Mỹ:

Mở rộng điều tra vụ bán visa cho người Trung Quốc

Thứ Năm, 13/04/2017, 09:42
Sau cuộc khám xét văn phòng của Quỹ Nhập cư Đầu tư California (CIIF) ở San Gabriel, thành phố Los Angeles, bang California hôm 5-4, nhân viên FBI đang mở rộng điều tra đối với những nghi phạm có liên quan tới đường dây bán visa cho hàng trăm nhà đầu tư Trung Quốc.


Nhân viên FBI đã đột kích vào 2 căn nhà và 1 doanh nghiệp bị cáo buộc liên quan đến mạng lưới lừa đảo bán visa trị giá khoảng 50 triệu USD. Theo hồ sơ của FBI, CIIF bị nghi ngờ (đã tìm kiếm thẻ xanh cho hơn 100 nhà đầu tư Trung Quốc vào những dự án xây dựng chưa hề được thực hiện) gian lận chương trình thị thực EB-5 của Chính phủ Mỹ.

Bởi theo chương trình thị thực EB-5, nếu nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư ít nhất 500.000 USD cho các dự án tạo việc làm tại các khu vực chỉ định ở Mỹ và tạo ít nhất 10 việc làm cho công dân hoặc người thường trú tại Mỹ đều có thể xin cấp giấy chứng nhận thường trú (thẻ xanh).

FBI đang cáo buộc nữ luật sư Victoria Chan và cha cô là Tat Chan, người điều hành CIIF có liên quan tới đường dây kể trên. Điều đáng nói là có ít nhất 3 nhà đầu tư đã nhận thẻ xanh thông qua chương trình thị thực EB-5 là nghi phạm bị Chính phủ Trung Quốc truy nã.

Nhân viên FBI thu giữ tài liệu từ văn phòng của CIIF tại California, Mỹ.

FBI cho biết, Victoria Chan và Tat Chan lập đường dây buôn bán visa từ năm 2008, bằng cách thuyết phục hơn 100 người Trung Quốc góp vốn (khoảng 50 triệu USD) vào CIIF cùng với một số công ty liên quan để được cấp visa theo diện EB-5 của Mỹ.

Theo nhân viên FBI Gary Chen cho biết, nhiều đối tượng tham gia đường dây kể trên là tội phạm bị Trung Quốc truy nã và đa phần là tội phạm về tham nhũng hoặc lạm quyền để trục lợi ở Trung Quốc.

"Nhờ đường dây lừa đảo này, rất nhiều công dân nước ngoài có thể lấy thẻ xanh một cách không chính đáng thông qua chương trình thị thực EB-5 bởi họ không đầu tư vào bất cứ doanh nghiệp Mỹ nào, cũng như không tạo ra việc làm", nhân viên FBI Gary Chen nhấn mạnh.

Theo giới truyền thông, cuộc điều tra đối với CIIF bắt đầu ít nhất 4 năm trước, sau khi các nhà điều tra của Cục Điều tra An ninh Nội địa (HSI) kiểm tra một trong những địa điểm dự án đầu tư và phát hiện không có hoạt động cũng như không có giấy phép xây dựng nào đã được cấp.

Được biết, các nhà lập pháp đã cân nhắc việc thay đổi đối với chương trình thị thực EB-5, bởi ngày càng có nhiều người nước ngoài giàu có đến Mỹ bằng gian lận.

Theo Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO), tính đến năm 2016, đã có hơn 800 trung tâm khu vực được chấp thuận tham gia chương trình thị thực EB-5.

Theo giới truyền thông, nhiều công dân nước ngoài đã có thể nhận thẻ xanh thông qua chương trình thị thực EB-5, dù họ không thực sự đầu tư vào các doanh nghiệp Mỹ, cũng như không tạo việc làm mới tại đây. Chương trình thị thực EB-5 được thực hiện từ năm 1990 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Theo giới truyền thông, gần 90% thị thực theo diện EB-5, vốn chỉ cấp 10.000 visa/năm cho công dân nước ngoài, đã được trao cho người Trung Quốc trong năm 2014.

Được biết, trong năm 2014, nhiều dự án xây dựng tại Mỹ đã nhận một luồng vốn lớn đến từ Trung Quốc, bất chấp việc các trái phiếu Chính phủ Mỹ kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài cách làm kể trên, nhiều người Trung Quốc đã làm đám cưới giả để nhận thẻ xanh. Có người đã chi 50.000 USD để "cưới vào Mỹ", nhưng cũng có người bị buộc tội gian lận trong việc làm visa và phải đối mặt với mức án 5 năm tù.

Cũng trong năm 2014, cảnh sát Bồ Đào Nha từng bắt người đứng đầu lực lượng cảnh sát biên phòng và 10 người khác khi mở cuộc điều tra tham nhũng liên quan đến việc cấp "visa vàng" cho nhà đầu tư nước ngoài giàu có, trong đó có hơn 1.600 người Trung Quốc.

Khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Paula Teixeira Cruz đã kêu gọi những người làm hoen ố hình ảnh các cơ quan công quyền phải từ chức. Được biết, những người bị bắt bao gồm Manuel Jarmela Palos, người đứng đầu lực lượng cảnh sát biên phòng và một quan chức cấp cao Bộ Tư pháp.

Bồ Đào Nha bắt đầu áp dụng chương trình "visa vàng" từ năm 2012, theo đó nhà đầu tư nước ngoài mua bất động sản giá trị từ 619.000 USD trở lên và duy trì trong ít nhất 5 năm, có quyền cư trú ở Bồ Đào Nha và được đi lại miễn thị thực trong Liên minh châu Âu.

FBI vừa thẩm vấn những người lao động Trung Quốc làm việc tại một sòng bạc bất hợp pháp trên đảo Saipan thuộc Mỹ. Ngày 5-4, hãng Reuters cho biết, người đứng đầu Công ty Đầu tư Imperial Pacific của Trung Quốc (chủ thầu dự án sòng bạc trên đảo Saipan), đã bị cáo buộc nhập khẩu và thuê mướn lao động Trung Quốc bất hợp pháp. Được biết, chủ sở hữu dự án sòng bạc Saipan trị giá hàng tỉ USD vừa mở cửa hôm 31-3. 

Trọng Hậu
.
.
.