Mỹ: Bảo vệ lễ nhậm chức của Tổng thống thứ 45

Thứ Tư, 18/01/2017, 21:06
Không biết có phải lời tiên đoán của nhà tiên tri người Pháp thế kỷ 16 Nostradamus và thày phù thủy người Mexico Antonio Vazquez ám ảnh, nhưng mật vụ Mỹ đang căng mình chuẩn bị cho lễ nhậm chức của ông Donald Trump.


Ngoài ra, Mỹ vừa trải qua vụ xả súng kinh hoàng hôm 7-1 (khiến 5 người chết và làm bị thương 8 người tại sân bay Fort Lauderdale), nên công tác đảm bảo an toàn cho lễ nhậm chức của vị Tổng thống thứ 45 của nước này càng trở nên cấp thiết.

Căng như dây đàn

Ngày 13-1, Bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson cho biết, chưa phát hiện mối đe dọa hiện hữu nào đối với lễ nhậm chức, sự kiện ước tính thu hút khoảng 700.000-900.000 người ở Thủ đô Washington. 

Và tại cuộc họp báo với mật vụ và cảnh sát, ông Jeh Johnson thông báo, 28.000 nhân viên công vụ sẽ được triển khai, trong đó có 10.000 nhân viên từ Bộ An ninh Nội địa, 12.000 nhân viên liên bang, 2.800 cảnh sát địa phương... cùng 300 chiếc máy đo từ trường đang gấp rút chuẩn bị cho lễ nhậm chức của ông Donald Trump. 

Ngoài ra, Bộ An ninh Nội địa còn kiến nghị áp dụng biện pháp chặn máy bay có ý định tiếp cận không phận Washington trong ngày 20-1. Lực lượng tìm kiếm và rà soát vật liệu nổ cũng được triển khai. Một số ga tàu điện ngầm và đường phố bị đóng cửa. 

Ông Jeh Johnson còn cho biết, tại các khu vực vành đai, người ta đã huy động thêm nhiều vật cản, trong đó có xe tải chở cát, xe buýt và các loại phương tiện khác để ngăn chặn các đối tượng lạ mặt lái những chiếc xe trái phép đi vào đây.

Ngoài ra, Bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson cũng bày tỏ sự quan ngại sau khi 99 tổ chức lên kế hoạch biểu tình ủng hộ và phản đối khi ông Donald Trump nhậm chức. 

Cảnh sát vũ trang Mỹ được tăng cường.

Ngày 14-1 (theo giờ địa phương), mục sư Al Sharpton cùng hàng ngàn người (trong đó có một số nghị sĩ của đảng Dân chủ) đã tuần hành phản đối ông Donald Trump. Sở Cảnh sát Washington đã phối hợp với FBI và Cục Công viên quốc gia để phòng ngừa các nguy cơ an ninh và khủng bố. Bởi ban tổ chức quan ngại rằng, các cuộc biểu tình quy mô lớn có thể làm tê liệt Thủ đô Washington, đúng thời điểm diễn ra lễ nhậm chức của ông Donald Trump. Vì một số nhóm biểu tình, trong đó có DisruptJ20, RefuseFacism.org đã lên kế hoạch biểu tình quy mô lớn đúng vào ngày ông Donald Trump nhậm chức. 

“Chắc chắn là vào ngày nhậm chức, đây có thể là mục tiêu hấp dẫn nhất trên thế giới và an ninh là mối lo ngại lớn nhất của tôi”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Missouri Roy Blunt, Chủ tịch Ủy ban Quốc hội về các hoạt động nhậm chức tuyên bố. Theo ông Roy Blunt, riêng Thủ đô có thể có 750.000 người biểu tình và đây là “vấn nạn” không chỉ của riêng cảnh sát Washington.

Dư luận cho rằng, tính đến nay thông tin chi tiết về lễ nhậm chức cùng các hoạt động ăn mừng vẫn được giữ bí mật. Tuy nhiên theo giới truyền thông, nếu tính cả phần không chính thức, lễ nhậm chức của ông Donald Trump sẽ kéo dài từ 19 tới 21-1 với sự tham gia của nhiều nhân vật quan trọng và nổi tiếng. 

Theo kế hoạch, ông Donald Trump đến Washington trong ngày 19-1 để dự lễ đặt hoa tưởng niệm ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Theo ông Tom Barrack, Chủ tịch Ủy ban Nhậm chức Tổng thống của ông Donald Trump, tân Tổng thống muốn tránh một "bầu không khí như buổi diễn xiếc", ủng hộ một "không khí êm dịu" - mọi người đến tham gia một bữa tiệc, không giống như lễ nhậm chức của người tiền nhiệm Barack Obama. 

Được biết, ông Donald Trump chỉ tổ chức 3 buổi tiệc, trong khi ông Barack Obama có tới 10 buổi tại lễ nhậm chức đầu tiên. Trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama gặp nhau tại Nhà Trắng, rồi tới Điện Capitol, Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence sẽ nhậm chức trước. 

Lời tuyên thệ dài 35 chữ của ông Donald Trump sẽ được đọc tại khu vực Điện Capitol, nơi có sự hiện diện của 1.600 khách mời quan trọng. Trong số 1.600 khách kể trên có Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama, Chủ tịch Hạ viện, các cựu Tổng thống, phái đoàn ngoại giao, thành viên nội các và những người được bổ nhiệm, cùng các nghị sĩ, thống đốc và Tổng tham mưu trưởng quân đội.

Vệ sỹ luôn theo sát ông Donald Trump.

Những công việc "phụ"

Khi trả lời phỏng vấn tờ Washington's Top News, ông Brian Ebert, đặc vụ phụ trách Văn phòng Sở Mật vụ Washington tiết lộ, cơ quan này sử dụng phương pháp “bảo vệ 360 độ” đối với vị Tổng thống thứ 45. 

"Chúng tôi sẽ dùng một vành đai bảo mật mạnh mẽ để chống lại các mối đe dọa. Đây là một khu vực đệm đa tầng bao quanh các địa điểm được bảo vệ và những tuyến đường diễu hành", ông Brian Ebert cho biết. 

Theo phân công của Ban tổ chức, FBI chịu trách nhiệm xử lý tin tức, chống khủng bố, giải cứu con tin, điều tra các sự cố khủng bố hoặc những hoạt động phạm tội khác. Những cơ quan thực thi pháp luật khác kiểm soát Thủ đô nhằm đảm bảo an toàn cho lễ nhậm chức. 

Giới chuyên môn cũng khá quan tâm tới cảnh báo của ông Fred Burton, đặc vụ đã nghỉ hưu khi lo ngại về những kẻ mang tư tưởng IS hoặc "sói đơn độc". 

Giới chức an ninh cho biết, việc đảm bảo an ninh cho cá nhân ông Donald Trump đã trở nên đơn giản hơn sau khi nhà tỷ phú quyết định ở lại Blair House, nhà khách của Tổng thống Mỹ, thay vì khách sạn ở Washington.

Lễ nhậm chức được coi là một trong những nghi lễ chính trị quan trọng nhất, mang tính biểu tượng cho nền dân chủ Mỹ, nên công tác đảm bảo an ninh là ưu tiên hàng đầu, và công tác chuẩn bị được dư luận cho là có quy mô lớn nhất trong lịch sử đang được gấp rút tiến hành. 

“Lễ nhậm chức nào cũng có mối nguy hiểm, và lo ngại riêng. Nhưng tôi chưa từng thấy lễ nhậm chức nào đặt ra nhiều thách thức an ninh như lần này”, cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Michael Chertoff tuyên bố. 

Và vấn đề an ninh càng trở nên nhạy cảm hơn khi người ta cho rằng, để đảm bảo an toàn cho lễ nhậm chức của ông Donald Trump, người ta phải chi hơn 100 triệu USD cho công tác an ninh. 

Bên cạnh đó là khoảng 100 triệu USD cho các hoạt động phục vụ lễ nhậm chức. Và đây là thách thức chưa từng có trong lịch sử hiện đại của Mỹ. Có tin nói rằng, số tiền kể trên được lấy từ các nhà tài trợ (hơn 70 triệu USD) và thuế của dân. 

Còn theo tờ Washington Post, khoản tiền 200 triệu USD sẽ do Ủy ban nhậm chức Tổng thống và chính quyền liên bang trả và đây là khoản chi phí cho lễ nhậm chức lớn nhất trong lịch sử. Mặc dù chi phí cao, nhưng lợi nhuận từ lễ nhậm chức Tổng thống mang lại cho kinh tế địa phương là rất lớn. Dự kiến, lễ nhậm chức của ông Donald Trump sẽ mang lại cho Washington hàng trăm triệu USD. 

Theo thông báo mới nhất, Ủy ban Nhậm chức Tổng thống của ông Donald Trump đã vận động được 90 triệu USD (nhiều hơn so với 2 lần nhậm chức của Tổng thống Barack Obama), con số kỷ lục từ các nhà tài trợ tư nhân cho lễ nhậm chức sắp tới.

Giới truyền thông cho biết, hơn 3.000 cảnh sát và khoảng 8.000 vệ binh quốc gia sẽ làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự đám đông và kiểm soát giao thông ở Washington, bên cạnh đó là khoảng 5.000 quân nhân được triển khai để đảm bảo an ninh tại buổi lễ trọng đại này. Bởi lễ nhậm chức của ông Donald Trump dự kiến sẽ thu hút hàng triệu người ủng hộ cũng như không ủng hộ nhà tỷ phú bất động sản này. 

Trong khi đó lại có tin nói rằng, khoảng 7.500 vệ binh quốc gia cùng khoảng 3.500 sĩ quan cảnh sát đến từ các bang sẽ hội tụ ở Washington, và khi đó Mật vụ chỉ đóng vai trò chỉ đạo về công tác đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, hơn 36 cơ quan thực thi luật pháp đang phối hợp về các kế hoạch an ninh và an toàn cho lễ nhậm chức, trong đó có Cảnh sát Capitol, FBI, Mật vụ và vệ binh quốc gia.

Công tác chuẩn bị tại nơi diễn ra Lễ nhậm chức của ông Donald Trump.

Động thái đáng quan tâm

Dư luận đang tranh luận về thông tin từ Facebook của vệ binh quốc gia DC, bởi Thiếu tướng Errol R. Schwartz, sĩ quan chỉ huy lực lượng vệ binh quốc gia sẽ chính thức bị thôi việc vào lúc 12 giờ 1 phút ngày 20-1 (theo giờ địa phương), tức ngay sau khi ông Donald Trump nhậm chức, trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. 

Thiếu tướng Errol R. Schwartz không những giám sát 2.700 binh sĩ thuộc đội cảnh vệ không quân quốc gia và quân đội của quận Columbia trong lễ nhậm chức, mà còn kiểm soát 5.000 binh sĩ không vũ trang từ 40 bang của Mỹ. 

Do đó, việc rời nhiệm sở của Thiếu tướng Errol R. Schwartz theo kế hoạch là điều bất thường trong lễ nhậm chức của ông Donald Trump. Bởi khi đó, gần 8.000 cảnh vệ quốc gia bảo vệ thủ đô Washington không có người chỉ huy.

"Đó là mốc thời gian cực kỳ không bình thường. Khi đó các binh sĩ của tôi còn làm nhiệm vụ ở trên đường. Tôi tiễn họ đi nhưng lại không thể chào đón họ quay lại căn cứ", Thiếu tướng Errol R. Schwartz đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post. 

Thiếu tướng Errol R. Schwartz cho biết, quyết định kể trên xuất phát từ Lầu Năm Góc, nhưng ông không biết ai là người ra mệnh lệnh này. Hội đồng thành phố Washington cũng chỉ trích việc này. 

"Việc chỉ huy bị thôi việc ngay giữa một chiến dịch đang được triển khai, thật chẳng ra thế nào. Ông ấy đã làm việc rất tốt", Chủ tịch Hội đồng thành phố, ông Phil Mendelson bức xúc. 

Trong khi đó, Văn phòng vệ binh quốc gia DC lại khẳng định, việc Thiếu tướng Errol R. Schwartz ra đi không ảnh hưởng gì đến nhiệm vụ hỗ trợ lễ nhậm chức hoặc các đối tác khác. Và người thay thế vị trí của ông Errol R. Schwartz là Chuẩn tướng William Walker.

Ông Donald Trump tuyên bố, tự soạn bài phát biểu nhậm chức “ngắn nhưng có tác động mạnh mẽ”. Quyết định thay thế ông Charlie Brotman, 89 tuổi, người từng làm xướng ngôn trong lễ nhậm chức của 11 đời tổng thống kể từ thời Tổng thống Dwight Eisenhower năm 1957 của Ban tổ chức cũng khiến dư luận tranh cãi. Và người được chọn thay thế là ông Steve Ray, 58 tuổi, phát thanh viên tự do tại Washington.
Mạnh Phong - Nhiệm Bình
.
.
.