Một số bê bối tại Ngân hàng Deutsche Bank

Chủ Nhật, 19/02/2017, 15:45
Cơ quan thuế Israel cho biết, ngày 7-2, Cảnh sát nước này đã bắt ông Boaz Aaron Schwartz, Giám đốc điều hành chi nhánh Ngân hàng Deutsche Bank ở Israel, vì bị nghi ngờ có liên quan đến báo cáo sai các giao dịch của ngân hàng lên đến 550 triệu shekel (tương đương 147 triệu USD) trong hơn 6 năm qua.


Theo báo cáo của Cơ quan thuế Israel, giới chức nước này đã điều tra chi nhánh của Ngân hàng Deutsche Bank tại Israel vì nghi ngờ có vi phạm luật thuế giá trị gia tăng.

Bởi theo điều tra, các chi nhánh Ngân hàng Deutsche Bank đã báo cáo những giao dịch không chịu thuế giá trị gia tăng cho công dân nước ngoài, trong khi công dân Israel vẫn bị áp đầy đủ thuế giá trị gia tăng trong các giao dịch.

Nhưng theo công bố của Ngân hàng Deutsche Bank, trụ sở chính của họ và các chi nhánh tại Đức đã tiến hành các giao dịch theo đúng luật. Và chi nhánh của Ngân hàng Deutsche Bank ở Israel đang hoạt động theo quy định của luật pháp nước sở tại.

Trụ sở Ngân hàng Deutsche Bank.

Deutsche Bank là Ngân hàng lớn nhất của Đức (và là một trong những ngân hàng có ảnh hưởng lớn nhất thế giới với trên 100.000 nhân viên ở hơn 70 quốc gia và có tổng giá trị tài sản năm 2013 khoảng 385 tỷ USD), đã quyết định nâng khoản dự phòng cho các vụ kiện trong quý IV-2016 từ 5,9 tỷ euro trong quý III-2016 lên 7,6 tỷ euro.

Bởi Ngân hàng Deutsche Bank vừa đồng ý trả 95 triệu USD để giải quyết vụ kiện với Mỹ, liên quan tới cáo buộc sử dụng "công ty vỏ bọc" để trốn hàng chục triệu USD tiền thuế phải nộp cho Sở Thuế vụ Mỹ trong năm 2000. Luật sư Preet Bharara, người thụ lý vụ kiện tại New York cho biết, Ngân hàng Deutsche Bank đã sử dụng "công ty vỏ bọc" và tính toán cẩn trọng để trốn hàng chục triệu USD tiền thuế.

Người phát ngôn của Ngân hàng Deutsche Bank Amanda Williams cho biết, họ sẵn sàng giải quyết vụ kiện từ hơn 16 năm trước. Việc này diễn ra sau khi Ngân hàng Deutsche Bank vừa chấp nhận trả 7,2 tỷ USD cho Bộ Tư pháp Mỹ để dàn xếp vụ kiện liên quan tới việc bán chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp "không an toàn" và một số hoạt động khác trong những năm 2005-2007.

Theo giới truyền thông, ngày 23-12-2016, Ngân hàng Deutsche Bank tuyên bố, sẽ trả 7,2 tỷ USD cho Bộ Tư pháp Mỹ để kết thúc vụ kiện kể trên. Bởi trước đó, Mỹ yêu cầu Ngân hàng Deutsche Bank phải thanh toán số tiền phạt trị giá gần 14 tỷ USD trong tháng 9-2016.

Và cổ phiếu của Deutsche Bank có lúc mất tới 7,2% trên sàn Frankfurt (trong phiên chiều 16-9-2016, khi thị trường châu Âu mở cửa), sau khi Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu ngân hàng này trả 14 tỷ USD để dàn xếp một vụ điều tra về chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Gần 2 năm trước (tháng 4-2015), Deutsche Bank từng phải chi 1,6 tỷ USD để dàn xếp các vụ thua kiện.

Hơn 10 ngày trước (2-2), Ngân hàng Deutsche Bank báo lỗ ròng khoảng 1,5 tỷ USD trong năm 2016, do chịu các khoản phạt lớn, doanh thu giảm và những chi phí cho việc tái cơ cấu. Doanh thu ròng của Ngân hàng Deutsche Bank giảm 10% so với năm 2015.

Theo giới truyền thông, Ngân hàng Deutsche Bank báo cáo lỗ ròng 1,9 tỷ euro trong quý IV-2016, chủ yếu do số tiền phạt 7,2 tỷ USD. Giám đốc điều hành Ngân hàng Deutsche Bank John Cryan đã khởi động chương trình tái cơ cấu, với việc cắt giảm 200 chi nhánh tại Đức và sa thải khoảng 9.000 trong tổng số gần 100.000 nhân viên chính thức.

Đồng thời cho biết, kết quả hoạt động của Ngân hàng Deutsche Bank trong năm 2016 chịu tác động lớn bởi các biện pháp quản lý quyết liệt được thực hiện nhằm cải thiện và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng.

Trước đó (2-10-2016), Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel đã chỉ trích ban lãnh đạo Ngân hàng Deutsche Bank "vô trách nhiệm" khi đẩy hàng nghìn người lao động vào nguy cơ mất việc làm. Cơ quan Giám sát Tài chính Đức (BaFin) từng đề nghị Deutsche Bank cung cấp tài liệu để điều tra liệu ngân hàng này có thao túng giá vàng và bạc trên thị trường London (Anh) hay không.

Gần 1,5 năm trước (4-11-2015), Sở Tài chính bang New York, Mỹ cho biết, Deutsche Bank đồng ý trả 200 triệu USD cho cơ quan này và 58 triệu USD cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), vì vi phạm lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt đối với cá nhân và một số nước như Iran, Syria... Deutsche Bank từng bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mệnh danh là "ngân hàng rủi ro nhất thế giới" khi một chi nhánh tại Mỹ trượt bài kiểm tra của Fed. 4 năm trước (2013), Deutsche Bank từng bị EC phạt 725 triệu euro vì các hành vi thao túng lãi suất tham chiếu như Libor và Euribor để kiếm lời.
Quốc Dũng
.
.
.