Một năm "ác mộng" với trẻ em vùng chiến sự

Thứ Ba, 02/01/2018, 21:58
Một bản báo cáo mới công bố của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho hay, trẻ em trong những vùng chiến sự bị sử dụng làm vũ khí chiến tranh, tuyển dụng để thực hiện đánh bom liều chết, làm lá chắn bảo vệ… UNICEF kêu gọi các bên tham chiến tôn trọng luật pháp quốc tế và bảo vệ trẻ em.


Những con số kinh hoàng

Theo báo cáo của UNICEF, phần lớn các cuộc chiến có ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em xảy ra tại các quốc gia ở châu Phi. Trong năm 2017, tổ chức Boko Haram tiếp tục "hoành hành" tại Nigeria, Chad, Niger và Cameroon. 

Ít nhất 135 trẻ em đã bị Boko Haram tuyển dụng, đào tạo trở thành những kẻ đánh bom tự sát. Con số này cao gấp năm lần so với năm 2016. Nhiều trẻ em đã bị hãm hiếp, giết hại ở Cộng hoà Trung Phi kể từ khi đất nước này xảy ra xung đột vào năm 2013.

Trẻ em ở những vùng có xung đột bị tấn công bạo lực trong nhà, trường học và sân chơi của mình.

Bạo lực chính trị đã khiến hơn 850 nghìn trẻ em ở Cộng hòa dân chủ Congo bị tấn công. Cùng với đó, hơn 200 trung tâm y tế và hơn 400 trường học bị tấn công, tàn phá một cách có chủ ý. Để bảo toàn tính mạng, gần một triệu trẻ em ở Congo đã phải rời bỏ nhà cửa, quê hương tìm nơi trú ẩn an toàn trong năm 2017. 

Tại Somalia, trong 10 tháng đầu năm 2017, gần 1,800 trẻ em được tuyển mộ tham gia cuộc chiến. Trong khi đó, ở Nam Sudan, hơn 19 nghìn trẻ em đã được tuyển mộ tham gia các nhóm vũ trang kể từ năm 2013.

 Cuộc xung đột tại Yemen trong ba năm qua đã khiến ít nhất 5.000 trẻ em bị chết hoặc bị thương. Tình trạng thiếu lương thực trầm trọng khiến hơn 1.8 triệu trẻ em ở quốc gia này bị suy dinh dưỡng.

Trẻ em tại một số khu vực xảy ra xung đột ở Trung Đông và Đông Nam Á cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở Iraq và Syria, trẻ em được cho là đã bị sử dụng làm lá chắn, bị vây hãm và là mục tiêu tấn công của những tay súng bắn tỉa. 

Trong khi đó, ở Afghanistan, gần 700 trẻ em đã thiệt mạng trong 9 tháng năm 2017. Những đứa trẻ Rohingya ở Myanmar cũng là nạn nhân của bạo lực có hệ thống. Hơn một nửa trong số 650 nghìn người Rohingya buộc phải vượt biên giới sang Bangladesh dưới 18 tuổi.

UNICEF kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế

UNICEF nhận định, 2017 là năm khủng khiếp đối với trẻ em ở vùng xung đột. Rõ ràng, các bên tham chiến không tuân thủ luật pháp quốc tế về bảo vệ trẻ em. Chính vì vậy, trẻ em trở thành đối tượng bị tấn công. 

Hiếp dâm, hôn nhân cưỡng bức, bắt cóc, tra tấn là những vấn đề phổ biến ở Iraq, Syria, Yemen, cũng như ở Nigeria, Nam Sudan và Myanmar. Một số trẻ em bị các nhóm cực đoan bắt cóc sau đó lại bị lực lượng an ninh lợi dụng khi được tự do. 

Nhiều trẻ em bị tổn hại gián tiếp do chiến tranh, bị suy dinh dưỡng, bệnh tật do sử dụng thực phẩm, nước kém vệ sinh. Khoảng 27 triệu trẻ em ở các khu vực xung đột buộc phải nghỉ học.


UNICEF kêu gọi tất cả các bên xung đột tôn trọng luật pháp quốc tế và ngay lập tức chấm dứt các hành vi gây tổn hại đến trẻ em.

Manuel Fontaine, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của UNICEF cho biết, "trẻ em đang trở thành mục tiêu bị tấn công. Bạo lực đã tàn phá nhà cửa, trường học và sân chơi của các em. Các vụ tấn công diễn ra liên tục hàng năm và không thể để sự tàn bạo ấy trở thành một điều bình thường".

UNICEF kêu gọi tất cả các bên xung đột tôn trọng luật pháp quốc tế và ngay lập tức chấm dứt các hành vi gây tổn hại đến trẻ em, phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự, trong đó có trường học và bệnh viện. Đồng thời, UNICEF cũng kêu gọi các quốc gia trên thế giới lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ trẻ em trong những vùng đang xảy ra chiến sự.

Bản báo cáo mới công bố của tổ chức "Sáng kiến toàn cầu nâng cao nhận thức về bạo lực ở trẻ em" cho biết, khoảng 1,7 tỷ trẻ em trên toàn cầu bị lạm dụng mỗi năm. Hình thức bạo lực phổ biến là bắt nạt, tấn công bạo lực hoặc lạm dụng tình dục. Ước tính, 18 triệu trẻ vị thành niên ở độ tuổi 15-17 từng bị lạm dụng tình dục tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Mức độ bạo lực tình dục cao nhất ở Cameroon và Cộng hòa Dân chủ Congo. Bạo lực thông qua hình phạt tại nhà diễn ra phổ biến.
Tường Phạm (tổng hơp)
.
.
.