Tội phạm có tổ chức: Mối đe dọa lớn cho an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Thứ Năm, 05/03/2015, 07:00
Trong bài trả lời phỏng vấn Tờ DW (Đức), ông Rajiv Biswas, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương của HIS (đơn vị chuyên nghiên cứu và phân tích thông tin toàn cầu)  đã nhận định rằng, các quốc gia châu Á đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn từ sự liên kết giữa tội phạm có tổ chức và khủng bố. Điều này đặt ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn với an ninh kinh tế của các quốc gia trong khu vực. 

Thu nhập của tội phạm có tổ chức bằng 1,5% GDP toàn cầu

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Rajiv Biswas, các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã cho thấy sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong vài thập kỷ qua. Sự tăng trưởng kinh tế góp phần vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống và thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển. Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng làm cho các nhóm tội phạm có "đất" để hoạt động phạm pháp như buôn bán ma túy, buôn người, mại dâm, sản xuất hàng giả…

Văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) cảnh báo rằng, sự phát triển của tội phạm có tổ chức hoạt động xuyên quốc gia sẽ tác động lớn đến chính trị và kinh tế trong khu vực. UNODC đã ước tính rằng, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia có thể kiếm được lợi nhuận bằng khoảng 1,5%  GDP toàn cầu, trong đó, khoảng 36% thu được từ việc buôn bán ma túy. Bằng cách tính tương tự, có thể ước tính số lợi nhuận mà tội phạm có tổ chức kiếm được trong khu vực Châu Á.

Tội phạm có tổ chức đang đe dọa sự phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 2014, tổng GDP của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và Đông Nam Á là khoảng 24 nghìn tỷ USD trên danh nghĩa. Như vậy, doanh thu hằng năm của tội phạm xuyên quốc gia vào khoảng 360 tỷ USD. Cơ quan chức năng của Australia đã ước tính, thu nhập hằng năm của các nhóm tội phạm ở nước này vào khoảng 15 tỷ AUD.

UNODC ước tính, trong năm 2011, số tiền mà các nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc kiếm được từ việc buôn bán ma túy là khoảng 31 tỷ USD. Cũng trong năm này, doanh thu từ việc buôn bán hàng giả  khoảng 24 tỷ USD.

Sự liên kết giữa tội phạm có tổ chức và khủng bố

Sự liên kết giữa tội phạm có tổ chức và mạng lưới khủng bố đang đặt ra hàng loạt nguy cơ đối với an ninh các quốc gia châu Á. Mối đe dọa bao gồm việc tội phạm có tổ chức buôn bán vũ khí cho khủng bố trên toàn thế giới cũng như tài trợ cho khủng bố bằng tiền kiếm được từ việc buôn bán ma túy.

"Khoản thu nhập bất hợp pháp của các nhóm tội phạm có tổ chức rất lớn, ước tính trên 350 tỷ USD mỗi năm. Tội phạm có tổ chức làm giảm hiệu lực của pháp luật và công tác quản lý xã hội ở các quốc gia châu Á", ông Rajiv Biswas nhận định. Ông Rajiv Biswas cho biết thêm, tham nhũng đã là một trong những vấn đề nghiêm trọng ở nhiều nước châu Á và tội phạm  chắc chắn sẽ được sử dụng tiền "mua sự trung thành" của các quan chức để được hoạt động bất hợp pháp.

Hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức ngày càng tinh vi và đa dạng về lĩnh vực hoạt động như buôn bán ma túy, buôn người, mại dâm, sản xuất hàng giả, buôn bán gỗ trái phép… Hiện nay, các nhóm tội phạm tìm cách rửa tiền bằng cách thành lập các doanh nghiệp hợp pháp và sử dụng danh nghĩa công ty để mua bất động sản hoặc tài sản.

Việc hợp thức hóa tài sản phạm tội thông qua các doanh nghiệp hợp pháp cũng tạo điều kiện thuận lợi để các băng nhóm tội phạm mở rộng hoạt động trên toàn cầu và che giấu hoạt động bất hợp pháp qua biên giới quốc gia.

Đẩy mạnh chiến dịch đấu tranh với tội phạm có tổ chức

Hiện nay, các quốc gia trong khu vực ASEAN đã thiết lập khuôn khổ hợp tác giữa các chính phủ trong việc đấu tranh với tội phạm có tổ chức như Hội nghị Bộ trưởng ASEAN chống tội phạm xuyên quốc gia - AMMTC  (tổ chức hai năm một lần); Hội nghị chống tội phạm xuyên quốc gia có sự tham gia của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc (AMMTC + 3).

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Rajiv Biswas, các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương cần đẩy mạnh chiến dịch chung chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và đầu tư nguồn lực lớn hơn để giải quyết vấn đề này. "Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đang là vấn đề lớn đe dọa an ninh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Các quốc gia trong khu vực cần có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa, tập trung đầu tư nguồn lực để giải quyết vấn đề cấp bách này", ông Rajiv Biswas nhận định.

T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.