Một số trường đại học nổi tiếng của Mỹ bị kiện vì bê bối chạy điểm

Thứ Sáu, 29/03/2019, 13:58
Đại học Nam California, Đại học Yale và một số trường đại học ưu tú khác của Mỹ đang bị kiện bởi nhiều sinh viên đại học, những người tuyên bố họ đã bị từ chối một cơ hội công bằng để nhập học và bị mất bằng cấp do bê bối chạy điểm vừa bị lật tẩy hồi trung tuần tháng 3.


Các nguyên đơn bao gồm sinh viên Đại học Standford Erica Olson và Đại học Kalea Woods đã đệ đơn kiện lên tòa án khu vực Bắc California sau khi chính quyền liên bang cho biết họ đã phát hiện ra một trong những vụ lừa đảo tuyển sinh đại học lớn nhất từng thấy ở Mỹ.

Đơn kiện yêu cầu 5 triệu USD tiền bồi hoàn cho những gì đã làm tổn thương các sinh viên, học sinh học và thi thực chất vào những trường nói trên. Hôm 20-3, thêm các sinh viên từ 3 trường khác gồm Rutgers, Tulane và một trường cao đẳng cộng đồng nộp đơn kiện.

Các sinh viên làm đơn kiện khẳng định cơ hội được vào các đại học danh tiếng của họ đã bị tước bỏ bởi bê bối chạy điểm. Ảnh: AP

Riêng Đại học San Diego, Đại học Texas tại Austin, Wake Forest, Georgetown, Stanford, Yale và USC - cùng với William "Rick" Singer, người được gọi là "thủ lĩnh của chương trình tuyển sinh lừa đảo" cũng bị bêu tên trong một đơn kiện khác. Trong đơn kiện này, các sinh viên tuyên bố họ không có cơ hội công bằng để được chấp nhận vào các trường đại học ưu tú nơi họ nộp đơn vì một số người đã được nhận dựa trên hồ sơ thể thao giả và điểm SAT và ACT bị bóp méo hay một số khác vào nhờ hối lộ.

"Theo đơn khiếu nại, các trường này đáng lẽ phải đánh giá lại sinh viên thông qua quá trình nhập, thành tích đạt được và xem xét tính cách cũng như những gì họ đóng góp khi vào trường. Thay vào đó, các trường lại chỉ nhận học sinh thông qua một quá trình hối lộ và điều này cho thấy giới chức trong nhà trường không đảm bảo một quy trình ứng dụng trung thực.

Yêu cầu đơn giản của họ là phải có một biện pháp khắc phục. Các sinh viên này muốn được bồi thường. Họ cũng yêu cầu bất kỳ ai trả phí nộp đơn cho 8 trường đại học này nhưng bị từ chối nhập học đều được trả lại phí đăng ký", hãng CNN trích đơn kiện cho biết.

"Mỗi trường đại học đều có sơ suất trong việc không duy trì các giao thức và biện pháp bảo mật đầy đủ nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm của quy trình tuyển sinh đại học. Chúng tôi cần đảm bảo rằng nhân viên của các trường này không tham gia vào các chương trình hối lộ nữa", đơn khiếu nại nêu rõ: "Những sinh viên không đủ tiêu chuẩn tìm thấy con đường tuyển sinh của các trường đại học chọn lọc cao, trong khi những sinh viên chơi theo luật và không có cha mẹ hối lộ đại học đã bị từ chối nhập học".

Đáng chú ý là ngoài đơn kiện tập thể của các sinh viên, một cựu giáo viên ở California tên là Jennifer Kay Toy cũng đã đệ đơn kiện dân sự trị giá 500 tỷ USD nhằm chống lại 45 bị cáo liên quan đến vụ bê bối tuyển sinh đại học, Reuters đưa tin. Trả lời phỏng vấn báo giới, Jennifer Kay Toy cho biết các bậc cha mẹ giàu có tin rằng họ "được phép nói dối, lừa gạt, ăn cắp và mua chuộc để con cái họ vào một trường đại học tốt".

Hành động này đã cướp đi con trai của cô, Joshua, cơ hội được nhận vào Đại học mặc dù có GPA 4.2. Dù Jennifer Kay Toy không nói rõ trường đại học nào con trai cô đã muốn theo học cũng như  không chỉ định lựa chọn cuối cùng của anh, nhưng nói rằng những người liên quan đến chương trình hối lộ đã lấy đi "quyền có một cơ hội công bằng khi vào đại học".

Hiện, các công tố viên liên bang đã kết luận tội 50 người, bao gồm cả huấn luyện viên và hàng chục phụ huynh dùng tiền để mua suất nhập học cho con, dù con không đủ tiêu chuẩn nhập học. Cụ thể, những người này đã chi từ vài nghìn USD tới 6 triệu USD để có được một suất học tại các trường đại học danh giá hàng đầu tại Mỹ như Yale, Stanford, Georgetown hay Đại học Nam California…

Theo cáo trạng, hoạt động "chạy trường" bắt đầu từ năm 2011 và kéo dài đến nay. Các công tố viên của Mỹ đã chỉ ra rằng, các bậc phụ huynh đã trả cho người điều hành đường dây "chạy trường" một khoản tiền thỏa thuận trước để mua suất vào đại học.

Người môi giới sau đó chuyển tiền hối lộ tới thành viên ban phụ trách tuyển sinh, hoặc huấn luyện viên thể thao của các trường. Các huấn luyện viên thể thao cũng được cho là đã tạo các bộ hồ sơ giả, thể hiện rằng các thí sinh có tiềm năng thể thao và sẽ được ưu tiên xét tuyển. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra các mánh khoé hối lộ, lách luật trong đường dây chạy trường này. 

Đáng chú ý là gần 50 nhân vật có tiếng trong làng giải trí và doanh nhân ở Mỹ như nữ diễn viên Lori Loughlin và chồng hay diễn viên Felicity Huffman của series "Những bà nội trợ kiểu Mỹ" dính líu vào vụ việc này. Sự nghiệp của họ vì thế cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Chẳng hạn, một hãng truyền  thông đã cắt hợp đồng với nữ diễn viên Loughlin và dừng mọi dự án truyền hình liên quan cô vì cô cùng chồng đã trả 500.000 USD để giúp hai con gái có cơ hội được nhận vào Đại học Southern California.

Ngôi sao phim truyền hình "Những bà nội trợ kiểu Mỹ" Felicity Huffman thì bị FBI bắt giữ và phải đóng số tiền bảo lãnh 250.000 USD để được tại ngoại vì bị nghi ngờ chi 15.000 USD cho con gái mình có thời gian làm bài kiểm tra SAT dài hơn.

Phương Linh
.
.
.