Một số cảnh sát Mỹ đối mặt với pháp luật

Thứ Hai, 17/08/2015, 15:00
Sự kiện sỹ quan cảnh sát Kevin Sumner, người đã còng tay một bé trai 8 tuổi và một bé gái 9 tuổi, trong khi cả 2 em đều mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) đang gây sốc đối với người dân bang Kentucky, Mỹ. Bởi theo những hình ảnh được hãng CNN đăng tải, vì cậu bé chỉ nặng 24kg, nên cảnh sát Kevin Sumner không thể còng cổ tay, do đó đã tra còng số 8 vào bắp tay của "nghi phạm".

"Hãy làm theo yêu cầu nếu không cháu sẽ gánh chịu hậu quả", lời ra lệnh đanh thép phát ra từ cảnh sát Kevin Sumner, cùng với tiếng hét "ôi đau quá" của bé trai 8 tuổi đang được Liên minh Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) coi là bằng chứng tố cáo sự lạm quyền của Phó cảnh sát trưởng hạt Kenton, bang Kentucky.

Theo ACLU, cái còng được gỡ ra sau 15 phút tra vào bắp tay của cậu bé, còn bé gái bị còng tay sau lưng cũng ở bắp tay 2 lần đã tỏ ra rất đau đớn và chúng bị trừng phạt vì có hành vi không đúng liên quan đến khuyết tật của các em. Tuy sự việc xảy ra năm 2014, nhưng vụ kiện vừa được ACLU đưa ra và cảnh sát Kevin Sumner bị cáo buộc vi phạm Đạo luật về người tàn tật.

Theo Luật Kentucky, cấm xâm phạm thân thể học sinh khuyết tật trong trường học. Theo thống kê, có khoảng 12% học sinh ở các trường công bị khiếm khuyết cơ thể, nhưng 75% trong số này thường bị người lớn bắt nạt. Vụ kiện của ACLU càng được dư luận quan tâm khi Văn phòng pháp y quận Columbia công bố kết luận điều tra (4/8), theo đó cậu bé Jack Garcia (9 tuổi) đã bị còng tay và đánh đập đến chết chỉ vì ăn một miếng bánh sinh nhật. Jack Garcia đã chết (5/7) tại một bệnh viện ở Washington sau khi bị mẹ đẻ tra tấn tại nhà riêng ở thành phố Hagerstown, bang Maryland hôm 30/6 sau khi bà thấy thiếu một miếng bánh sinh nhật và đổ lỗi cho con trai ăn vụng.

Bé trai 8 tuổi bị còng tay.

Ngày 4/8, tờ The Washington Post đưa tin, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2015, số người bị cảnh sát bắn chết tại Mỹ đã là 550 người. Và tỉ lệ tử vong do bị bắn bởi cảnh sát Mỹ đạt đỉnh điểm vào tháng 7, trong đó đa phần là đàn ông từ 25 đến 40 tuổi, nhưng chẳng mấy ai bị truy cứu. Mặc dù bị truy tố (30-7), nhưng cảnh sát Ray Tensing vẫn cương quyết không nhận tội đã bắn chết Sam DuBose, người Mỹ gốc Phi sau khi người này cố chạy trốn vì bị phát hiện lái xe không có bằng.

Trong tuyên bố hôm 30/7, công tố viên Joseph Deters thuộc hạt Hamilton đã tuyên bố, cảnh sát Ray Tensing đã hành động một cách vô lý trong vụ sát hại ông Sam DuBose hôm 19/7. Về phần mình, ban đầu Ray Tensing khai với các nhà điều tra rằng, đã bắn ông Sam DuBose vào đầu vì người này bất ngờ rồ ga, kéo lê anh ta theo xe khiến tính mạng rơi vào nguy hiểm. Nhưng theo máy quay gắn trên áo của Ray Tensing lại cho thấy, sỹ quan cảnh sát này không bị xe kéo lê đi đâu và không phải đối mặt với bất kỳ tình huống nguy hiểm nào.

Sỹ quan cảnh sát Ray Tensing.

Sau vụ án mạng của ông Sam DuBose, nhiều cuộc biểu tình bạo lực đã diễn ra nhằm phản đối hành vi giết người da đen khiến Trường Đại học Cincinnati phải đóng cửa. Nhiều người biểu tình khẳng định, cảnh sát Ray Tensing đã nói dối trắng trợn trong bản khai, cho dù biết máy quay đã ghi lại tất cả vụ việc. Thị trưởng Cincinnati John Cranley cho rằng, có đủ lý do để người dân giận dữ.

Trước đó, hàng trăm người đã tham dự tang lễ của cô Sandra Bland, người đã treo cổ tự sát trong phòng giam ở Texas, sau 3 ngày bị bắt vì vi phạm lỗi giao thông. Sandra Bland là người Mỹ gốc Phi, bị bắt hôm 10/7 sau khi bị cảnh sát Brian Encinia chặn xe vì chuyển làn đường nhưng không bật đèn tín hiệu.

Sau đó, Sandra Bland và cảnh sát Brian Encinia đã cãi nhau và cô bị bắt. Nhà chức trách và FBI đã mở cuộc điều tra về nguyên nhân cái chết của Sandra Bland. Theo tờ Huffington Post, hôm 13/7, cảnh sát hạt Waller ở bang Texas phát hiện cô Sandra Bland chết trong phòng giam.

Và theo xét nghiệm pháp y cho thấy, cô Sandra Bland đã treo cổ tự sát. Khi được thẩm vấn, cảnh sát Brian Encinia đã mô tả cô Sandra Bland tỏ thái độ chống đối quyết liệt, buộc anh ta phải còng tay bắt giữ "vì sự an toàn của mình". Nhưng sau khi xem đoạn video do Sở Cảnh sát Waller công bố, nhiều chuyên gia pháp lý đã chỉ trích hành động của cảnh sát Brian Encinia.

Tạp chí Slate còn cho rằng, cảnh sát Brian Encinia là người khiêu khích, khiến căng thẳng leo thang. Giáo sư Lawrence Sherman thuộc Viện Hình sự của Đại học Cambridge nhận định, cảnh sát Brian Encinia đã hành động bất hợp lý. Nếu gia đình cô Sandra Bland kiện anh ta vì tội bắt giữ trái phép, chắc chắn họ sẽ thắng kiện.

Manh Phong
.
.
.