Một kịch bản xung đột lớn

Thứ Hai, 23/01/2017, 10:01
Mỹ và NATO có thể gây chiến với Nga, CHDCND Triều Tiên trong năm 2017, theo cảnh báo của các chuyên gia an ninh phương Tây hàng đầu.


Trang International Business Times (Mỹ) ngày 14-12 dẫn một thăm dò của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR, một tổ chức nghiên cứu bất vụ lợi chuyên về chính sách đối ngoại của Mỹ và các vấn đề quốc tế) rằng Nga và NATO có thể lâm cảnh chiến tranh trong năm 2017.

Những bất đồng giữa Tây Âu với Nga có thể lôi kéo Mỹ vào cuộc (theo thỏa thuận quân sự với NATO)

Lời dọa đầu Năm mới

Khi được hỏi về “một cuộc xung đột quân sự cố tình hoặc vô tình giữa Nga với các nước thành viên NATO”, các chuyên gia cho rằng khả năng tuy “nhỏ” nhưng hậu quả khá “nặng”.

Các chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại về một cuộc chiến giữa Mỹ với CHDCND Triều Tiên, từ chuyện Bình Nhưỡng thử tên lửa hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Những nỗi lo ngại khác gồm: việc cơ sở hạ tầng Mỹ bị tấn công mạng, một cuộc tấn công khủng bố xảy ra ngay trên đất Mỹ, Chính phủ Afghanistan sụp đổ và xảy ra nội chiến ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tướng Lục quân 4 sao của Mỹ Curtis M.Scaparrotti ( thứ 2 từ trái qua) và Tư lệnh Đồng minh châu Âu tham dự Ủy ban Quân sự NATO.

Paul B. Stares, lãnh đạo nhóm thăm dò, nói: “Với tân Tổng thống Mỹ, điều quan trọng là giúp các nhà lập chính sách tránh được những khủng hoảng tiềm năng có thể bùng phát và đe dọa các quyền lợi Mỹ.

Thăm dò hàng năm của chúng tôi nhằm nêu cao cảnh giác về những nguy cơ bất ổn nhất và chiến tranh có thể xảy ra trên toàn thế giới, để Chính phủ Mỹ có thể tối ưu nỗ lực đối phó thật thích đáng”.  

Các chuyên gia an ninh và quan chức tình báo Mỹ đều cảnh báo về nguy cơ bùng nổ chiến tranh chết người giữa Mỹ và các nước hàng đầu thế giới khác. Việc tân Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa quan hệ tốt với Nga và CHDCND Triều Tiên không làm xẹp được những lo ngại này.

Theo báo New York Times, hồi tháng 10-2016,  James R. Clapper, lãnh đạo Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (NSA) nói về CHDCND Triều Tiên: “Tôi cho rằng sẽ không có chuyện Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, tấm vé để họ sống sót”.

Ông cũng nói Nga dư khả năng bắn hạ máy bay Mỹ ở nội chiến Syria, khi Nga đứng về phía chính phủ Tổng thống Bashar Assad trong khi Mỹ “chống lưng” cho quân nổi dậy.

Tỷ phú Trump nói sẽ cải thiện quan điểm của Mỹ với Nga và với CHDCND Triều Tiên. Nhưng ông cũng bị chỉ trích là quá thân với Điện Kremlin; đồng thời chỉ trích các nước NATO. Ông đòi các nước này phải tự bỏ tiền ra lo tự vệ.

Hiện có 28.500 binh sĩ Hoa Kỳ đồn trú tại Hàn Quốc.

Chưa thể khẳng định lời hứa cải thiện quan hệ Mỹ - Nga của ông Trump sẽ được thực hiện hay không. Bất đồng giữa Mỹ - Nga đã lên cao vì chuyện xử lý nội chiến Syria, và chuyện chính quyền Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama cấm vận Nga với lý do Moscow “chiếm” Crimea của Ukraine hồi năm 2014.

Vào đầu năm 2016, báo Christian Science Monitor có bài viết cho rằng dân Nga sợ chiến tranh với Mỹ trong năm mới 2016, vì Điện Kremlin khua trống trận và Mỹ cùng NATO tỏ thái độ cứng rắn.

Bài báo dẫn lời Magomed Tolboev, một cựu phi công lái máy bay ném bom Liên Xô, cho rằng mối quan hệ Nga - Mỹ nay xuống cấp nghiêm trọng hơn cả thời đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.

Thời ấy, Tolboev được huấn luyện ráo riết để tấn công hạt nhân vào một căn cứ Không quân Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói: “Thời Chiến tranh Lạnh, có những trật tự có thể đoán trước. Hai bên, hai lãnh đạo và mọi sự tùy thuộc họ. Nay có quá nhiều tay chơi, nhiều người không nằm dưới sự kiểm soát của bất kỳ người nào khác, như CHDCND Triều Tiên, hoặc các phe phái đòi thống trị Syria. Nên không chỉ có căng thẳng ngày càng tăng giữa Moscow với Washington, mà là một sự bất đồng đa phương đầy phức tạp. Rất đáng lo”.

Nhiều người dân Nga cũng có nỗi sợ như Tolboev. Họ nói kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, đây là lần đầu tiên họ cảm thấy bóng mây chiến tranh đang quần tụ, kèm theo chuyện bài Mỹ đang vươn tầm cao mới.

Người Nga cao tuổi nói rằng họ từng trải qua nỗi sợ này, nay có thể chịu đựng tiếp. Nhưng giới trẻ thì rất cảnh giác.

Dù nỗi sợ Nga - Mỹ đánh nhau bằng hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh có thể chưa quay lại, nội  dung chính của tin thời sự Truyền hình Nga vẫn chỉ gồm nội chiến ở Ukraine và Nga sáp nhập Crimea, cùng cuộc can thiệp quân sự của Nga ở Syria.

Các thăm dò dư luận cho biết dân Nga ủng hộ quyết định can thiệp quân sự của Tổng thống Vladimir Putin, nhưng họ cũng lo lắng trước chiến dịch quân sự đầu tiên ở nước ngoài kể từ sau lần quân Liên Xô tham gia đánh quân mujahideen ở Afghanistan suốt 9 năm.

Quân Mỹ chưa thể thắng quân Putin

Trang tin Daily Beast (Mỹ) dẫn lời Stanislav Belkovsky, cựu cố vấn Điện Kremlin và nay là nhà phân tích độc lập: Ông Putin sẵn sàng đánh nhau với NATO vì tin chắc Mỹ muốn chiếm đóng nước Nga.

Còn theo nhà phân tích quân sự Nga Pavel Felgenhauer, Điện Kremlin đoan chắc khủng hoảng Ukraine do Mỹ tổ chức, nhằm ngăn chặn Nga chuẩn bị một cuộc chiến tranh toàn cầu để chiếm đoạt các nguồn tài nguyên.

Ông nhắc hồi tháng 2-2013, tướng Valeriy Gerasimov, Tham mưu trưởng Quân đội Nga, nói: “Một cuộc chiến tranh lớn sắp xảy ra”.

Felgenhauer còn nói cuộc chiến giành tài nguyên này sẽ xảy ra lúc nào đó, giữa năm 2025 và năm 2030, khi thế giới phải đối phó với việc cực kỳ thiếu nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu thô, khí đốt, nước…

Tàu sân bay USS George Washington mang theo vũ khí hạt nhân.

Felgenhauer nói: “Một cuộc thế chiến hoặc nhiều cuộc chiến tranh khu vực sẽ bùng nổ, trong đó, các quốc gia và các dân tộc sẽ đánh nhau tranh nguồn tài nguyên. Nga sẽ bị tấn công từ mọi phía, vì Nga có lãnh thổ rộng lớn, nhiều nguồn tài nguyên”. Vì thế, Nga phải thông qua một chương trình tái vũ trang để sẵn sàng cho cuộc chiến này.

Tờ Daily Beast cũng dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng Nga: quân đội Mỹ sợ thua quân của Tổng thống Putin, vì Mỹ chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài với Nga.

Thông tin này được đưa ra cùng một báo cáo nêu Moscow đang chuẩn bị một cuộc chiến chống Mỹ, khiến Mỹ phải kiểm tra khả năng phản ứng của quân đội bằng nhiều cuộc tập trận bí mật trong mùa hè qua.

Nhưng kết quả khiến Lầu Năm Góc và quân đội Mỹ phải lo sợ: họ chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài chống Nga, sau khi mất 15 năm tiến hành chiến tranh chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan. 

Tướng Raymond Odierno đã thôi chức Tư lệnh Bộ binh Mỹ, nói các cuộc tập trận của NATO  ở châu Âu cho thấy  nhiều thách thức, nếu NATO phải chống một cuộc tấn công của Nga: hệ thống đường sắt Đông Âu khác với Tây Âu (nơi quân Mỹ hay tập) khiến vận chuyển hậu cần khó hơn.

Và chỉ 33% các lữ đoàn bộ binh Mỹ có thể chịu đựng một cuộc chiến tranh kéo dài chống Nga. Ông không tin Chính phủ Mỹ có thể tăng số quân này lên ít nhất 60% trong vài năm tới.

Theo các quan chức Mỹ, số quân Mỹ triển khai ở châu Âu vào khoảng 31.000 quân, quá ít so với 250.000 quân Mỹ đóng tại châu Âu vào lúc Chiến tranh Lạnh lên đỉnh điểm.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) nói với Daily Beast: “Liệu chúng ta có thể đánh thắng Nga trong một trận chiến kéo dài? Chắc chắn là thế, nhưng nó sẽ làm cạn tất cả những gì chúng tôi đang có. Điều chúng tôi đang nói là chúng ta chưa thể sẵn sàng như chúng ta muốn”. 

Ngày càng có nhiều quan chức quân sự cấp cao Mỹ gọi Nga là “nỗi đe dọa lớn nhất của nước Mỹ”. Vì Nga có gần 4.000 vũ khí hạt nhân, có nguồn ngân sách quân sự lớn hàng thứ ba thế giới. Cộng thêm là ông Putin, một cựu điệp viên KGB đầy mưu mô, nổi tiếng là người mà không ai có thể tiên đoán được ông sẽ làm gì.

Quân đội Mỹ thì có rất nhiều vấn đề đáng phải lo ngại. Ví dụ: ngộ ngỡ Nga tấn công vào chính nước Mỹ, Mỹ sẽ không có đủ thời gian rút các phi công chiến đấu cơ giỏi nhất từ các vùng chiến sự khác về Mỹ để phản công.

Bên cạnh đó là những vấn đề nghiêm trọng về khả năng bảo trì chiến đấu cơ Mỹ, máy bay không người lái: phải rút chúng từ bốn phương trời về Mỹ. Mà việc rút hết khí tài quân sự, vũ khí hiện đại từ các vùng chiến sự khác về để chống Nga, thì Mỹ sẽ mất uy thế ở các vùng chiến sự này.

Một quan chức DOD nói với Daily Beast: “Để chống một kẻ thù như Nga, chúng tôi không thể có được ưu thế không lực như từng có ở các cuộc xung đột tính từ sau vụ khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001.

Bất kỳ cuộc chiến cỡ lớn chống lại một kẻ thù như Nga có nghĩa: chúng tôi cần phải rút về toàn bộ nguồn lực và nhân lực không quân đang hoạt động ở khắp thế giới, ở một tỷ lệ sẽ làm hạn chế khả năng huấn luyện họ cho dạng chiến tranh này.

Dù Mỹ có thể đủ sức mạnh không quân để chiếm ưu thế, thì tình trạng Không quân Mỹ hiện nay “hoàn toàn không bảo đảm sẽ là một món cược thắng chắc”. 

Khả năng của vũ khí hạt nhân Mỹ cũng không thuộc hạng “xịn”. Trong cuốn sách “Chỉ huy và kiểm soát: vũ khí hạt nhân, vụ tai nạn Damascus và ảo tưởng về an toàn”, nhà sử học Mỹ Eric Schlosser viết: máy bay ném bom hạt nhân của Mỹ chưa được thay thế, cũng như chưa được hiện đại hóa kể từ những năm 1960. Còn tên lửa đặt trên bộ thì lẽ ra đã phải được thay thế từ đầu thập niên 1980.

Đấu hạt nhân với Nga, nước Mỹ tan hoang

Nhà báo Pháp  Jean-Paul Baquiast - Tổng biên tập cổng tin điện tử Europesolidare (Châu Âu đoàn kết) thì khẳng định: Mỹ sẽ tan hoang nếu đấu hạt nhân với Nga, khiến Nga và Trung Quốc giành được ưu thế trên thế giới.

Ông nói nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân Mỹ - Nga, thì Mỹ phải chịu hậu quả phũ phàng là  toàn bộ nước Mỹ sẽ bị huỷ diệt hoàn toàn khi xảy ra chuyện hai bên cùng đấu tên lửa.

Ngày 9-9-2016, Bình Nhưỡng đã tiến hành thử thành công vụ nổ mang đầu đạn hạt nhân. Ðây là vụ thử hạt nhân thứ 5 của Bình Nhưỡng, diễn ra 8 tháng sau vụ thử trước đó..

Theo Sputnik, bình luận của Baquiast vào lúc có những đồn đoán về khả năng Mỹ đánh hạt nhân phủ đầu Nga, sau khi tướng Robin Rand được chỉ định làm chỉ huy Lực lượng Tấn công toàn cầu của Không quân Mỹ.

Có giả thiết rằng Rand có thể lấy ví dụ từ tướng Mỹ Curtis LeMay, người nổi tiếng năm 1949 với việc chuẩn bị một kế hoạch tấn công hạt nhân ồ ạt vào Liên Xô.

Baquiast viết: “Vì không thể khắc chế Nga bằng những biện pháp ngoại giao và không sát thương, Mỹ đang chuẩn bị dùng quân sự để tiêu diệt Nga.

Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, các chính khách Mỹ có thể ra lệnh tấn công hạt nhân phủ đầu Nga. Cơ hội Mỹ tiêu diệt được Nga mà không tự chuốc hậu quả là rất nhỏ”.

Nhưng ông cũng lưu ý, dù có tên lửa S-500 siêu hiệu quả, mà Nga đang phát triển, Nga sẽ không thể bảo vệ bờ cõi chống lại một loạt tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Mỹ.

Đổi lại, Nga cũng phóng tên lửa từ tàu ngầm từ ngoài vùng biển nước Mỹ. Và nếu Mỹ chỉ có thể tấn công một phần lãnh thổ bao la của Nga, thì Mỹ sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt bởi tên lửa Nga, bị xoá hẳn khỏi trái đất !

Trong bối cảnh này, Mỹ lại đang giảm số đầu đạn hạt nhân. Một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc nói số đầu đạn hạt nhân của Mỹ đã giảm từ 1.642 đầu đạn xuống còn 1.597 đầu đạn.

Bộ Quốc phòng Mỹ giải thích, sự giảm này là một trong điều khoản của Hiệp ước Giải trừ vũ khí hạt nhân START mà Nga - Mỹ đã ký năm 2010. Hiệp ước này kêu gọi hai bên giảm số đầu đạn chiến lược đã triển khai xuống còn 1.550 đầu đạn từ tháng 2-2018.

Nhà báo Walter Pincus chuyên về mảng tình báo, quốc phòng và đối ngoại của báo Washington Post, có bài viết “Xem  chừng Lầu Năm Góc không bao giờ có đủ đầu đạn hạt nhân triển khai”.

Mỹ có 1.500 đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) phóng từ trên bộ hoặc trên biển, hoặc trên máy bay ném bom chiến lược hoặc tên lửa, sẽ không giúp vị tổng thống Mỹ nào đánh bại được khủng bố hoặc xử lý các cuộc chiến ở nơi nào đó của thế giới, thậm chí không bảo vệ được tài sản Mỹ trong các lĩnh vực đối đầu không gian mạng và không gian.

Cũng phải tốn kém khổng lồ để hiện đại hóa không chỉ số dàn phóng tên lửa hiện nay - tàu ngầm chiến lược, máy bay ném bom, ICBM - mà còn phải tiếp tục các chương trình kéo dài cho kho vũ khí hạt nhân (VKHN) và nâng cấp khả năng sản xuất VKHN.

Tổng kinh phí hiện đại hóa tốn trung bình 18 tỷ USD/năm từ năm 2021 đến 2035, hoặc 252 tỷ USD trong 14 năm.

Lầu Năm Góc trước tiên sẽ bắt đầu thay thế số tàu ngầm chiến lược Trident (6,6 tỷ USD/chiếc) đến giữa những năm 2020 thì thay thế số máy bay ném bom chiến lược (550 triệu USD/chiếc) và năm 2030 thì thay thế số tên lửa chiến lược phóng từ trên bộ.

Cựu phi công  máy bay ném bom Liên Xô Tolboev cho rằng lãnh đạo các nước cần học lại những bài học từ thời Chiến tranh Lạnh. Ông nói: “Điều cốt yếu là Nga - Mỹ là hai nước quyết định xu thế của toàn thế giới. Họ nên chia sẻ trách nhiệm, như họ đã làm hồi Chiến tranh Lạnh. Họ hãy cùng ngồi với nhau, đàm phán theo cách sống chung với nhau và xử lý tất cả những cuộc khủng hoảng không thể tránh được hiện nay. Mọi thứ tùy vào hành động chia sẻ trách nhiệm đó”.

Tướng Lục quân 4 sao của Mỹ Curtis M. Scaparrotti (thứ 2 từ trái qua) và Tư lệnh Ðồng minh châu Âu tham dự Ủy ban Quân sự NATO.

Trần Quang (tổng hợp)
.
.
.