Mỹ:

Cảnh sát Chicago "lười" giải quyết các vụ án mạng

Thứ Tư, 26/09/2018, 20:33
Cảnh sát Chicago đã giải quyết ít hơn 1/6 số vụ án mạng trong thành phố thời gian vừa qua. Việc này khiến người dân lo ngại về sự giảm số lượng thủ phạm bị đưa ra trước công lý tại một trong những thành phố bạo lực nhất nước Mỹ.


Thống kê cho thấy, tỷ lệ giải quyết các vụ giết người ở Chicago, bao gồm tỷ lệ thủ phạm bị cảnh sát bắt giữ hoặc các nghi phạm được xác định đã giảm xuống mức 17,1% trong năm 2017 và 15,4% trong 6 tháng đầu năm 2018. 

Cảnh sát ở thành phố lớn thứ ba của Mỹ thậm chí còn có ít thành công hơn trong việc giải quyết các vụ nổ hoặc những vụ việc khác như tấn công, lừa đảo. Các vụ bắn súng hoặc đe dọa sử dụng súng ở Chicago cũng chỉ được giải quyết qua loa theo số liệu là 50/900 vụ, tương đương 5,6%. Đặc biệt, tỷ lệ giải quyết các vụ phạm tội thấp ở mức đáng báo động trong những khu vực bạo lực nhất của phía Tây và phía Nam Chicago. 

Phó Cảnh sát trưởng Brendan Deenihan, đứng đầu bộ phận thám tử của Sở Cảnh sát Chicago thừa nhận: "Các nạn nhân và kẻ phạm tội đang có xu hướng hoán đổi cho nhau. Họ không ngại ra tòa và làm chứng nhưng họ muốn có tính hiệu quả ngay, tức là có thể trả thù lại người đã bắn mình".

Một sĩ quan cảnh sát ở Chicago tại hiện trường vụ xả súng ở Đại lộ South Kedzie hồi tháng 8. Ảnh: EPA

Đáng chú ý là tỷ lệ giải quyết các vụ án ở Chicago thấp không chỉ là vấn đề riêng ở bang này. Các vụ án giết người được giải quyết ở Mỹ từ năm 2016 đến nay chưa bao giờ thoát được con số 59,4%. 

Tại Indianapolis, nơi mà tỷ lệ giết người đã tăng lên, nhân viên cảnh sát còn phải kêu gọi các chuyên gia bên ngoài giúp đỡ với số vụ án giết người chưa được giải quyết ngày càng tăng. Thành phố Midwest đã thống kê thấy tỷ lệ giải quyết các vụ án giảm từ 66% trong năm 2014 xuống 40% vào năm ngoái. 

Phân tích của Indianapolis Star, công ty thành viên của mạng lưới truyền thông USA TODAY còn cho thấy, tỷ lệ giải quyết án mạng ở Phoenix giảm từ 90% trong năm 2013 xuống 57% vào năm ngoái. 

"Không có một sự thay đổi đáng kể trong quá trình làm việc với các nhân chứng và cộng đồng", sĩ quan cảnh sát Mercedes Fortune nói. "Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của quan hệ hợp tác với cộng đồng và đang tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đó. Tuy nhiên, điều này không phải dễ".

Năm ngoái, số vụ giết người ở Chicago là 650 vụ, năm 2016 là 762 vụ, nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác trong cả nước Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần phản đối, chỉ trích các nhà lãnh đạo Chicago về việc họ xử lý với bạo lực. 

Vấn đề này cũng trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế quyền lực Thị trưởng khi Thị trưởng đương nhiệm Rahm Emanuel tuyên bố không tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ 3. 

Một ứng cử viên, cựu Giám đốc điều hành trường Công lập Chicago Paul Vallas, đã kêu gọi tăng số lượng thám tử của Sở Cảnh sát từ 1.000 người lên 1.200 người để giải quyết vấn nạn này. 

Sau một ngày cuối tuần đầy bạo lực vào tháng 8, trong đó có hơn 70 người bị bắn, Thị trưởng Rahm Emanuel và Giám đốc Sở Cảnh sát Chicago Eddie Johnson đã từ chối sự hợp tác của những cư dân trong các khu phố da đen, thu nhập thấp. 72 người bị bắn vào đầu tháng 8, 12 người trong số họ bị tử vong nhưng cảnh sát đã chỉ thực hiện hai vụ bắt giữ. 

Phó Cảnh sát trưởng Brendan Deenihan đã mô tả một vụ bắn súng hồi tháng 8 được thực hiện bởi một nhóm tội phạm nguy hiểm. Một người đàn ông 26 tuổi bị bắn vào chân ở phía Tây của thành phố. 

Cảnh sát sử dụng camera giám sát để phát hiện một chiếc xe rời khỏi khu vực và theo dõi chiếc xe cho đến khi các sĩ quan tuần tra có thể bắt kịp nó. Hai người đàn ông trên xe đã đi vào một trạm xăng và một trong hai người tên là Rick Franklin, 27 tuổi, đã vứt bỏ một khẩu súng bị đánh cắp ở gần quầy bán bánh rán bên trong cửa hàng xăng dầu. 

Cuộc điều tra đang tiến triển tốt thì nạn nhân của vụ bắn súng từ chối hợp tác.  "Vì vậy, cảnh sát chỉ có thể quy kết Rick Franklin tội danh sử dụng vũ khí bất hợp pháp", Brendan Deenihan nói.

Trong một vụ việc khác, Romell Young, 23 tuổi, cho biết, anh biết ai đã bắn anh vào tháng 4 vừa qua khi anh đang ở  gần nhà. Nhưng anh đã không hợp tác với cảnh sát điều tra vì điều này có thể khiến anh dễ bị trả thù. Young bảo anh muốn tự mình giải quyết các rắc rối này… 

Mối quan hệ căng thẳng giữa cảnh sát và cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Chicago ngày càng xấu đi kể từ khi có một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội vào năm 2015 cho thấy cảnh sát tấn công một thiếu niên da đen 17 tuổi tên là Laquan McDonald khi thiếu niên này cầm một con dao với lưỡi dao dài 3 inch. McDonald đã từ chối giao con dao cho cảnh sát và sĩ quan Jason Van Dyke đã nổ súng. Van Dyke hiện đang bị xét xử vì tội giết người cấp độ 1.  

Nhưng ngay cả trước vụ bắn súng vào McDonald thì mối quan hệ giữa Sở Cảnh sát Chicago với cộng đồng người Mỹ gốc Phi cũng đã không tốt bởi một lịch sử lâu dài về sự tàn bạo của cảnh sát và cáo buộc về chiến thuật nặng tay ở một số khu vực lân cận bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bạo lực. 

Rev. Ira Acree, một mục sư và nhà hoạt động ở phía Tây Chicago nói, đổ lỗi cho cư dân trong các khu dân cư cản trở việc giải quyết các vụ bạo lực trong thành phố là "lố bịch" và "xúc phạm". Acree lưu ý rằng mối quan hệ giữa cảnh sát Chicago với cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã bị căng thẳng trong nhiều thập kỷ. 

"Trong suốt thập niên 1990, các cuộc xung đột giữa các băng nhóm buôn bán ma tuý đã khiến tỷ lệ giết người ở Chicago cao. Tuy nhiên, nỗ lực giải quyết án mạng trong thời gian gần đây ở Chicago đã giảm xuống và Sở Cảnh sát phải chịu trách nhiệm về điều này", Acree nói. 

Linh Oanh
.
.
.