Một số đội cảnh sát người máy trên thế giới

Thứ Bảy, 25/07/2015, 11:00
Không chỉ có trong những bộ phim giả tưởng của kinh đô điện ảnh Hollywood, cảnh sát người máy bắt đầu xuất hiện trên đường phố Mỹ, châu Âu, châu Á và cả châu Phi. Việc sử dụng cảnh sát người máy thậm chí còn được lên kế hoạch triển khai rộng rãi tại các quốc gia Arab vào năm 2017.

Từ những cảnh sát giao thông khổng lồ

Xuất hiện đầu tiên vào năm 2005 tại Aichi (Nhật Bản), cảnh sát người máy đã gây xôn xao dư luận khi nhận nhiệm vụ đảm bảo sự an toàn tại ga xe lửa Hakata. Với tên gọi T63 Artemis, được đặt theo tên từ vị thần mặt trăng của Hy Lạp Artemis, chú cảnh sát người máy này được đưa lên vị trí chỉ huy và giúp các nhân viên của mình phát truyền đơn về an toàn giao thông.

Sau thành công tại cuộc thử nghiệm ở ga xe lửa Hakata, hàng loạt robot cảnh sát T63 Artemis đã được sản xuất và đưa tới làm việc tại các khu vực lân cận ở thành phố Fukuoka, phía Nam Nhật Bản. Theo tin từ tờ Kyoto, cảnh sát robot T63 Artemis cao 1,57m, có 2 tay và nặng khoảng 100kg. Nó có thể thổi còi báo động khi phát hiện thấy hoạt động khả nghi và kiểm tra bằng lái xe của tài xế ôtô ở bãi đỗ xe…

TeleBot, đồng nghiệp mới của cảnh sát Mỹ (Ảnh: technocrazed)

10 năm sau, robot cảnh sát giao thông lại được nhìn thấy ở Cộng hòa Congo. Lần này, nhờ vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ, robot cảnh sát giao thông được thiết kế tiện lợi hơn rất nhiều. Cụ thể, robot cảnh sát giao thông có cấu tạo bằng chất liệu có thể chịu đựng được khí hậu nóng quanh năm ở Cộng hòa Congo và chạy bằng năng lượng mặt trời.

Hai cánh tay của robot được trang bị đèn màu xanh lá cây và màu đỏ để điều tiết giao thông trên đường. Bên cạnh đó, robot giao thông cũng được trang bị camera giám sát hiện đại… Giá trung bình của mỗi chú robot giao thông này là 27.500 USD. Và bởi vì cái giá này không hề rẻ nên cảnh sát Congo mới chỉ dám đặt hàng Hiệp hội kỹ sư nữ Congo sản xuất cho 3 robot giao thông thử nghiệm đầu tiên.

Ông Celestin Kanyama, người đứng đầu lực lượng cảnh sát thủ đô Kinshasa - nơi thử nghiệm đầu tiên cho biết, robot cảnh sát giao thông là một sáng kiến rất hữu ích trong thành phố 9 triệu dân này. Bất kể ngày hay đêm, những nhân viên cảnh sát robot vẫn có thể nhìn thấy và buộc người vi phạm phải nộp tiền phạt.

Hạn chế duy nhất của robot cảnh sát này chỉ là việc chúng chưa được lập trình cho việc đuổi bắt những người vi phạm. Gọi đây là tài sản quan trọng của lực lượng cảnh sát quốc gia, ông Celestin Kanyama cho biết, đến cuối năm 2015, robot cảnh sát sẽ được triển khai ở tỉnh Katanga, phía Đông Nam Cộng hòa Congo. Trong vòng 5 năm tới, chính phủ Congo dự định sẽ dành khoản tiền không nhỏ để mua thêm 30 robot cảnh sát này.

Trong khi đó, tại Mỹ, qua thiết kế, chế tạo của các sinh viên Đại học quốc tế Florida, chính quyền Washington cũng đang có kế hoạch đưa robot cảnh sát giao thông TeleBot (cao khoảng 1,8m) vào làm các công việc đơn giản như phân luồng giao thông, đưa vé xe. Điểm khác biệt của TeleBot so với hai loại robot cảnh sát ở Nhật Bản và Cộng hòa Congo là TeleBot có thể được điều khiển từ xa, được trang bị 3 máy ảnh HD, có khả năng quan sát 360 độ và được bán với giá 20.000 USD.

Ngoài ra, Mỹ còn đang có một kế hoạch nghiên cứu người máy hỗ trợ cảnh sát tàn tật hoặc cựu binh sĩ quân đội từng phục vụ đất nước. Kế hoạch này được thực hiện giống như phiên bản cơ thể của Alex Murphy - một cảnh sát không gian mạng bị giết trong khi làm nhiệm vụ, nhân vật hư cấu trong bộ phim Robocop năm 1987.

Theo các nhà khoa học, mục đích của việc nghiên cứu và phát triển là nhằm phát triển robot cảnh sát có khả năng tuân theo mệnh lệnh của người, tham gia tuần tra tại các khu vực công cộng và thực hiện giám sát tại các khu vực nhạy cảm như bến cảng hay các cơ sở hạt nhân.

Robot cảnh sát ở Cộng hòa Congo (Ảnh: 3.bp.blogspot).

Đến robot cảnh sát thông minh

Cùng với thiết kế về TeleBot, cảnh sát bang Florida còn đang được hứa hẹn có thêm một đồng nghiệp mới trong lĩnh vực tuần tra. Loại robot cảnh sát này được cho là "thông minh" hơn robot cảnh sát giao thông và được cải tiến để có thể bay được trong trường hợp xảy ra sự cố.

Chưa hết, các nhà sản xuất còn đang tính đến việc tăng cường khả năng phản ứng nhanh trong các vụ xả súng cho loại robot cảnh sát này. Một thượng nghị sĩ ở bang Florida cho biết, các nhà sản xuất Mỹ cũng đã tham khảo nhiều chuyên gia chế tạo robot đến từ Nhật Bản và Đức để tạo thêm những tính năng đặc biệt khác. Nếu nhanh thì đến năm 2017, loại robot cảnh sát này sẽ chính thức có mặt trên đường phố Mỹ.

Cùng thời điểm đó, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng dự định sẽ có lực lượng cảnh sát robot tiên tiến nhất thế giới. Hiện tại, Dubai đã thành lập một đơn vị "cảnh sát thông minh" dưới sự chỉ huy của Đại tá Khalid Nasser Alrazooqi. Các thành viên trong đơn vị này là các robot cảnh sát thông minh, có thể tương tác với mọi người mà không cần sự can thiệp của con người.

Đại tá Khalid Nasser Alrazooqi nói: "Chúng tôi đang hướng tới cung cấp dịch vụ robot cảnh sát khi dân số đang phình ra. Bằng cách này chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ tốt hơn mà không cần phải thuê nhiều người hơn. Thế hệ đầu tiên của robot cảnh sát sẽ được phái đến những địa điểm đông người nhưng an toàn, các không gian công cộng như trung tâm mua sắm…

Các robot cảnh sát sẽ tương tác trực tiếp với người dân và du khách. Chúng sẽ có một màn hình tương tác và microphone kết nối với các trung tâm cuộc gọi của cảnh sát Dubai. Người dân không những có thể đặt câu hỏi và góp ý cho robot cảnh sát mà còn có thể tán gẫu với chúng".

Được biết, ý tưởng robot cảnh sát tại Dubai được hiện thực hóa trong bối cảnh dân số nước này đang gia tăng rất nhanh. Bằng cách này, cảnh sát vẫn có thể đảm bảo an ninh mà không cần phải tuyển dụng và huấn luyện thêm người.

Sông Thương
.
.
.