES của Nga. Năm 2004, Mikhail Abyzov được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị của RAO và giám đốc điều hành của Đơn vị kinh doanh số 1.

Chưa hết, tháng 6-2003, Abyzov là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hệ thống tiện ích Nga OJSC. Rất nhanh sau đó, vào tháng 7-2005, Mikhail Abyzov là Tổng giám đốc của Công ty quản lý CJSC UK Kuzbassrazrezugol. Chỉ 9 tháng sau đó, vào tháng 4-2006, Abyzov đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty than Power Fuel của Anh. Kể từ tháng 7-2007, Mikhail Abyzov là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn OJSC E4. Và đến tháng 8-2007, Abyzov là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Mostotrest OJSC.

Abyzov gia nhập chính phủ Nga vào năm 2012, là người thân cận của Thủ tướng Dmitry Medvedev và giữ chức Bộ trưởng Chính phủ mở làm nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức giám sát chức năng của cơ quan mới, chịu trách nhiệm đảm bảo các hoạt động của nhà nước Nga trở nên minh bạch hơn và cho phép chính quyền thảo luận sáng kiến với xã hội.

Ở thời điểm trước khi rời chức vụ vào năm 2018, Mikhail Abyzov là gương mặt chính trị gia cực kỳ sáng giá. Ông ta là đại diện duy nhất của cơ quan hành pháp liên bang và cũng là người duy nhất không phải là nghị sĩ trong danh sách 10 chính trị gia giàu nhất nước Nga. Mikhail Abyzov luôn được coi là người có cuộc sống dư giả bậc nhất trong Chính phủ Nga thời đó. Forbes ước tính tài sản của ông lên đến 600 triệu USD hồi năm 2018.

Mikhail Abyzov.

Với mức thu nhập cao ngất ngưởng, Mikhail Abyzov cùng gia đình ở tại 3 căn hộ có diện tích lần lượt là 135, 318 và 85m2 cùng 2 ngôi nhà diện tích 899,6 và 551,1m2. Phương tiện đi lại là Mercedes-Benz S500, 1 xe Porsche Panamera, 2 chiếc Land Rover và Range Rover, 1 chiếc Lexus LS460, 1 xe máy Harley-Davidson FLSTN, 1 xe gắn máy Ducati, 1 xe máy Yamaha YZF-R1, 1 xe gắn máy Ducati 1199 Panigaler, 1 máy bay trực thăng Robinson44 Clipper II, 1 xe trượt tuyết Yamaha SXV70VT.

Bị cáo buộc rửa tiền, điều hành tổ chức tội phạm

Sau khi Abyzov thôi giữ chức vụ bộ trưởng và trở lại với công việc kinh doanh thuần túy thì ông ta không ở Nga mà chủ yếu sống ở Mỹ và Italia. Vào mùa hè năm 2019, do thấy khoản thu nhập của Abyzov tăng lên một cách đáng ngờ, Viện Công tố tiến hành kiểm tra số tài sản ấy.

"Cái kim trong bọc" lâu ngày bắt đầu lòi ra. Nhưng rất nhanh sau đó, ở Nga xuất hiện những nguồn tin không chính thức nói rằng các cơ quan thanh tra không phát hiện sai phạm gì và cho rằng Abyzov có nguồn thu nhập lớn là do bán cổ phần, và điều này không vi phạm luật pháp Nga.

Trong bản kê khai và được công khai, thu nhập của vợ Abyzova chỉ có 678.000 rúp hoàn toàn mang tính tượng trưng nhưng nó vẫn thuộc về tài sản cơ bản của gia đình. Còn những đồ giải trí khác, trong đó có chiếc máy bay trực thăng, được Abyzova ghi vào mục tài sản cá nhân. Tuy thế, nhưng cuối tháng 3-2019, Mikhail Abyzov đã bị Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) bắt giữ vì cáo buộc biển thủ 4 tỷ rúp (15,5 triệu USD).

Các nhà điều tra tin rằng ông Abyzov và các đồng phạm đã kiếm được tiền bằng cách lừa đảo các cổ đông của 2 công ty năng lượng lớn ở Vùng Novosibirsk của Nga. Các khoản tiền sau đó được chuyển ra nước ngoài thông qua một số công ty mà bản thân cựu Bộ trưởng sở hữu trong giai đoạn từ năm 2011- 2014.

Theo cáo buộc của Ủy ban điều tra, những hành động của nhóm tội phạm mà ông Abyzov đã tổ chức và lãnh đạo gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế ổn định của một số khu vực Nga. Với tội danh này, Abyzov có thể phải ngồi tù đến 20 năm theo luật pháp Nga. Tuy nhiên, cựu luật sư Alexanderr Ansis nói với truyền thông rằng thân chủ của ông đã phủ nhận cáo buộc. Để bắt được Abyzov, có nguồn tin đã kể rằng, FSB đã phải dùng kế "dụ" ông quay về Nga dự sinh nhật một người bạn rất thân cận.

Mikhail Abyzov trong nhà giam.

Vào năm 2017, nhà hoạt động chống tham nhũng, ông Mitchsei Navalny đã báo cáo rằng Abyzov sở hữu một biệt thự ở Italia trị giá khoảng 11,7 triệu USD. Navalny báo cáo rằng Abyzov đã tích lũy tài sản của mình thông qua các kết nối ngành năng lượng của mình ở thành phố Novosibirsk. Abyzov cũng từng bị chỉ trích vì những vụ phá hoại nội bộ của chính phủ mở mà điện Kremlin đã tuyên bố sẽ ban hành sau các cuộc biểu tình chống chính phủ hàng loạt vào năm 2011-2012.

Ủy ban điều tra đã nói rằng Abyzov bị cáo buộc liên quan đến một nhóm tội phạm đã biển thủ 4 tỷ rúp (khoảng 62 triệu đô la) từ Công ty Năng lượng Siberia và Lưới điện khu vực ở thành phố Novosibirsk. Các nhà điều tra cáo buộc rằng Abyzov và năm đồng phạm đã đánh cắp tiền và chuyển tiền ra ngân hàng Thụy Điển.

Sau khi Abyzov bị bắt, Kênh truyền hình công cộng quốc gia Sveriges (SVT) đã thông tin về báo cáo dự thảo nội bộ của Swedbank do OCCRP và đối tác Thụy Điển, đầu sỏ Nga Mikhail Abyzov đã xây dựng một mạng lưới phức tạp gồm các công ty nước ngoài được sử dụng để chuyển tài sản ra khỏi Nga. Thông tin nói rằng, giai đoạn 2011-2016, tiền vào tài khoản Swedbank của các công ty liên kết với Abyzov có tổng trị giá khoảng 860 triệu đô la; 770 triệu đô đã chảy ra nước ngoài.

Còn trong báo cáo nội bộ của 70 công ty nước ngoài ở Quần đảo Virgin thuộc Anh, Síp, Singapore và Belize có tài khoản ở Swedbank Estonia, nơi một người quản lý khách hàng từng chịu trách nhiệm giám sát các giao dịch đã giúp chuyển các khoản tiền đáng ngờ. Một số công ty đã được sử dụng để chuyển nhượng cổ phần từ các thỏa thuận năng lượng trong khi Abyzov là một bộ trưởng chính phủ. Một cái khác đã được sử dụng để mua một biệt thự sang trọng ở Tuscany.

Tính đến nay, Abyzov là bộ trưởng chính phủ thứ hai bị giam giữ và đối mặt với việc truy tố hình sự trong hai năm qua. Trước đó, năm 2017, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế cũ Alexei Ulyukayev bị kết án tám năm tù vì hối lộ.

Sau khi bắt Abyzov, Ủy ban điều tra Nga đã bắt giữ 3 nghi phạm khác do kết quả của cuộc điều tra hình sự xung quanh Abyzov, trong khi một nghi phạm thứ tư đang ở nước ngoài.  Vụ bắt giữ Abyzov vào tháng 3-2019 đã gây ngạc nhiên cho những người theo dõi chính trị Nga, người coi đây là một dấu hiệu cảnh báo khác của các cơ quan tình báo và an ninh Nga chống lại các nhân vật chính trị thiên về tự do.

Ngày 25-3-2020, Tòa án Nga đã ra lệnh giam giữ Mikhail Abyzov đến ngày 25-6 về tội danh tham ô, rửa tiền... Nhưng trong tháng 6-2020, ở Moscow đã xảy ra 2 vụ tự sát chỉ cách nhau vài tuần đều là những người giàu có, quan hệ rộng và phức tạp với nhiều chính trị gia Nga. Điều này cho thấy, những động thái sửa đổi Hiến pháp Nga của Tổng thống Putins mà trong đó vấn đề phòng, chống tham nhũng được coi trọng thì dường như đã bắt đầu cho kết quả.

Mạnh Thắng
.
.
.