Mở rộng chiến dịch truy bắt tội phạm mạng

Thứ Tư, 28/02/2018, 21:55
Vụ cảnh sát Thái Lan bắt Sergey Medvedev, 31 tuổi, công dân Nga bị tình nghi đồng sáng lập và điều hành Infraud Organization vừa bị Mỹ đánh sập mới đây, đang khiến dư luận và giới chuyên môn quan tâm.


Theo cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ, 36 đối tượng có liên quan tới tổ chức tội phạm kể trên và đã có 30 người bị bắt ở Mỹ và 6 nghi phạm bị bắt tại Australia, Anh, Pháp, Italia, Kosovo và Serbia. 

Theo cảnh sát Mỹ, trong 7 năm hoạt động, Infraud Organization đã kết nạp 10.901 thành viên, họ đến và ở nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Anh, Ai Cập, Pakistan, Bangladesh, Serbia, Kosovo, Canada, Australia và cung cấp các dịch vụ giao dịch gian lận, trong đó có các giao dịch Bitcoin, gây thiệt hại khoảng 530 triệu USD. 

Được biết, Infraud Organization được thành lập tại Ukraine vào năm 2010 với khẩu hiệu "In Fraud We Trust" - nhái câu khẩu hiệu “Chúng tôi tin vào Chúa” của Mỹ, là mạng lưới tội phạm mạng chuyên đánh cắp và bán các dữ liệu về thẻ tín dụng và thông tin cá nhân trên thế giới. 

Mặc dù Sergey Medvedev không nằm trong danh sách các nghi phạm bị kết án tại Mỹ, nhưng tên này và Svyatoslav Bondarenko, người Ukraine đều bị truy nã. 

Theo giới truyền thông, Cục Trấn áp tội phạm Thái Lan đã bắt Sergey Medvedev tại một căn hộ ở thủ đô Bangkok và hắn thường xuyên ra vào xứ sở chùa Vàng trong vòng 6 năm qua với thị thực du lịch. Được biết sau khi bị bắt, Sergey Medvedev hiện đang bị giam tại nhà tù ở Bangkok và chờ làm thủ tục để dẫn độ về Mỹ quy án. 

Theo giới chuyên môn, Thái Lan đã trở thành địa bàn hoạt động của các tổ chức tội phạm mạng. Và vụ bắt giữ gây tranh cãi nhất trong năm 2017 của cảnh sát Thái Lan chính là Alexandre Cazes, người Canada bị Mỹ truy nã vì điều hành AlphaBay, trang web đen buôn bán ma túy lớn nhất thế giới. Sau khi bị bắt và tạm giam, Alexandre Cazes đã tự sát vì sợ bị dẫn độ tới Mỹ xét xử.

Sergey Medvedev (giữa) bị cảnh sát bắt giữ.

Tờ Izvestia vừa dẫn lời luật sư Igor Litvak cho biết, thân chủ của ông là Pyotr Levashov, người Nga đang bị đối xử tệ bạc trong một nhà tù Mỹ, sau khi bị bắt với cáo buộc có dính líu đến hoạt động tấn công mạng. 

Được biết, ông Pyotr Levashov bị cấm gọi điện cho người thân, không được ra ngoài đi bộ, nói chuyện với tù nhân khác, cũng như tắm và đọc báo. Theo giới truyền thông, Pyotr Levashov bị bắt ngày 7-4-2017 ở Barcelona, Tây Ban Nha và mới bị dẫn độ tới Mỹ để xét xử. 

“Trong 8 tháng ở Tây Ban Nha, chồng tôi cũng bị biệt giam, và cơn ác mộng này đang tiếp diễn. Luật sư của chồng tôi sẽ liên hệ với Đại sứ quán Nga tại Mỹ về chuyện này”, vợ ông Pyotr Levashov than thở vì không thể liên lạc kể từ khi chồng bị dẫn độ tới Mỹ. 

“Nếu quả thực bị dẫn độ tới Mỹ, tôi sẽ bị tra tấn. Tôi sẽ bị giết trong vòng một năm hoặc sẽ tự tử”, Pyotr Levashov từng nói khi còn bị giam ở Tây Ban Nha. Theo cáo buộc tại phiên tòa ở bang Connecticut, Pyotr Levashow có liên quan tới những vụ máy tính bị nhiễm mã độc mang tên Keliho. 

“Pyotr Levashov dẫn đầu hệ thống Keliho kể từ năm 2010. Và mạng lưới này thu thập thông tin cá nhân của người dùng, tìm kiếm các máy tính bị nhiễm mã độc, chặn truy cập internet…”, trích cáo buộc của tòa.

Trong khi đó, Tòa án Tối cao Anh vừa ra phán quyết ủng hộ đơn kháng cáo của nghi can tin tặc người Anh Lauri Love liên quan đến việc dẫn độ bởi mắc hội chứng Asperger. 

Theo đó, mặc dù bị cáo buộc đột nhập vào mạng máy tính của FBI, Ngân hàng Dự trữ Liên bang, Lục quân Mỹ và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA) trong các năm 2012 và 2013, nhưng Lauri Love không bị dẫn độ, bất chấp yêu cầu của Mỹ. 

Điều đáng nói là việc này diễn ra cho dù Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd đã thông qua lệnh dẫn độ Lauri Love sang Mỹ để xét xử và tòa án của Anh cũng đã cho phép việc này.

Cảnh sát Đức vừa công bố kết quả của một cuộc khảo sát do họ phối hợp với Cơ quan an ninh mạng, theo đó có tới 41% người sử dụng Internet ở Đức từng là nạn nhân của tội phạm mạng. 

Tuy có tới 71% người sử dụng Internet nhận thức được an ninh mạng là đặc biệt quan trọng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến, nhưng lại chỉ có 4% nhận ra tầm quan trọng khi kết nối thiết bị gia đình với Internet. 

Và mặc dù có tới 2/3 số người sử dụng Internet đã cài đặt phần mềm chống virus và tường lửa, nhưng các thủ tục bảo vệ thiết yếu khác lại hiếm khi được sử dụng. 

Trước đó, 3 ngân hàng hàng đầu của Hà Lan là ING, Rabobank và ABN Amro thông báo, tin tặc đã phong tỏa việc truy cập website cũng như dịch vụ ngân hàng trực tuyến của họ. 

Theo người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Hà Lan Klaas Knot, đây không phải lần đầu tiên, các ngân hàng nước này hứng chịu các vụ tấn công DDoS. 

Thiện Lân
.
.
.