Mỹ: Lại tranh cãi về dự luật kiểm soát súng đạn

Thứ Tư, 06/03/2019, 21:27
Việc thông qua dự luật kiểm soát súng đạn tại Hạ viện hôm 27-2 được coi là một trong những thành quả lớn nhất của đảng Dân chủ kể từ khi họ giành quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm hồi tháng 11-2018.


Theo dự luật này, tất cả các hoạt động bán súng, bao gồm cả giao dịch tư nhân, sẽ phải được kiểm tra thông tin hình sự liên bang. Điều này đồng nghĩa với việc cho phép mở rộng việc kiểm tra lý lịch đối với gần như mọi trường hợp mua bán súng, bao gồm việc mua vũ khí tại các cuộc trưng bày vũ khí, kể cả qua mạng Internet. Và đây là dự luật siết chặt kiểm soát súng đạn đầu tiên được Hạ viện thông qua trong 1/4 thế kỷ. 

Theo ông Steny Hoyer (nhân vật số 2 của đảng Dân chủ tại Hạ viện), mặc dù còn tồn tại nhiều bất đồng giữa các nghị sỹ Dân chủ về cách thức kiểm soát bạo lực súng đạn, nhưng dự luật kể trên đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. 

Đồng thời nhấn mạnh, các vụ xả súng xảy ra tại Mỹ trong thập niên qua đã làm gia tăng mối lo sợ của người dân, do đó dự luật vừa được thông qua sẽ nhận được sự ủng hộ của đa số cử tri Mỹ. 

Mỹ vừa đạt bước tiến lớn, sau khi dự luật kiểm soát súng đạn được thông qua tại Hạ viện với tỷ lệ 240/190 - có 8 nghị sỹ đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ, trong khi 2 nghị sỹ đảng Dân chủ bỏ phiếu chống. 

Và dự luật này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ tại Thượng viện - nơi đảng Cộng hòa nắm đa số và Tổng thống Donald Trump, người từng tuyên bố sẽ bác bỏ dự luật này. Bởi mấy ngày trước (25-2), Nhà Trắng đã cảnh báo, Tổng thống Donald Trump sẽ phủ quyết các dự luật được đề xuất nhằm tăng cường kiểm tra lý lịch đối với người mua súng, cho dù được Quốc hội thông qua.

Một cửa hàng bán súng đạn ở Mỹ.

Ngày 28-2, Hạ viện Mỹ lại thông qua (228 phiếu thuận và 198 phiếu chống) dự luật H.R. 1112 với nội dung kéo dài thời gian xem xét kiểm tra thông tin đối với hoạt động mua súng đạn. 

Theo giới truyền thông, Hạ viện thông qua dự luật kiểm soát súng đạn sau khi Mỹ xảy ra 1 số vụ xả súng. Cảnh sát bang North Carolina cho biết, 2 người bị chết và 1 người bị thương trong vụ nổ súng xảy ra rạng sáng 24-2 (theo giờ địa phương). Cảnh sát nhận định đây là vụ giết người, nhưng không có nghi can lạ xuất hiện tại khu vực vào thời điểm xảy ra vụ nổ súng. 

Trước đó (19-2), kênh truyền hình WOOD-TV dẫn lời Cảnh sát trưởng hạt Kent Michelle LaJoye-Young cho biết, cảnh sát đã có mặt tại tư gia gần Cedar Springs, khu dân cư cách thành phố Grand Rapids khoảng 48km về phía Bắc của bang Michigan, để điều tra vụ nổ súng khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có trẻ em. 

Nhưng vụ xả súng khiến 5 người thiệt mạng và 5 cảnh sát bị thương ở thành phố Chicago, bang Illinois được dư luận quan tâm hơn cả. Bởi Tổng thống Donald Trump đã được thông báo về vụ việc này. 

Hơn nửa tháng trước (15-2), Cảnh sát trưởng thị trấn Aurora, bà Kristen Ziman cho biết, hung thủ Gary Martin, 45 tuổi, đã gây án sau khi bị đuổi việc tại công ty Henry Pratt (làm suốt 15 năm qua ở đây) và hắn bị cảnh sát tiêu diệt. 

Tờ Chicago Sun-Times dẫn lời người nhận là mẹ Gary Martin cho biết, con trai bà bị nghỉ việc 2 tuần trước và đã bị căng thẳng trước vụ xả súng. Được biết, Gary Martin từng có tiền án về tội tấn công người tại Mississippi năm 1995. 

Thị trưởng thành phố Aurora Richard Irvin đã bày tỏ đau buồn về sự việc này - thật nhục nhã khi những vụ xả súng hàng loạt như vậy đã trở thành chuyện hằng ngày ở đất nước chúng ta! Đây là vụ xả súng đẫm máu mới nhất xảy ra tại Mỹ trong bối cảnh xứ sở cờ hoa vẫn đang tranh cãi về vấn đề sở hữu súng đạn.

Dư luận cũng quan tâm tới vụ bắt sĩ quan tuần duyên Christopher Paul Hasson vì ông bị cáo buộc âm mưu giết người hàng loạt. Các công tố viên cho biết, Christopher Paul Hasson, người tự xưng theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, đã bị bắt với tội danh ban đầu là sở hữu vũ khí và ma túy bất hợp pháp. 

Cảnh sát đã tịch thu 15 khẩu súng và hơn 1.000 viên đạn trong căn hộ của Christopher Paul Hasson ở ngoại ô Washington, bang Maryland. Và cảnh sát cũng đã tìm thấy một danh sách gồm chính trị gia và nhà báo mà Christopher Paul Hasson lên kế hoạch sát hại. 

Trước đó (17-9-2018), Văn phòng Công tố hạt Webb, bang Texas đã bắt Juan David Ortiz, nhân viên Cơ quan bảo vệ biên giới và Hải quan Mỹ vì bị nghi giết 4 phụ nữ và đang bắt cóc 1 người khác. 

Theo số liệu thống kê của nhóm vận động Everytown for Gun Safety, trong giai đoạn 2009-2017, đã có ít nhất 173 vụ xả súng lớn khiến hơn 1.000 người chết và nhiều người bị thương. Theo số liệu của Liên hợp quốc, không một quốc gia phát triển nào trên thế giới lại phải đối mặt với nạn bạo lực súng đạn nghiêm trọng như Mỹ. 

Trọng Hậu
.
.
.