9 tháng trước (1-5-2015), DOJ từng quyết định triển khai chương trình thí điểm trang bị camera đeo trên người cho cảnh sát với tổng chi phí 20 triệu USD. Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch cho rằng, máy quay sẽ giúp cảnh sát cải thiện quan hệ với người dân, đồng thời đảm bảo sự minh bạch, nâng cao khả năng giải trình. Trong khi đó, Hiệp hội quyền tự do dân sự Mỹ cảnh báo, việc sử dụng camera trang bị cho cảnh sát phải đảm bảo quyền riêng tư đối với những người được ghi hình.
Cam kết chỉnh đốn lực lượng cảnh sát tại thành phố Ferguson được đưa ra trong bối cảnh các vụ cảnh sát da trắng bắn chết người da màu vẫn đang là nỗi bức xúc trong dư luận. Trước đó (3-9-2015), DOJ từng công bố bản báo cáo dài gần 200 trang được coi là thách thức đối với cảnh sát Ferguson (đưa ra sau cuộc biểu tình hôm 19-8-2015 tại Ferguson để phản đối 2 cảnh sát bắn chết thanh niên da màu Michael Brown ở khu vực này).
 |
Tình trạng căng thẳng giữa cảnh sát và người da màu tại Mỹ gia tăng sau vụ việc tại Ferguson. |
Khi đó, DOJ chỉ trích chính quyền địa phương và lực lượng cảnh sát đã phản ứng không đồng bộ, không phù hợp và thái quá trong quá trình giải quyết các cuộc biểu tình tại Fergeson sau khi thanh niên da màu Michael Brown bị bắn chết hồi tháng 8-2015. Gần 1 năm trước (tháng 3-2015), DOJ cũng cáo buộc cách hành xử của cảnh sát Ferguson là phân biệt chủng tộc, tấn công người da màu và có những hành động quá mức. Cảnh sát trưởng Ferguson đã phải từ chức sau khi bản báo cáo này được công bố.
Và các cuộc biểu tình yêu cầu chấn chỉnh lực lượng thực thi pháp luật ở thành phố Ferguson buộc DOJ phải vào cuộc bởi cảnh sát quá lạm quyền trong khi làm nhiệm vụ. Trong tuyên bố mới nhất, chính quyền thành phố Ferguson cam kết, sẽ thay đổi cách thức tuyển dụng nhân sự để phù hợp với thực tế bởi có nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có rất ít trong số hơn 50 cảnh sát địa phương là người Mỹ gốc Phi tại một cộng đồng có tới 70% là người da màu.
Bên cạnh đó, các tòa án ở Ferguson sẽ không thụ lý các vụ án nhỏ bị chìm xuồng 2 năm qua. Ngoài ra, giới chức Ferguson còn có kế hoạch tổ chức 3 lần lấy ý kiến của người dân về kế hoạch cải cách kể trên trước khi hội đồng thành phố bỏ phiếu thông qua vào ngày 9-2. Và nếu được phê chuẩn, các thay đổi này sẽ chính thức có hiệu lực sau 180 ngày.
Gần nửa năm trước (11-8-2015), Thống đốc bang California Jerry Brown từng ký ban hành 2 điều luật, theo đó cấm hình thức xét xử bồi thẩm đoàn trong các vụ xét xử liên quan tới việc cảnh sát có hành vi bạo lực; và cho phép người dân ghi hình những việc làm của cảnh sát. Chính quyền bang California muốn thông qua 2 điều luật này để minh bạch hơn trong hoạt động hành pháp. Bởi trước đó bồi thẩm đoàn hạt St. Louis đã miễn truy tố đối với cảnh sát Darren Wilson, người đã bắn chết Michael Brown. Và phán quyết này từng gây phẫn nộ trong dư luận, tạo làn sóng biểu tình, bạo loạn chưa từng có ở Mỹ trong nhiều năm qua.
Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch từng lên án các vụ nổ súng và bạo lực do cảnh sát gây ra thời gian qua. Tổng thống Barack Obama cũng ban hành sắc lệnh cấm các cơ quan liên bang cung cấp cho cảnh sát địa phương những trang thiết bị quân sự bởi theo ông chủ Nhà Trắng, hình ảnh cảnh sát được quân sự hóa sẽ khiến người dân có cảm giác đó là lực lượng chiếm đóng, không phải là lực lượng bảo vệ và phục vụ công chúng.
Theo thống kê của tờ The Counted, tính tới ngày 31-12-2015, đã có 1.130 người bị cảnh sát giết chết, nhưng theo tờ Washington Post, con số này chỉ 979 người. Và cũng theo tờ Washington Post,vụ bắn chết thanh niên da đen 23 tuổi Keith Childress Jr., là trường hợp cuối cùng trong số 986 người bị cảnh sát Mỹ bắn chết năm 2015. Tờ Washington Post từng tuyên bố, nguy cơ công dân da màu bị cảnh sát da trắng bắn chết cao gấp 7 lần so với người khác. Và tuy người gốc Phi chỉ chiếm 4% dân số Mỹ, nhưng họ lại chiếm tới 40% trong số những người không có vũ khí bị cảnh sát giết hại. Và những thống kê kể trên cho thấy, DOJ phải thay đổi cách thức can thiệp của cảnh sát.
Tờ Denver Post vừa dẫn lời bà Michelle Halstead, người phát ngôn của thành phố Commerce, bang Colorado cho biết, chính quyền chấp nhận bồi thường 262.500 USD cho ông Gary Branson, chủ nhân con chó Chloe bị sĩ quan cảnh sát Robert Price bắn chết ngày 24-11-2012 khi đang chạy rông trên phố. |
Lư Tuấn Nghĩa