Mỹ:

Lại tranh cãi về quyền sử dụng súng

Thứ Năm, 29/06/2017, 17:16
Quyết định cho phép giáo viên mang súng vào trường học của bang Colorado đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi.


Thậm chí, các nhà hoạt động xã hội còn tổ chức quyên góp tài chính (khoảng 1.000 USD/người) để trang trải chi phí cho số học viên đặc biệt này.

Giáo viên tại bang Colorado sẽ được phép mang súng vào trường học để bảo vệ sinh viên và nhân viên làm việc trong trường trước nguy cơ bạo lực súng đạn tiềm ẩn.

Những giáo viên kể trên sẽ được phép sử dụng súng sau khi họ hoàn tất khóa huấn luyện kéo dài 3 ngày, với nội dung sử dụng súng đúng cách trong lớp học và sơ cứu cho những người bị tấn công bằng súng hoặc bằng dao.

Hiệp hội Faster, một trong những nhà tổ chức khóa học kể trên cho biết, mục đích không phải đào tạo giáo viên để thay thế cảnh sát hay nhân viên cứu hộ, mà nhằm giúp họ có khả năng phản ứng kịp thời để hạn chế tối đa thương vong cho học sinh trong lúc chưa có ai ứng cứu.

Một khách hàng nữ thử súng tại cửa hàng bán vũ khí tại Pompano Beach, Florida.

Theo tờ Denver Post số ra ngày 23-6, nhiều trường học tại khoảng 20 khu dân cư của bang Colorado đã có quy định cụ thể về việc giáo viên và nhân viên nhà trường thực hiện vai trò của một nhân viên an ninh có vũ trang.

Khóa huấn luyện đầu tiên có 17 học viên và khóa thứ hai với 20 học viên đang được lên kế hoạch. Những người tham gia khóa huấn luyện đều phải có giấy phép sử dụng súng và được xác nhận là nhân viên an ninh của trường học. Tuy nhiên, việc giáo viên được vũ trang cũng vấp phải nhiều chỉ trích vì khiến vũ khí trở thành quen thuộc trong môi trường sư phạm.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất về trẻ em và bạo lực do súng đạn được công bố hôm 19-6 trên tạp chí Pediatrics, mỗi năm tại Mỹ có gần 1.300 trẻ em chết và 6.000 bé bị thương do súng đạn, trong đó có nhiều em là nạn nhân của các vụ nổ súng học đường.

Nghiên cứu cho thấy tử vong liên quan đến súng đạn là nguyên nhân gây chết người lớn thứ ba đối với những em trong độ tuổi từ 1 đến 17 ở Mỹ, và là nguyên nhân gây tử thương thứ hai do súng đạn trong nhóm trẻ em này.

Tính trung bình, mỗi ngày tại Mỹ có ít nhất 19 trẻ em bị bắn chết hoặc bị thương do súng đạn. Riêng năm ngoái, tại Mỹ đã có 4,2% số trẻ em dưới 17 tuổi phải chứng kiến một vụ xả súng.

Súng ngắn được bày bán trong một cửa hàng tại Mỹ.

Theo hãng AFP, để đối phó với nạn xả súng tại các trường học, ngoài bang Colorado, các bang khác như Texas, Ohio cũng đã mở các khóa huấn luyện để giáo viên mang súng khi đi dạy.

Quyết định cho phép giáo viên mang súng diễn ra sau khi nghị sĩ Steve Scalise (là nhân vật quyền lực thứ ba của đảng Cộng hòa tại Hạ viện) bị thương trong một vụ xả súng trên sân bóng chày hơn 10 ngày trước (14-6). Hiện ông Steve Scalise vẫn đang trong tình trạng nguy hiểm sau ca phẫu thuật hôm 17-6.

Ngoài nghị sĩ Steve Scalise, ông Matt Mika, nhà vận động hành lang cho công ty Tyson Foods và 3 viên cảnh sát khác cũng là nạn nhân của tay súng James Hodgkinson, 66 tuổi ở thành phố Belleville, bang Illinois. Sát thủ đã bị bắn chết sau cuộc đấu súng với cảnh sát tại hiện trường.

Theo giới truyền thông, vụ xả súng vào nghị sĩ Steve Scalise đang khơi lại tranh cãi về kiểm soát súng đạn. Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi hành động của lực lượng cảnh sát, đồng thời kêu gọi mọi người cùng cầu nguyện cho nghị sĩ Steve Scalise và các nạn nhân khác.

Ông Donald Trump và vợ cũng đã tới bệnh viện thăm nghị sĩ Steve Scalise. Tổng thống Donald Trump và nghị sĩ Steve Scalise đều phản đối việc kiểm soát súng đạn, nhưng có lẽ họ sẽ phải nghĩ lại sau sự cố kể trên. Quyền "sở hữu và mang súng" của người dân được ghi rõ trong Hiến pháp.

Cùng thời điểm nghị sĩ Steve Scalise bị bắn, 4 người đã chết và nhiều người bị thương khi một người đàn ông của công ty chuyển phát nhanh UPS nổ súng tại một nhà kho kiêm trung tâm dịch vụ khách hàng ở San Francisco.

Sau khi xả súng vào đồng nghiệp, hung thủ đã tự sát khi cảnh sát tới hiện trường. Cảnh sát tìm thấy 2 khẩu súng tại khu làm việc của UPS, trong đó có khẩu súng gây án. 

Ngày 17-6, hàng ngàn người đã biểu tình ở bang Minnesota sau khi sĩ quan cảnh sát Jeronimo Yanez được tòa tuyên vô tội trong vụ bắn chết công dân da màu Philando Castile. Sau khi tòa án tuyên bố cảnh sát Jeronimo Yanez không phạm tội ngộ sát, nhiều người đã giận dữ xuống đường đòi công lý cho ông Philando Castile.

Cảnh sát ước tính có khoảng 2.000 người biểu tình. Gần 1 năm trước (tháng 7-2016), cảnh sát Jeronimo Yanez bắn chết ông Philando Castile trong lúc dừng xe hơi của người này để kiểm tra trên đường. Cái chết của Philando Castile được bạn gái của ông phát trực tiếp trên Facebook. Nhưng theo tòa án, ông Philando Castile có mang súng trong người và nhiều lần định rút súng chống người thi hành công vụ, bất chấp cảnh báo của cảnh sát, buộc cảnh sát Jeronimo Yanez phải nổ súng tự vệ.

Trọng Hậu
.
.
.