Mỹ:

Cuộc chiến pháp lý giữa 3 thành phố và Lầu Năm Góc

Thứ Tư, 17/01/2018, 22:05
Ba thành phố lớn của Mỹ gồm New York, San Francisco và Philadelphia vừa hoàn thiện hồ sơ và nộp đơn kiện Lầu Năm Góc lên Tòa án liên bang.


Nội dung mà đơn kiện đưa ra là Bộ Quốc phòng Mỹ đã vi phạm luật kiểm soát súng khi không ngăn chặn việc sử dụng súng của những binh sĩ không đủ tiêu chuẩn.

Viện dẫn báo cáo Điều tra của Cục điều tra liên bang (FBI) và con số thống kê về sử dụng súng trong xã hội Mỹ, đơn kiện của 3 thành phố nói trên đã chỉ rõ rằng, Bộ Quốc phòng che giấu các vụ án hình sự của những người trong quân đội và không cho phép thanh tra, kiểm tra một cách công bằng, minh bạch về việc sử dụng súng. 

Chính quyền 3 thành phố New York, San Franciso và Philadelphia đề nghị tòa án yêu cầu Lầu Năm Góc phải tuân thủ theo các quy định của liên bang, đưa ra những thống kê đầy đủ và thực hiện theo những yêu cầu của các tòa án liên bang trong những vụ kiện trước đó. 

Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết, luật pháp Mỹ quy định, trong mọi trường hợp, lực lượng chức năng phải dựa vào dữ liệu của FBI để kiểm tra lý lịch người mua súng và theo dõi các vụ mua, bán súng. Thế nhưng, Bộ Quốc phòng lại không báo cáo đầy đủ về những cá nhân không đủ tiêu chuẩn sử dụng súng, khiến hệ thống quốc gia về quản lý súng không được biết thông tin. 

Ông Bill de Blasio nhấn mạnh: "Trách nhiệm của Lầu Năm Góc là phải báo cáo các trường hợp tội phạm đã bị Tòa án binh xử từ 1 năm tù giam trở lên vì những tội ác nghiêm trọng cho dữ liệu của FBI; những vụ bị buộc phải xuất ngũ vì gây ra bạo lực gia đình hoặc các tội tương tự. Nhưng Lầu Năm Góc đã không thực hiện. Cách quản lý tắc trách của Bộ Quốc phòng đã gián tiếp gây ra cái chết cho hàng  trăm người dân vô tội. Họ đã để những kẻ tội phạm và những tên muốn gây ra chết chóc có cơ hội được sở hữu súng một cách dễ dàng". 

Trong khi đó, Thị trưởng Philadelphia Jim Kenney thì khẳng định: "Cơ sở dữ liệu chính xác đóng vai trò cực kỳ quan trọng để nhà chức trách đưa ra quyết định đúng đắn về việc ai nên mua súng và ai không được phép dùng súng. New York, Philadelphia và San Francisco sẽ sát cánh cùng nhau để yêu cầu Bộ Quốc phòng chấn chỉnh lại cách quản lý và chịu trách nhiệm về những sai lầm nghiêm trọng của họ".

Cựu quân nhân Stephen Paddock đã dùng súng trường tự động bắn vào Lễ hội âm nhạc đồng quê Route 91 Harvest, thành phố Las Vegas hồi tháng 10 năm 2017.

Trước những cáo buộc này, Lầu Năm Góc cũng thừa nhận đã nhiều lần không tuân thủ các nguyên tắc nghiêm ngặt nói trên và chuyện này xảy ra từ những năm 1990. Việc này khiến luật sư chính của vụ kiện - Ken Taber hoài nghi rằng, số quân nhân hoặc cựu quân nhân có vấn đề về tâm lý, không nên sử dụng súng nhưng được Lầu Năm Góc bỏ qua có thể lên tới hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người. 

"Điều này là không thể chấp nhận được. Khi các nhân viên phục vụ bị trục xuất vì một lý do nào đó, Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ phải cảnh báo FBI. Từ đó, tên của những người này sẽ được nhập vào cơ sở dữ liệu mà các đại lý súng phải kiểm tra trước khi bán vũ khí.  Nhưng thay vì thực hiện trách nhiệm của mình để xứng đáng với vai trò là tuyến đầu bảo vệ an ninh Tổ quốc, Lầu Năm Góc lại luôn vi phạm. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được sự thật đen tối này nếu không có vụ một cựu quân nhân thuộc lực lượng không quân Mỹ tên là Devin Patrick Kelly (26 tuổi) bắn hạ các thành viên của một hội thánh nhỏ tại Sutherland Springs thuộc bang Texas hồi tháng 11 năm ngoái làm 26 người thiệt mạng và hơn 20 người bị thương". 

Hãng tin CNN cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, người ta mới tá hỏa rằng Devin Patrick Kelly có một hồ sơ về bạo lực gia đình và các hành vi phạm tội khác trong quân đội - những tội mà theo quy định của luật pháp Mỹ sẽ không được mua súng hay sở hữu súng. 

Phát ngôn viên lực lượng không quân Mỹ Ann Stefanek cũng xác nhận Devin Patrick Kelly phục vụ trong đơn vị hậu cần ở căn cứ không quân Holloman, bang New Mexico từ năm 2010 nhưng đến năm 2013 thì bị sa thải do sai phạm. Nhưng vì quân đội không gửi thông tin cho FBI nên tên của Kelly không bao giờ có trong cơ sở dữ liệu hay "danh sách đen" và đó là lý do ông ấy đã mua trót lọt một khẩu súng trường và nhằm bắn những người vô tội khác.

Mỹ hiện là quốc gia có tỷ lệ sở hữu và sử dụng súng đạn lớn nhất thế giới. Việc kiểm soát súng đạn cũng là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội Mỹ, bởi những vụ xả súng đã vượt ngoài tầm kiểm soát của các nhà chức trách. 

Nạn nhân thiệt mạng hoặc bị thương là những người vô tội lên tới hơn 100.000 người mỗi năm, trong đó có hơn 7.000 trẻ em. Luật sư Dennis Herrera đại diện cho thành phố San Francisco nói: "Không thể chấp nhận mức độ bạo lực súng như hiện nay. Chúng ta phải có biện pháp để ngăn chặn và Lầu Năm Góc phải là lực lượng tiên phong, đi đầu để làm gương trong vấn đề này".

Chu Nguyễn
.
.
.