Một thứ virus khác

Thứ Sáu, 29/05/2020, 11:30
Mặc kệ những lời kêu gọi thống thiết từ cộng đồng quốc tế, rằng "không nước nào có thể một mình chống lại đại dịch COVID-19" hay "hiện tại là thời điểm để thể hiện sự đoàn kết, chứ không phải xói mòn các định chế hợp tác đa phương", từ Mỹ đến Trung Quốc vẫn là "tiếng chì ném lại" khi "tiếng bấc ném đi".


Trong tình trạng căng thẳng mỗi lúc một gia tăng giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu, thế giới thấy mình dường như đang mắc kẹt dưới chân một "Bức tường sắt" mới, với nguy cơ nhất thiết phải lựa chọn đứng về phía bên này hay phía bên kia.

Không chỉ là dịch bệnh

"Một số thế lực tại Mỹ đang bắt cóc quan hệ Mỹ - Trung làm con tin và đẩy quan hệ hai nước đến bên bờ vực của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Bên cạnh sự hoang tàn mà SAR-Cov-2 gây ra, còn có một loại virus chính trị mới đang lây lan khắp nước Mỹ.

Thứ virus chính trị này chính là việc sử dụng mọi cơ hội để tấn công và bôi nhọ Trung Quốc. Một số chính trị gia đã hoàn toàn bỏ qua những thực tế căn bản, đã đưa ra quá nhiều thuyết âm mưu", Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trong một cuộc họp báo thường niên ngày 24-5.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 ở Nhật Bản tháng 6-2019.

Nhưng, nói một cách chính xác, chẳng còn mấy nhà quan sát quốc tế cảm thấy xa lạ với những lời lẽ gay gắt và mang ít màu sắc ngoại giao kiểu ấy. Từ rất lâu trước khi cơn tai ách mang tên COVID-19 bùng lên ở Vũ Hán, giữa Bắc Kinh và Washington đã luôn là những cuộc đấu khẩu bất tận và là cả những hành động cứng rắn hướng về nhau.

Không, mọi chuyện không bắt đầu từ cuối năm 2016, khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Ông chỉ là người thể hiện quyết liệt và mạnh mẽ hơn những tư tưởng "kiềm chế Trung Quốc" trong thực tế, so với những người tiền nhiệm.

Mọi chuyện cũng chẳng bắt đầu từ khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đề xuất kế hoạch "xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương" trong nhiệm kỳ thứ hai của họ - năm 2012.

Mối hiềm khích Mỹ - Trung hiện tại có thể nói, xuất hiện kể từ thời điểm Trung Quốc chuẩn bị vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới vào đầu thiên niên kỷ này. Vào lúc đó, đã có những nhà phân tích sớm chỉ ra rằng Trung Quốc đủ khả năng vượt qua cả Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thế kỷ 21. Và vào lúc đó, Bắc Kinh bắt đầu từ bỏ chiến lược "náu mình chờ thời" (thao quang dưỡng hối) của Đặng Tiểu Bình, để khuếch trương vị thế của một cường quốc đích thực, thông qua nhiều phương thức.

Lợi ích cốt lõi (đặc biệt là về mặt kinh tế), điểm mấu chốt trong mọi mối quan hệ quốc tế, của nước Mỹ bị đe dọa với sự trỗi dậy đó. Và dĩ nhiên, khi vẫn còn muốn duy trì trật tự "thế giới một cực" mà họ đã cố gắng xác lập kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô (cũ), mọi công cụ cần thiết đều sẽ được huy động.

Phần được quan tâm nhiều nhất trong phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 24-5 không phải là những lời "móc mỉa" ở trên, cũng không phải là sự kêu gọi chung chung, rằng "Trung Quốc và Mỹ đều mang trọng trách đối với sự phát triển và hòa bình thế giới", hay "hợp tác với nhau thì sẽ cùng có lợi và đối đầu với nhau thì sẽ cùng thua thiệt".

"Miếng ngon để dành cuối tiệc", phần được chờ đợi là việc ông Vương Nghị cáo buộc Mỹ "can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc" và khẳng định Bắc Kinh "sẽ không bao giờ dung thứ cho sự can thiệp của nước ngoài".

Ba ngày sau, 27-4, Washington chính thức xác nhận Hồng Kông không còn quyền tự trị với Trung Quốc, nghĩa là không còn được hưởng các quy chế thương mại đặc biệt với Mỹ như trước nữa - một tiền đề để Nhà Trắng tiếp tục duy trì cuộc "chiến tranh thương mại" còn chưa thực sự kết thúc và cũng còn chưa ngừng khiến rất nhiều guồng máy kinh tế thế giới lao đao.

Vaccine nào cho thế giới?

Nhìn từ góc độ này, những cuộc khẩu chiến dai dẳng giữa Bắc Kinh và Washington  -  từ cáo buộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bị Trung Quốc lũng đoạn đến chuyện tổ chức các cuộc điều tra về trách nhiệm làm lây lan dịch bệnh, từ những đòi hỏi Trung Quốc phải "bồi thường thiệt hại" trước đây đến diễn biến mới nhất là việc cựu Giám đốc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb nhận định rằng Mỹ sẽ có vaccine tốt hơn và sớm hơn Trung Quốc trong cuộc đua điều chế vaccine chống lại virus SARS-CoV-2; từ việc Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien so sánh chuyện bùng phát dịch COVID-19 ở Vũ Hán với thảm họa hạt nhân Chernobyl tại Liên Xô (cũ) trong quá khứ đến chuyện ông chủ Nhà Trắng Donald Trump tiếp tục "cài cắm" cái tên "virus Trung Quốc" vào trang Twitter của mình để công kích đối thủ cạnh tranh đảng Dân chủ là cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden… thể hiện một tư tưởng nhất quán và chẳng có dấu hiệu nào là sẽ có thể thay đổi trong tương lai gần, chỉ để phục vụ "lợi ích chung của cộng đồng quốc tế".

Hãy lưu ý rằng đằng sau việc quốc gia nào điều chế vaccine ngừa virus SAR-CoV-2 đầu tiên cũng hoàn toàn có thể là cuộc cạnh tranh để giành lấy hàng núi USD lợi nhuận. Hoặc thứ khác: Những thành tựu "quyền lực mềm" vô giá từ chiến lược "ngoại giao y tế".

Thịt bò là một trong số nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Australia bị Trung Quốc đánh thuế cao.

Trên phương diện chống lại đại dịch COVID-19, sẽ có rất nhiều nước "mắc kẹt" bởi "cuộc đua vaccine" đó. Và rộng hơn, ở mọi khía cạnh - địa kinh tế cũng như địa chính trị, việc Bắc Kinh với Washington không thể chìa tay ra cho nhau (ít nhất là trong thời điểm hiện tại) cũng đang khiến không ít quốc gia "khó xử".

Australia thậm chí đã bị "vạ lây". Bắc Kinh đã từng cảnh báo rằng Canberra hãy "tránh xa cuộc đối đầu Mỹ - Trung, nếu không muốn gặp nguy hiểm", nhưng Australia vẫn đề xuất tiến hành điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch COVID-19. Và thế là Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Australia (thậm chí còn chưa phải sử dụng tới cộng đồng người gốc Hoa vô cùng đông đảo, nắm giữ nhiều nguồn lực cũng như có tiếng nói giàu trọng lượng trong xã hội Australia) - ra đòn: Giảm nhập khẩu từ Australia, hạn chế nhập khẩu than đá, áp thuế 80% lên các sản phẩm lúa mạch, ngừng nhập khẩu thịt từ 4 lò mổ lớn, đồng thời đe dọa sẽ còn có thể vận động người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay rượu vang hay thịt bò Australia…

Chứng kiến thí dụ điển hình đó, "tấm gương tày liếp" đó, "vết xe đổ" đó, mọi nền kinh tế trên thế giới đều có lý do để lo lắng cho sự an nguy của chính mình. Trong guồng máy kinh tế toàn cầu hiện đại, bất cứ nhà kinh doanh nào cũng cố gắng nhắm đến cả hai thị trường Mỹ và Trung Quốc, chứ không phải là bị hất khỏi một trong hai (hoặc cả hai).

Và chứng kiến những gì đang diễn ra, có lẽ, bất cứ ai cũng sẽ hiểu rõ hơn lời nhận xét của Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Ryabkov: "Đang có những tính toán chính trị hóa các vấn đề liên quan tới diễn biến của đại dịch toàn cầu".

Nhưng, thứ virus đáng sợ nhất liệu có phải là SAR-CoV-2, hay là những mầm mống bất đồng, chia rẽ, xung đột… cùng hệ lụy là những nguy cơ suy thoái, khủng hoảng, nới rộng hố ngăn cách giàu nghèo…?

Thế giới đã từng có thứ vaccine nào hữu hiệu để ngăn chặn đẩy lùi thứ virus đó?

Thiên Thư
.
.
.