Bầu cử tại Cộng hoà tự trị Crimea và khủng hoảng chính trị tại Ukraine:

Mỹ - Phương Tây không muốn Crimea sáp nhập vào Nga

Thứ Sáu, 21/03/2014, 15:30

Ngay sau khi kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea được công bố (rạng sáng 17/3, theo giờ Việt Nam), Mỹ đã lên tiếng bác bỏ kết quả này. Trong tuyên bố của mình, Nhà Trắng nhấn mạnh việc ủng hộ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý về việc tách Crimea ra khỏi Ukraine. Và trong cuộc điện đàm đầu tiên sau khi bán đảo Crimea công bố kết quả trưng cầu dân ý sơ bộ với hơn 90% người ủng hộ sáp nhập lãnh thổ Nga, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Putin đã "khẩu chiến" xung quanh vấn đề này.

Theo ông Putin, trường hợp Crimea hoàn toàn phù hợp với tiền lệ Kosovo bởi Tổng thống Nga cho rằng, việc công nhận một phần lãnh thổ Nam Tư cũ như 1 nhà nước có chủ quyền năm 2008 đã tạo tiền lệ cho sự ly khai có thể lặp đi lặp lại ở các quốc gia khác. Tổng thống Barack Obama khẳng định, Washington bác bỏ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea và cảnh cáo, Mỹ đã sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moskva do cuộc khủng khoảng này. Nhưng ông Obama vẫn nói với ông Putin rằng, cuộc khủng hoảng này vẫn có thể được giải quyết một cách hòa bình, nhưng quân đội Nga cần dừng ngay hành động "xâm phạm" Ukraine.

Theo giới truyền thông, vào khoảng 8h30' ngày 17/3 (theo giờ địa phương), tại Brussels, Bỉ, Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp để xem xét tình hình và quyết định các biện pháp bổ sung nhằm trừng phạt Nga sau khi Cộng hòa tự trị Crimea kết thúc cuộc trưng cầu dân ý với đa số ủng hộ khu vực này trở thành một bộ phận của Nga, bất chấp việc giới chức mới lên cầm quyền ở Kiev và một số quốc gia như Mỹ, phương Tây coi sự kiện này là bất hợp pháp.

Hãng ABC News cho biết, EU đã cáo buộc cuộc trưng cầu dân ý ở Cộng hòa tự trị Crimea hôm 16/3 là bất hợp pháp và đang từng bước tăng cường các biện pháp chống lại Nga. Trước đó, các đại diện của 28 nước thành viên EU cũng đã họp để soạn thảo danh sách các quan chức Nga và các quan chức Ukraine ủng hộ Nga đưa vào danh sách trừng phạt của châu Âu.

Chiều 16/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso tuyên bố, cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea về việc tách khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga là bất hợp pháp và không chính đáng, đồng thời khẳng định, EU sẽ không công nhận kết quả cuộc bỏ phiếu này. Trong tuyên bố chung, ông Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cũng kêu gọi Nga giảm quân tại Crimea xuống mức trước khủng hoảng và rút về những khu vực triển khai thông thường.

Cử tri Crimea đi bỏ phiếu hôm 16/3.

Cũng trong ngày 16/3, nội các Ukraine đã họp khẩn trong bối cảnh người dân bán đảo Crimea tham gia một cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Liên bang Nga, với tuyên bố tăng thêm 6,8 tỷ hryvnia (gần 717 triệu USD) cho quốc phòng. Cùng ngày 16/3, Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền Ukraine Arsen Avakov tuyên bố, Kiev đã tăng cường các biện pháp bảo vệ đường biên giới với Nga, tại các tỉnh Luhansk và Kharkov, nhằm ngăn chặn các "đối tượng đáng ngờ".

Theo tờ Tấm gương, trong ngày 17/3, lãnh đạo Cộng hòa tự trị Crimea cử một phái đoàn tới Nga để thương đàm cụ thể việc sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Nga. Thủ tướng Crimea Sergey Aksyonov cho biết, trước khi các đại diện của Crimea tới Nga, Quốc hội Crimea ở Simferopol sẽ nhóm họp để thảo luận về vấn đề này. Và chính quyền khu vực này chính thức nộp đơn xin sáp nhập vào Liên bang Nga trong ngày 17/3. Theo Đài Tiếng nói nước Nga, đồng rub của Nga có thể được đưa vào lưu thông song song với đồng hryvnia của Ukraine trên bán đảo Crimea trong một giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu từ ngày 18 hoặc 19/3, nếu Cộng hòa tự trị này quyết định gia nhập Nga.

Theo hãng Reuters, ngày 16/3, Tổng thống Putin đã điện đàm với Thủ tướng Đức Merkel về cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea. Và trong cuộc điện đàm, ông Putin tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời nhấn mạnh, Moskva sẽ tôn trọng lựa chọn của người dân Crimea. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, bà Merkel đã đề xuất mở rộng sứ mệnh quan sát quốc tế tại Ukraine, theo đó OSCE nhanh chóng mở rộng sự hiện diện tại Ukraine thông qua việc cử thêm nhiều quan sát viên tới các khu vực căng thẳng, đặc biệt là tại miền Đông Ukraine.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Sự thật Thanh niên (Nga), ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga cho biết, Tổng thống Putin không hề tiếc nuối việc các đối tác G-8 loại Nga ra khỏi nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới, nếu đây là biện pháp trừng phạt Moskva sáp nhập Cộng hòa tự trị Crimea. Cũng trong ngày 16/3, Ngoại trưởng Nga Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã điện đàm về cuộc khủng hoảng ở Ukraine và đều đồng ý tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine phải thông qua cải cách hiến pháp ở nước này. Trong khi đó, lãnh đạo nhóm cực hữu dân tộc cực đoan, ông Dmitry Yarosh, đã đe dọa phá hủy đường ống dẫn khí đốt của Nga trên lãnh thổ Ukraine nếu giải pháp ngoại giao không đạt được với Moskva; đồng thời kêu gọi những người ủng hộ cầm vũ khí chống lại Nga

Phương Anh
.
.
.