Một số "tai nạn" của cảnh sát Bỉ

Thứ Năm, 13/10/2016, 15:22
Công tố liên bang Bỉ quyết định điều tra vụ Hicham, đối tượng tấn công bằng dao, làm 2 cảnh sát bị thương hôm 5-10 và tên này bị buộc tội "cố tình giết người trong bối cảnh khủng bố". 


Ngày 5-10, tại vùng Schaerbeek, Hicham đã dùng dao đâm bị thương 2 cảnh sát, một cảnh sát khác cũng bị thương khi cố ngăn đối tượng trốn khỏi hiện trường. Sau khi tấn công cảnh sát, Hicham cố thoát khỏi hiện trường, nhưng đã bị cảnh sát bắn bị thương và bắt giam.

Người phát ngôn của Văn phòng Công tố liên bang, ông Eric Van Der Sypt cho biết, cơ quan chức năng đã thu thập được các bằng chứng cho thấy, đây là một vụ tấn công khủng bố. Hicham là cựu quân nhân, là thành viên đảng Công dân và Thịnh vượng, một chính đảng chủ trương biến Bỉ thành một đất nước Hồi giáo, từng chơi với Olivier Dassy, nhà truyền giáo của trung tâm Hồi giáo tai tiếng nhất ở Bỉ, bị cảnh sát triệt phá năm 2012 và tên Dassy bị kết án 20 tháng tù vì tội gửi chiến binh sang Syria và Iraq.

Ngoài việc ra quyết định điều tra Hicham, Công tố liên bang còn tạm giam để thẩm vấn anh trai của nghi can tên là Aboubaker.

Cảnh sát Bỉ tại hiện trường vụ tấn công.

Ngày 6-10, tại phiên họp toàn thể ở Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon cho biết, Cục Tình báo-An ninh Bỉ từng chuyển thông tin về Hicham cho Tổng cục Tình báo-An ninh quân đội, Cơ quan Phối hợp phân tích các mối đe dọa (OCAM) và Công tố liên bang, nhưng các cơ quan kể trên lại coi tên này không phải là mối đe dọa nguy hiểm trực tiếp đến cá nhân và cơ quan chính quyền, nên không thông báo đến chính quyền địa phương.

Trước đó, 2 cảnh sát Bỉ đã bị cảnh sát Pháp bắt sau khi họ giúp một nhóm người di cư đi lạc đường quay lại Pháp. "Chúng tôi không muốn để họ bên đường và đi bộ đến biên giới, nên đã đưa họ trở lại hướng định đi", Georges Aeck, một cảnh sát Bỉ nói.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã triệu Đại sứ Bỉ Vincent Mertens de Wilmars để "yêu cầu giải thích và bày tỏ sự không hài lòng" về vụ việc này. Cho tới nay Bỉ vẫn duy trì tình trạng báo động cao sau các vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào sân bay và tàu điện ngầm hồi tháng 3 ở Thủ đô, làm 32 người chết.

Ngày 2-10, hàng chục người được cho đã chết trong vụ giẫm đạp gần thủ đô Addis Abeba của Ethiopia sau khi cảnh sát bắn đạn hơi cay vào người biểu tình trong một lễ hội tôn giáo. Trước đó, Chính phủ Ethiopia chỉ thông báo "có thiệt hại về người" sau vụ giẫm đạp khi hàng nghìn người tham dự nghi lễ Irreecha do cộng đồng Oromo tổ chức để đánh dấu chấm dứt mùa mưa.

Nhưng theo ông Merera Gudina, Chủ tịch nhóm đối lập "Đại hội Liên bang Oromo" cho biết, số người thiệt mạng đã vượt con số 100 người, và cảnh sát phải chịu trách nhiệm trong vụ này.

Đêm 1-10, nhiều xe cảnh sát ở thành phố Dresden Đức đã bị những đối tượng chưa rõ danh tính phóng hỏa và việc này xảy ra trong bối cảnh an ninh được tăng cường cao độ để đảm bảo cho các hoạt động kỷ niệm Quốc khánh diễn ra từ 1 đến 3-10.

Cảnh sát cho biết, xe cảnh sát thuộc các hãng BMW, Mercedes Vito và VW T5 đã bị hư hỏng sau vụ phóng hỏa và các nhà điều tra không loại trừ khả năng vụ đốt phá mang động cơ chính trị. Điều đáng nói là vụ việc diễn ra khi cảnh sát được triển khai dày đặc.

Cùng ngày 1-10, có ít nhất 5 cảnh sát mới vào ngành đã thiệt mạng sau khi bị các tay súng tấn công tại thành phố Arish trên bán đảo Bắc Sinai, Ai Cập. Những cảnh sát này đang trên đường trở về đơn vị sau kỳ nghỉ thì ôtô chở họ bị những kẻ khủng bố không rõ danh tính tấn công. Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm.

Dư luận đã có phản ứng khác nhau sau khi Bộ Nội vụ Thụy Điển công bố số liệu cho thấy, có tới 80% cảnh sát đang suy nghĩ về việc từ chức bởi lương thấp, ít quyền hành, và tinh thần làm việc ở mức thấp chưa từng có. Bộ trưởng Nội vụ Anders Ygeman cho biết, tuy cảnh sát được cấp ngân sách bổ sung, nhưng vẫn không đủ đáp ứng yêu cầu công việc.

Ngoài mức lương thấp, cùng chương trình tái cơ cấu, nên "làm cảnh sát ở Thụy Điển là một ác mộng" - lời của ông Andreas Lofstrand, thành viên Công đoàn cảnh sát. Nếu so với các nước, Thụy Điển là quốc gia có số lượng cảnh sát ít nhất, nhưng vẫn là một trong những nước an toàn nhất, với tỷ lệ tội phạm thấp và là đất nước không có bạo lực.

Ngày 30-9, Tòa án Tối cao Malaysia đã yêu cầu nữ cảnh sát Jusninawati Abdul Gani phải giải trình về cáo buộc cố tình bỏ sót thông tin liên quan đến khủng bố. Theo tờ The Star, nữ cảnh sát Jusninawati Abdul Gani đã không cung cấp thông tin cho người có trách nhiệm về một người Malaysia đến Syria vào ngày 12-11-2014. Nếu bị kết tội, nữ cảnh sát này có thể bị phạt tiền, ngồi tù đến 7 năm hoặc cả 2 hình phạt kể trên.
Thiện Lân
.
.
.