Mỹ:

Không ít tù nhân thụ án xong lấy được bằng đại học, cao đẳng

Thứ Năm, 10/12/2015, 07:03
Cách đây không lâu, tại nhà tù có chế độ an ninh nghiêm ngặt tối đa ở Catskills, New York, Mỹ, trên sân khấu một bên là 3 tù nhân đang thi hành án vì tội liên quan đến bạo lực, bên kia là 3 sinh viên Đại học (ĐH) Harvard. Sau 1 giờ thi tài tranh luận, đội phạm nhân đã giành chiến thắng với tỷ số 2-1. Sự kiện này đã trở thành đề tài tranh luận nóng hổi trên các phương tiện truyền thông.

Đập tan những định kiến sai lầm về tù nhân

Chủ đề tranh luận được đặt ra: "Các trường công lập Mỹ có quyền từ chối nhận học sinh không có giấy tờ?". Bà Mary Nugent, thành viên giám khảo cho biết, nhóm tù nhân theo học chương trình của ĐH Bard đã đưa ra lập luận chặt chẽ và nêu lên giải pháp, trong khi nhóm tranh luận của ĐH Havard không sắc sảo bằng, mặc dù cả hai bên đều đã cố gắng hết sức.

Các thành viên trong nhóm Harvard cho biết, họ ấn tượng bởi sự chuẩn bị kỹ càng của bên đội tù nhân cũng như những lập luận bất ngờ của họ. "Họ làm chúng tôi mất cảnh giác", Anais Carell, sinh viên 20 tuổi đến từ Chicago cho biết. Trong khi đó, 3 thành viên đội Bard nói chỉ đơn giản là họ muốn tỷ thí và thể hiện hiệu quả của việc giáo dục trong tù. Họ thuộc một đội gồm 20 thành viên đang thụ án ở trại giam Đông New York ở Catskills đăng ký theo Sáng kiến nhà tù Bard, một chương trình do Đại học Bard ở Annandale-on-Hudson, New York, đứng ra tổ chức, đến nay đã có khoảng 300 người được học đại học trong thời gian ở tù.

Khoa giáo dục trong tù của Đại học Bard được thành lập từ năm 1999. Đến nay đã có nhiều sinh viên là phạm nhân tốt nghiệp từ khoa giáo dục này.

Việc chuẩn bị cho cuộc thi thực sự là thách thức với nhóm Sáng kiến nhà tù Bard. Bởi tù nhân không thể sử dụng Internet để nghiên cứu tài liệu. Quản giáo phải chấp thuận để thí sinh nghiên cứu sách và báo trong vài tuần. Buổi sáng trước giờ thi, các thành viên nhóm Bard tỏ ra khá căng thẳng và hy vọng cuộc cạnh tranh với nhóm Harvard, ngay cả khi thua cũng sẽ truyền cảm hứng cho các tù nhân khác trong việc học.

"Nếu chúng tôi giành chiến thắng, rất nhiều người đặt câu hỏi chuyện gì xảy ra ở đây", Alex Hall, thanh niên 31 tuổi đến từ Manhattan bị kết tội ngộ sát cho biết. "Không phải tự nhiên chúng tôi nói được những điều hoa mỹ, căn bản là chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ". "Cơ hội được học tập khiến chúng tôi tin vào chính mình"- Carlos Polanco, một tù nhân 31 tuổi khác cho biết.

Bà Nugent cho rằng, có vẻ đội tù nhân giành được nhiều cảm tình hơn, nhưng cả 3 giám khảo đã làm việc công tâm khi cho điểm dựa trên những nguyên tắc và tiêu chí cụ thể. "Chiến thắng này đã đập tan những định kiến sai lầm về tù nhân. Khả năng học tập, nghiên cứu của họ thực sự ấn tượng".

Tỷ lệ tái phạm rất ít

Sáng kiến nhà tù Bard khởi động từ năm 2001, ý tưởng ban đầu là tạo cơ hội học tập cho các tù nhân có năng khiếu và động lực. Mỗi nơi tham gia chương trình có 10 tù nhân đăng ký, tuyển sinh bằng hình thức viết tiểu luận và phỏng vấn. Sinh viên không phải đóng học phí. Mỗi năm, Sáng kiến nhà tù Bard chi 2,5 triệu USD (tiền đóng góp từ các nhà tài trợ tư nhân) cho chương trình, bao gồm cả chi phí giúp các mô hình tương tự áp dụng ở 9 tiểu bang khác.

Tuy nhiên, nhiều người phản đối chương trình này khi cho rằng còn rất nhiều người lương thiện đang phải xoay xở để trang trải học đại học và không việc gì phải trả tiền cho những tội phạm đã bị kết án được cấp bằng đại học trong tù. Mặc dù vậy, Ban tổ chức Sáng kiến nhà tù Bard cho hay, trong số hơn 300 cựu sinh viên tốt nghiệp trong thời gian ở tù, nhiều người sau này tiếp tục đi học, làm các nghề về dịch vụ y tế, tư vấn và tái chế thiết bị điện tử và đáng nói nhất là chưa đầy 2% trở lại nhà tù trong vòng 3 năm, khung thời gian tiêu chuẩn để đánh giá mức độ tái phạm. Trong khi nhìn chung tại New York, tỷ lệ tái phạm khoảng 40%.

Đối với những tù nhân không được phép truy cập vào Internet, họ đâu biết rằng chiến thắng của họ trở thành đề tài nóng hổi trên các phương tiện truyền thông xã hội cũng như báo chí. Nhiều người cho rằng, chiến thắng này sẽ làm thay đổi định kiến về tù nhân và cần trao đổi thêm về làm thế nào để nâng cao hiệu quả giáo dục phạm nhân và giảm tái phạm. Mới đây, Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Arne Duncan đã nhắn lên mạng Twitter rằng: "Ai đó nên làm một bộ phim về câu chuyện có thật này".

Nguyễn Lai (tổng hợp)
.
.
.