Mô hình dự báo "đập chuột chũi"

Thứ Ba, 18/04/2017, 11:05
Hiệu quả gần 50% là một con số đáng khích lệ của mô hình dự báo tội phạm như trò chơi đập chuột chũi. Nó được áp dụng thí điểm tại thành phố Atlantic (Mỹ). Mô hình này thế nào?


Đứng trong cửa hàng thức ăn nhiều màu sắc của mình, Nael Zumot nở nụ cười rạng rỡ khi bắt tay với anh cảnh sát khu vực.

“Họ đã làm được điều tuyệt vời. Chỉ trong vòng 2 tuần lễ, chúng tôi đã thấy rất nhiều cải thiện”, Zumot nói.

“Bạn thấy đó”, anh ta vừa nói vừa chỉ ra phía ngoài cửa kính. “Giờ không có ai ở đó nữa. Không có ai hút cần sa, không ai xin đểu, không ai bán ma túy. Bạn biết đấy. Thật tuyệt vời nếu tình hình này được duy trì”.

Nhiều ông chủ và nhân viên ở các tiệm xung quanh cũng chia sẻ những câu chuyện tương tự. Tất cả đều đánh giá cao chương trình mới triển khai từ cuối tháng 2-2017 của Sở Cảnh sát thành phố Atlantic (Mỹ).

Zumot chỉ sợ bọn du côn sẽ quay lại khi cảnh sát chuyển trọng tâm qua những vùng tội phạm cao khác.

Dự báo tội phạm

Đấu tranh chống tội phạm cũng giống như trò chơi đập chuột chũi. Cảnh sát từ lâu đã biết rằng bọn tội phạm thường tụ tập quanh các điểm nóng như quán bar, những ngôi nhà bỏ hoang, những khu phố tối tăm. Mỗi khi họ dọn sạch điểm này thì điểm khác lại mọc lên.

Nhưng điều gì sẽ diễn ra nếu cảnh sát có thể dự báo điểm kế tiếp sẽ mọc lên ở đâu? Cũng như trong trò chơi đập chuột chũi bạn có thể dự báo trước con chuột kế tiếp sẽ thò đầu lên ở lỗ nào?

Joel Caplan, một cựu sĩ quan cảnh sát và hiện là chuyên gia tội phạm học ở Đại học Rutgers, biết được điều đó. Ông lấy những bản đồ tội phạm mà cảnh sát đã dùng hàng chục năm, rồi mang chúng tới các đồn cảnh sát, cơ quan chính quyền và khảo sát trong dân chúng để xác định khu vực nào có thể sẽ thành những điểm nóng tội phạm.

Khi Caplan nghiên cứu điều này, ông nhận thấy những tên tội phạm đều có khuynh hướng tụ tập về những điểm nóng tiềm năng. Khi cảnh sát dọn sạch một điểm nóng, chúng sẽ chuyển đến những điểm nóng tương tự.

Cùng đồng nghiệp là Giáo sư Leslie Kennedy, cũng giảng dạy tại Đại học Rutgers, Caplan đã phát triển một hệ thống có tên gọi “Mô hình địa bàn rủi ro” (RTM). Mục đích hệ thống này nhằm giảm tội phạm bằng nỗ lực khiến những nơi có nguy cơ cao trở nên ít hấp dẫn với tội phạm.

Cho tới nay, kết quả thu được khá khả quan ở những khu vực được triển khai. Tại Newark, New Jersey, Sở cảnh sát địa phương có thể giảm bạo lực bằng súng xuống 35% tại những nơi RTM được sử dụng, so với những nơi chưa được áp dụng. Tương tự, Sở Cảnh sát Colorado Springs giảm số vụ trộm xe hơi xuống 1/3 tại những khu vực mục tiêu. Và Sở Cảnh sát Glendale giảm được 40% các vụ cướp tại những nơi được triển khai.

Bởi các thành phố khác nhau, nên RTM trước tiên cần được cung cấp dữ liệu tội phạm. Sau một năm, Caplan đã tỏ tường nơi nào ở thành phố Atlantic tập trung nhiều tội phạm nhất, đặc biệt quanh những cửa hàng tiện lợi và tiệm giặt ủi tự động.

Nhưng tìm ra các điểm nóng chỉ là bước đầu tiên. “Nó chỉ cho bạn biết nên đi đâu, chứ chưa cho bạn biết nên làm gì ở đó”, Caplan nói.

Vấn đề nan giải của chiến lược là những cuộc họp hành động, nơi Caplan họp mặt với cảnh sát, các cơ quan chức năng của thành phố và đại diện cư dân để tìm ra điều gì tại những nơi đó đã thu hút bọn tội phạm.

Chẳng hạn, ở thành phố Atlantic, các thành viên băng đảng và bọn buôn ma túy thường lởn vởn xung quanh những cửa hàng tiện lợi vì chúng thích mua lẻ thuốc lá. Chúng thường dùng các tiệm giặt ủi tự động làm nơi giao dịch ma túy, vì những nơi đó thường ít bị chú ý và có chỗ để giấu giếm ma túy.

Vì vậy, Caplan giúp cảnh sát vạch ra một kế hoạch đơn giản: Cảnh sát tuần tra đến những nơi nguy cơ cao càng thường xuyên càng tốt, chẳng hạn mỗi giờ đều tới. Họ không phải đến để bắt bớ, mà chỉ đến để chào các chủ tiệm, nói vài câu với ai đó rồi tiếp tục đi tuần.

Các chủ tiệm nói điều đó mang lại hiệu quả. Ian Pullman làm việc tại một tiệm cầm đồ ở đường Atlantic trong 20 năm qua. Ông cho biết cửa hàng tiện lợi cạnh tiệm ông thường là nơi tập trung của những tay du côn làm khách hàng e dè.

Thỉnh thoảng ông cũng cố nói lý lẽ với họ: “Tụi bây cứ đứng đó với bộ dạng như vậy làm sao khách hàng dám đến đây”.

Họ sẽ trả lời: “Bọn tôi chỉ canh chừng cảnh sát”. Ông tin rằng họ là những tên buôn ma túy.

Cảnh sát thường xuyên lui tới đã khiến những tên du côn chuyển đi nơi khác. “Thật là tốt. Bạn không còn thấy một đám người mặt mũi bặm trợn đó nữa”,  Pullman nói.

Chưa phải thuốc trị bách bệnh

Hạ sĩ Brian Shapiro nói anh không biết nhiều về chương trình RTM. Đối với anh, đi tuần và nói chuyện, chào hỏi người dân luôn là công việc của anh. Anh rất lễ phép và thân thiện, nhưng luôn để ý đến bất kỳ thứ gì có vẻ bất thường. Trong vòng một tiếng đi tuần, anh nói chuyện với khoảng vài chục chủ tiệm và nhiều người dân địa phương.

RTM giúp Sở Cảnh sát tập trung nguồn lực của mình một cách hiệu quả. Chúng tôi giữ gìn trị an một cách thông minh hơn. Chúng tôi triển khai người tới những nơi thường không được chú trọng đúng mức”, Phó Cảnh sát trưởng William Mazur nói.

Ngoài ra, RTM không chỉ là công việc của cảnh sát. Vào phiên họp hành động ngày 15-2 vừa qua, những cơ quan nhà nước khác cũng được thúc đẩy chịu trách nhiệm với tội phạm. Người dân hỏi: “Nếu có một con phố tối tăm, tại sao chính quyền không lắp thêm đèn? Khi bọn buôn ma túy dùng những căn nhà bỏ hoang làm điểm cất giấu, tại sao thành phố không đập bỏ chúng đi luôn?”. Các quan chức thành phố đã cam kết sẽ xem xét những vấn đề đó.

Dù RTM đã tỏ ra khá hiệu quả, nhưng nó không phải là phương thuốc trị bách bệnh, theo thừa nhận của Mazur. Theo ông, có 3 điều kiện phát sinh tội phạm: kinh tế, văn hóa và cơ hội. Bần cùng sinh đạo tặc; thiếu giáo dục thì dễ hư hỏng; và nhiều khi người ta sẽ nảy sinh tư tưởng xấu nếu có cơ hội và biết rằng sẽ không bị ai phát hiện.

RTM không cho người ta việc làm hay dạy người ta đạo đức, nhưng nó có thể giảm bớt cơ hội phạm tội.

Ước Lễ (Theo Epoch Times)
.
.
.